Đánh thức tiềm lực Công viên địa chất Đắk Nông

Công viên địa chất toàn cầu là danh hiệu tạo tiềm năng, tiền đề để khởi sinh một mô hình phát triển kinh tế - xã hội bền vững quy mô đối với quốc gia có sở hữu giá trị địa chất đặc biệt này. Đối với Công viên địa chất Đắk Nông, việc nghiên cứu khoa học vẫn đang được tiến hành, đồng thời, di sản vừa được vinh danh vẫn chưa khai thác được tiềm năng du lịch vốn có của mình.

Khu du lịch cụm thác Đray-sáp, Gia Long còn hoang sơ chưa khai thác hết tiềm năng. Ảnh: TTH

Khu du lịch cụm thác Đray-sáp, Gia Long còn hoang sơ chưa khai thác hết tiềm năng. Ảnh: TTH

Công viên địa chất Đắk Nông thành lập từ năm 2014, từ tư vấn của các nhà khoa học trong nước và nước ngoài khi họ phát hiện ra nhiều giá trị địa chất vượt trội trong hệ thống hang động núi lửa Krông Nô. Tiềm năng của việc đưa vùng di sản này vào mạng lưới công viên địa chất toàn cầu dường như đã chắc chắn thành công vì các cứ liệu khảo cổ xác đáng. Tuy nhiên, vấn đề hậu vinh danh với chiến lược bảo tồn tầm cỡ quốc gia và quy hoạch ban đầu về phía địa phương thì mọi chuyện bây giờ mới chỉ là khởi đầu.

Năm 2015, UBND tỉnh Đắk Nông ban hành Quyết định thành lập Công viên địa chất Đắk Nông có diện tích hơn 4.700km2 trùm lên 5 huyện: Krông Nô, Cư Jút, Đắk Mil, Đắk Song, Đắk Glong và thành phố Gia Nghĩa. Với một tỉnh không có tài nguyên du lịch đặc biệt nổi trội như Đắk Nông, tiềm năng công viên địa chất là “mỏ vàng” mới phát lộ trong chiến lược phát triển kinh tế bền vững của thập kỷ tới, liên quan tới toàn bộ các mặt chính trị, đời sống văn hóa của người dân phía Nam Tây nguyên.

Tỉnh Đắk Nông đã bắt tay ngay vào thành lập Ban điều hành dự án, tiến hành nghiên cứu khoa học, xây dựng bộ hồ sơ đồ sộ về di sản địa chất vùng đất cổ bazan Đắk Nông khi phát hiện ra tiềm năng giá trị địa chất. Năm 2018, “Xứ sở của những âm điệu” - chủ đề chính của hồ sơ Công viên địa chất Đắk Nông hoàn thiện và đệ trình UNESCO.

Sau khi việc thẩm định chính thức diễn ra suôn sẻ vào cuối năm 2019, Hội đồng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO đã thống nhất đề cử Công viên địa chất Đắk Nông. Và tháng 7-2020, 15 công viên địa chất mới, trong đó có Công viên địa chất Đắk Nông, chính thức được công nhận là công viên địa chất toàn cầu, một kết quả dự đoán trước nhưng vỡ òa niềm vui đối với những người xây dựng hồ sơ và mở ra một cơ hội lớn cho Đắk Nông trên bản đồ du lịch thế giới.

Điều đáng nói là cho đến thời điểm chính thức được thế giới biết đến, Công viên địa chất Đắk Nông cũng mới đang ở điểm xuất phát. Ngoài một số cơ sở vật chất sẵn có của các địa điểm du lịch như điểm đỗ xe, chòi dừng chân, các panô quảng cáo tuyến đường, bảng chỉ dẫn đi vào các điểm di sản, điểm tham quan... được nắn chỉnh lại nhưng chưa có được thay đổi đột biến như mong đợi. Một số dịch vụ du lịch ăn uống, vận chuyển, lưu trú mới rục rịch chuyển động.

