'Đánh thức'… tháp Hòn Chuông
Tháp Hòn Chuông là một trong 8 cụm tháp Chăm nổi tiếng của Bình Định nhưng khác biệt và độc lạ với các cụm tháp Chăm khác. Ở độ cao 800 m so với mực nước biển, tháp tọa lạc ở núi Bà hứa hẹn thành điểm du lịch khám phá và mạo hiểm mới đầy hấp dẫn, tiềm năng tại miền Trung.
Một ngày cuối tháng 9/2023, chúng tôi theo chân CLB xe đạp xuất phát từ sáng sớm tại đập Thủy Lục, thôn Chánh Danh, xã Cát Tài, huyện Phù Cát (Bình Định) để khám phá tháp Hòn Chuông. Cả đoàn di chuyển lên dốc khoảng 3 km, sau đó tiếp tục đi bộ theo lối mòn lên núi với khoảng 6 km nữa mới đến chân Hòn Chuông.
Một phần ba đoạn đường đầu là sườn dốc, không có nhiều cây. Tuy nhiên khi tiến vào rừng nguyên sinh, không khí chuyển mát mẻ, dễ chịu, đường khá bằng phẳng, chỉ thoai thoải nên cảm giác mệt mỏi trong tôi dần tan biến. Tôi bắt đầu thấy thích thú khi ngửi thấy mùi thơm của rừng, tiếng gió thổi, lá rừng xào xạc, suối chảy róc rách và chim hót líu lo...
Sau hơn 4 tiếng đồng hồ leo dốc, băng rừng, vượt qua các điểm check in thú vị là núi Hòn Chồng, suối Hóa, trước mắt chúng tôi là tháp Hòn Chuông với vẻ đẹp cổ kính và huyền bí .
Tháp Hòn Chuông là ngôi tháp kỳ lạ nhất trong hệ thống các tháp Chăm từng tồn tại trên lãnh thổ của vương quốc một thời huy hoàng. Ngôi tháp huyền bí này được xây dựng trên một khối đá khổng lồ cao 50 thước và trơn nhẵn, hình dạng giống như một quả chuông úp nên tục gọi là Hòn Chuông. Và Hòn Chuông này lại nằm trên một trong những đỉnh cao nhất của quần sơn Núi Bà nằm ở phía đông kinh thành Đồ Bàn. Tất cả những công trình thống kê và khảo tả của người Pháp về văn hóa Chăm, tháp Chăm không có sự hiện diện của tháp Hòn Chuông.
Và mãi cho đến năm 1993, người ta mới biết trên đỉnh của Hòn Chuông kỳ vĩ ấy có một ngôi tháp. Để rồi sau hơn 5 thế kỷ ngủ yên (tính từ biến cuộc 1471), ngôi đền thiêng này thức giấc và khiến giới học giả kinh ngạc vì chưa thể hiểu được chính xác cách thức mà người Chăm chọn địa điểm, lên thiết kế, vận chuyển vật liệu và xây nên một công trình kỳ lạ như thế.
Với sự đặc biệt ấy, tháp Hòn Chuông không những thu hút sự chú ý giới học giả mà còn đầy hiếu kỳ với những người yêu thích khám phá.
Theo Bảo Tàng Bình Định, tháp Hòn Chuông là một trong 22 điểm di tích trong di tích Khu căn cứ Núi Bà (huyện Phù Cát) được xếp hạng cấp quốc gia ngày 25/1/1994. Hiện nay, tháp Hòn Chuông được xem là ngôi tháp Chăm còn tồn tại có vị trí cao nhất Việt Nam.
Về kiến trúc, tháp Hòn Chuông mang một hình dáng độc đáo với phần chân tháp được xây thẳng, thân tháp thóp dần lên trên đỉnh, tháp hoàn toàn không có hoa văn trang trí. Uớc đoán kích thước của ngôi tháp cao 7m, mỗi cạnh dài 8m50.
Với vị trí được xây dựng trên đỉnh núi cao và không có ngọn núi lớn nào che chắn trước mặt, nên tầm nhìn của ngôi tháp Hòn Chuông là cực kỳ rộng lớn. Từ ngôi tháp nhìn về phía đông là đường bờ biển dài; phía bắc là đồng bằng Phù Mỹ được bồi đắp bởi dòng sông La Tinh chảy ngang qua; phía đông-bắc thấy được cửa biển Đề Gi, đầm Đề Gi; phía đông-nam có thể nhìn thấy khu vực đầm Thị Nại, có các nhánh sông Côn đổ ra, đây được xem là cửa ra vào chính bằng đường thủy của khu vực Vijaya; còn nhìn về phía tây-nam, khu vực đồng bằng An Nhơn hiện ra trước mắt - nơi đây chính là trung tâm chính trị, tôn giáo của vương quốc Champa từ thế kỷ X - XV, với hệ thống thành quách, đền tháp và phế tích tập trung phần lớn tại khu vực này.
Hành trình đến tháp Hòn Chuông là một trải nghiệm thú vị, tuyệt vời. Đây là một địa điểm đẹp, giàu ý nghĩa văn hóa và lịch sử. Theo một người dân địa phương, từ đầu năm đến nay có khoảng 500 lượt khách tham gia leo núi, khám phá Hòn Chuông.
Ông Tạ Xuân Chánh, Giám đốc Sở VH&TT tỉnh Bình Định, cho biết trong nhiều năm qua, hệ thống di tích các tháp Chăm ở Bình Định được quan tâm đầu tư trùng tu, tôn tạo, tu bổ để bảo tồn, gìn giữ giá trị di sản văn hóa, lịch sử, hướng đến mục tiêu phát triển du lịch văn hóa.
“Riêng tháp Hòn Chuông ngành văn hóa đang xây dựng báo cáo để trình UBND tỉnh đề xuất các bước đầu tư bảo vệ, trùng tu tháp Hòn Chuông; xây dựng đường dẫn vào tháp, các công trình phục vụ du lịch tâm linh, du lịch văn hóa nhằm đưa khu vực tháp Hòn Chuông trở thành điểm đến độc lạ ở Bình Định kết nối Khu di tích quốc gia Núi Bà với những trải nghiệm du lịch leo núi, check-in hệ sinh thái Núi Bà…”, ông Chánh thông tin thêm.
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/the-thao/danh-thuc-thap-hon-chuong-i708261/