'Đánh thức' tiềm năng của sản phẩm OCOP ở TX. Ngã Năm

Thực hiện Chương trình 'Mỗi xã một sản phẩm' (OCOP), TX. Ngã Năm đã triển khai nhiều biện pháp, coi đây là cơ hội để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế sản phẩm tiêu biểu của địa phương, giúp người dân và doanh nghiệp tham gia các chuỗi sản xuất, nâng tầm sản phẩm nông nghiệp, nông thôn.

Những sản phẩm OCOP nổi tiếng của TX. Ngã Năm. Ảnh: QUANG BÌNH

Những sản phẩm OCOP nổi tiếng của TX. Ngã Năm. Ảnh: QUANG BÌNH

Mãng cầu gai được xem là sản phẩm đang phát huy hiệu quả trên địa bàn TX. Ngã Năm. Bởi lẽ, nhiều năm qua, mãng cầu gai không chỉ được bán trái tươi mà còn dùng làm nguyên liệu để sản xuất các sản phẩm đặc trưng của địa phương, đó chính là trà mãng cầu. Hiện nay, trên địa bàn thị xã có 5 sản phẩm trà mãng cầu được chế biến từ trái mãng cầu gai và đã đạt được chứng nhận OCOP; trong đó có 3 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao, còn lại 2 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao đang được bày bán ở các siêu thị, cửa hàng. Anh Dương Minh Trung - Giám đốc Công ty TNHH Cẩm Thiều cho biết: “Khoảng 7 năm trước, tôi nhận thấy cây mãng cầu gai đem lại hiệu quả kinh tế nhưng đầu ra còn hạn hẹp. Để phát huy hết giá trị từ cây trồng này nên tôi có ý tưởng tạo ra một sản phẩm trà mãng cầu để giúp đầu ra của trái mãng cầu gai ổn định hơn, bà con nông dân cũng có thêm thu nhập”.

Thực tế cho thấy, khi trái mãng cầu gai chưa tham gia vào chuỗi sản xuất để thực hiện sản phẩm OCOP thì giá còn bấp bênh, thương lái chỉ thu mua từ 8.000 đồng/kg cho đến 15.000 đồng/kg. Đến nay, đầu ra của nhiều nông dân trồng mãng cầu gai không những ổn định mà còn có giá bán cao hơn khi hàng tháng, các cơ sở sản xuất trà trên địa bàn bán ra thị trường hơn 500kg trà. Để có được sản lượng này, các cơ sở cần đến hơn 5 tấn trái. Từ đó, nhà vườn trồng mãng cầu cũng được thu mua với giá ổn định từ 15.000 đồng/kg - 20.000 đồng/kg.

Với những điều kiện thuận lợi trong tiêu thụ, hiện nay, diện tích trồng mãng cầu gai ở TX. Ngã Năm không ngừng tăng lên, đến nay đã có trên 350ha; đặc biệt, thị xã còn vận động người dân chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả để trồng cây có giá trị cao hơn, trong đó có mãng cầu gai. Cây trồng này còn được chính quyền địa phương xây dựng vùng trồng theo quy trình VietGAP để tạo ra các sản phẩm an toàn và giúp người dân nâng cao thu nhập. Ông Nguyễn Thanh Vân, ở ấp Vĩnh Hòa, xã Vĩnh Quới chia sẻ: “Trước kia, gia đình tôi làm ruộng thì thu nhập không được bao nhiêu, sau này chuyển đổi sang trồng cây mãng cầu, thu nhập ổn định hơn vì 1 công đất trồng mãng cầu cho thu nhập cao hơn cả 3 công trồng lúa”.

TX. Ngã Năm tiếp tục thực hiện nâng chất sản phẩm, phát triển những sản phẩm OCOP và quan tâm hỗ trợ cho chủ thể OCOP tham gia xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh. Ảnh: QUANG BÌNH

TX. Ngã Năm tiếp tục thực hiện nâng chất sản phẩm, phát triển những sản phẩm OCOP và quan tâm hỗ trợ cho chủ thể OCOP tham gia xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh. Ảnh: QUANG BÌNH

Không chỉ mãng cầu gai, TX. Ngã Năm đã và đang khai thác các sản phẩm tiềm năng khác của địa phương để phát triển thành sản phẩm OCOP, trong đó phải kể đến gạo sữa An Cư tại xã Tân Long - đây là loại gạo được làm từ giống lúa OM4900, với quy trình sản xuất hiện đại. Gạo sữa An Cư đã đạt chứng nhận là sản phẩm OCOP 3 sao và đang hấp dẫn người tiêu dùng về chất lượng gạo ngon, dẻo cơm và có hương vị đậm đà. Hiện sản phẩm đang được bán với giá từ 16.000 - 18.000 đồng/kg, cao hơn 35% so với giá gạo thông thường, từ đó nâng giá trị hạt lúa ở địa phương và tăng thu nhập cho nông hộ nằm trong vùng nguyên liệu sản xuất lúa. Ông Trần Văn Cư - doanh nghiệp gạo sữa An Cư chia sẻ: “Khi gạo sữa được chứng nhận sản phẩm OCOP, khách hàng cũng biết đến sản phẩm hơn. Hiện nay, gạo sữa được xếp hạng 3 sao nhưng thời gian tới tôi sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng cho sản phẩm để được thăng hạng sao và nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường”.

Thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2018 - 2020, đến nay toàn thị xã đã đạt được 6 sản phẩm OCOP, có 3 sản phẩm đạt chứng nhận 4 sao và 3 sản phẩm đạt chứng nhận 3 sao, hiện những sản phẩm này được doanh nghiệp và chính quyền địa phương thực hiện các giải pháp, hướng đến 5 sao và 4 sao; đồng thời lập hồ sơ chứng nhận thêm sản phẩm mắm cá rô không xương tại xã Tân Long và mắm tép tại Phường 3. Bên cạnh đó, tiến hành khai thác 2 sản phẩm tiềm năng khác, như: chợ nổi Ngã Năm và đan chiếu truyền thống ở xã Mỹ Quới.

Trưởng Phòng Kinh tế TX. Ngã Năm Hồng Minh Nhật cho biết: “Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục rà soát, đánh giá những sản phẩm chủ lực, tiềm năng và lợi thế của thị xã chưa tham gia vào khâu chế biến để nâng cao giá trị gia tăng. Chúng tôi cũng tiếp tục tập huấn cho các hộ để nắm được các chủ trương, chính sách và thủ tục liên quan đến phát triển những sản phẩm OCOP. Đồng thời, phân công thành viên hội đồng OCOP tiến hành hỗ trợ những chủ thể OCOP về thực hiện nâng chất những sản phẩm và phát triển những sản phẩm OCOP mới và quan tâm hỗ trợ cho chủ thể OCOP tham gia xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh”.

TX. Ngã Năm là địa phương thuần nông với nhiều sản vật nổi tiếng. Tuy nhiên tầm “phủ sóng” của những sản phẩm này vẫn còn hạn chế cả về thương hiệu và thị trường tiêu thụ. Việc thực hiện Chương trình OCOP sẽ góp phần “đánh thức” tiềm năng phát triển của các sản phẩm, từng bước cải thiện thu nhập cho người dân khu vực nông thôn, góp phần vào thành công của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

TUẤN PHI

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/kinh-te/danh-thuc-tiem-nang-cua-san-pham-ocop-o-tx-nga-nam-43864.html