Tại địa điểm du lịch hồ Tà Đùng - hồ chứa nước trong hệ thống đập thủy điện sông Đồng Nai thuộc địa phận xã Đắk P’Lao, huyện Đắk G’Long, một thung lũng hố sụt địa chất thú vị lô nhô đảo nổi trên mặt nước gần như chưa được khai thác ngoài một vài dịch vụ chèo thuyền và ăn uống cạnh thắng cảnh, đây vẫn là khu vực chưa được khai thác triệt để. Hệ thống hang động Krông Nô, nơi tìm thấy các hóa thạch có giá trị, xương người tiền sử và nhiều khám phá địa chất khác chưa được khai thác du lịch.

Đặc sắc nhất về mặt cảnh quan của Công viên địa chất Đắk Nông là các thác nước: Gia Long, Đray-nu, Đray-sáp, Trinh Nữ... đều là các đứt gãy đá bazan trên cao nguyên nơi sông suối chảy qua. Xung quanh các thác nước là các cột đá bazan khổng lồ dính liền khối, đổ gãy biểu thị những vận động tự nhiên của vỏ trái đất. Giữa đại ngàn hùng vỹ, chỗ thì các dòng sông tạo thành thác nước, chỗ thì sụt lún tạo thành hồ. Các hồ nước tự nhiên khác cũng thơ mộng như hồ Ea Snô, hồ Trúc, hồ Tây, các miệng núi lửa độc đáo và đặc trưng như Chư R’luh, Nam Kar, Ea Tling.... trong tổng thể một vùng rộng lớn với hơn 60 điểm có tiềm năng du lịch.

Hiện tại, khu vực cụm thác Đray-nu, Đray-sáp và Gia Long được khai thác chung trong một khu du lịch, nhưng các dịch vụ ăn uống, lưu trú, giải khát, nghỉ chân, thậm chí có cả dịch vụ cưỡi voi cũng vắng khách, đìu hiu. Tới đây, du khách hưởng thụ sự hoang vu của rừng già, sự hùng vĩ của đá và nước giữa đại ngàn, nhưng cũng tiếc nuối cho một khu du lịch mà tiếng tăm của nó chưa thấm tháp gì so với giá trị cảnh quan mà nó sở hữu.

Bởi đằng sau giá trị của những cảnh quan này là hồ sơ về sự vận động của vỏ trái đất, vị trí địa lý, những biến cố về kiến tạo địa chất, địa mạo liên quan trực tiếp đến tương lai địa cầu và nguồn sống, sự vận động của thời đại. Mà những cảnh quan đó chưa được khai thác để đưa cuộc sống người dân quanh vùng này lên một mức cao hơn, bồi đắp về mặt kinh tế khi được cư trú bên cạnh những di sản địa chất có giá trị của nhân loại.

Hồ Tà Đùng tại Đắk G’Long, Đắk Nông. Ảnh: TTH

Hồ Tà Đùng tại Đắk G’Long, Đắk Nông. Ảnh: TTH

UNESCO khuyến khích những hoạt động phát triển kinh tế thân thiện với môi trường, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị của các loại hình di sản đã được công nhận, đồng thời, cần có những hành động cụ thể, đối ứng mạnh mẽ nhằm thúc đẩy nhảy vọt các hạng mục. Một trong các giá trị gia tăng cho Công viên địa chất Đắk Nông là vùng địa chất này có chứa di sản không gian văn hóa cồng chiêng đã được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Sự liên kết bổ sung cho nhau ở các lĩnh vực văn hóa - đời sống làm giàu thêm cho di sản. Hằng năm, hệ thống các lễ hội, sử thi, nghệ thuật diễn xướng, trò chơi dân gian thể hiện đời sống tín ngưỡng bản địa phong phú là điểm cộng và là xương sống để phát triển tiềm năng du lịch.

Thụy Văn

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/danh-thuc-tiem-luc-cong-vien-dia-chat-dak-nong-post431618.html