Đánh thức tiềm năng điện mặt trời tại miền Trung-Tây Nguyên

Miền Trung-Tây Nguyên là nơi có điều kiện khí hậu lý tưởng nhất cho các dự án năng lượng mặt trời và điện gió. Cùng với các chính sách khuyến khích của Chính phủ và chính quyền các địa phương, khu vực này đang là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Nhà máy điện năng lượng mặt trời Fujiwara Bình Định có quy mô 60 ha tại Khu kinh tế Nhơn Hội - Ảnh: VGP/Thế Phong

Nhà máy điện năng lượng mặt trời Fujiwara Bình Định có quy mô 60 ha tại Khu kinh tế Nhơn Hội - Ảnh: VGP/Thế Phong

Ngày 19/8 vừa qua tại Khu kinh tế Nhơn Hội (tỉnh Bình Định), Công ty Fujiwara (Nhật Bản) đã tổ chức lễ khánh thành và đưa vào hoạt động Nhà máy điện năng lượng mặt trời Fujiwara Bình Định. Ông Osamu Kimura, Tổng Giám đốc Công ty Fujiwara Bình Định cho biết, dự án được cấp phép vào tháng 5/2017. Từ vùng đồi cằn cỗi đầy nắng, gió và cát, Công ty Fujiwara đã quyết tâm xây dựng dự án sản xuất năng lượng tái tạo với tổng công suất 100 MWp từ điện mặt trời và điện gió, tổng vốn đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng. Dự án hoàn thành và đưa vào hoạt động giai đoạn 1 với công suất 50 MWp từ năng lượng mặt trời, sản lượng điện dự tính hằng năm đạt gần 61 MW/h. Thời gian tới, dự án tiếp tục triển khai giai đoạn 2 phát triển điện gió.

Lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định cho biết, dự án Nhà máy điện năng lượng mặt trời Fujiwara Bình Định là một trong những dự án quan trọng trong chương trình phát triển năng lượng tái tạo của tỉnh Bình Định. Với tiềm năng, lợi thế là một trong những nơi có cường độ bức xạ nắng tương đối tốt so với các địa phương khác trong cả nước; có hệ thống hạ tầng lưới điện truyền tải bảo đảm và thuận lợi để đấu nối các nhà máy điện, tỉnh Bình Định đã và đang tăng cường thu hút các dự án điện năng lượng mặt trời.

Đến nay, tỉnh có 5 dự án điện năng lượng mặt trời đã được Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia và quy hoạch phát triển điện lực tỉnh, với tổng công suất là 529,5 MWp. Bình Định kỳ vọng những dự án này sẽ có tác động lan tỏa, kêu gọi các nhà đầu tư vào Khu kinh tế Nhơn Hội và tỉnh Bình Định.

Còn tại tỉnh Ninh Thuận, địa phương dẫn đầu cả nước về phát triển năng lượng tái tạo, hoạt động đầu tư các dự án điện năng lượng mặt trời và điện gió đang diễn ra rất sôi động. Toàn tỉnh có 14 vùng gió tiềm năng, với lượng gió thổi đều quanh năm, tốc độ gió trung bình ở độ cao 65 m đạt 7,25 m/giây; nguồn bức xạ mặt trời vào khoảng 1.800 KWh/m2/năm, cùng với đây là điều kiện thuận lợi cho việc khai thác hiệu quả nguồn năng lượng gió, năng lượng mặt trời.

Sở Công Thương Ninh Thuận cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh có 5 khu vực được quy hoạch phát triển điện gió với tổng công suất khoảng 1.429 MW, tổng diện tích khoảng 21.432 ha. Đối với lĩnh vực điện mặt trời, có 79 địa điểm với quy mô công suất khoảng 10.476 MWp (tương đương 8.381 MW). Dựa trên quy hoạch đã được phê duyệt, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách mới để thu hút các doanh nghiệp trong, ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực này.

Đến nay, tỉnh Ninh Thuận đã thu hút mạnh các nhà đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo với 31 dự án điện mặt trời và 14 dự án điện gió được cấp quyết định chủ trương đầu tư với tổng công suất trên 2.500 MW; đã có 15 dự án điện mặt trời, 3 dự án điện gió hòa vào lưới điện quốc gia. Dự kiến đến cuối năm 2019 sẽ có thêm hàng chục dự án điện mặt trời và điện gió tại địa phương này hòa lưới điện với tổng công suất trên 1.300 MW.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Ninh Thuận Đạo Văn Rớt cho biết, Ninh Thuận có thể phát triển các dự án năng lượng tái tạo, năng lượng sạch lên đến hơn 19.000 MW. Hiện nay, tỉnh Ninh Thuận đang tập trung triển khai các giải pháp để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương nhằm thúc đẩy phát triển ngành năng lượng tái tạo theo chủ trương của Chính phủ “Phát triển Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước”.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, với chính sách và tiến độ thu hút đầu tư như hiện nay, tương lai không xa Ninh Thuận sẽ trở thành trung tâm năng lượng tái tạo với hàng trăm tuabin phát điện từ sức gió và nhiều trang trại điện mặt trời sẽ mọc lên, hứa hẹn là “đòn bẩy” thúc đẩy kinh tế địa phương này phát triển trong tương lai.

Không chỉ tại địa bàn các tỉnh miền Trung, mà việc khai thác nguồn năng lượng tái tạo này để sản xuất điện đang được các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên tích cực triển khai. Tỉnh Đắk Lắk nằm trong khu vực có tiềm năng ứng với lượng bức xạ mặt trời trung bình trên 1.750 kWh/m2/năm, trong đó, các huyện Ea Súp, Buôn Đôn, Krông Bông, Ea H’leo... có bức xạ cao hơn. Đồng thời, quỹ đất tại các địa phương này vẫn còn khoảng 30.000 ha có thể sử dụng để xây dựng các nhà máy điện năng lượng mặt trời.

Theo Sở Công Thương Đắk Lắk, giai đoạn đến năm 2020, tiềm năng phát triển điện mặt trời khoảng 1.400 MWp, giai đoạn 2021-2025 khoảng 4.000 MWp. Trên địa bàn tỉnh hiện có 32 dự án điện mặt trời đã đầu tư, đăng ký đầu tư và hàng chục nhà đầu tư tiến hành khảo sát, lập dự án; trong đó, có 1 dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia là Nhà máy điện mặt trời Xuân Thiện-Ea Súp, giai đoạn 1 công suất 600 MW (750 MWp). Bộ Công Thương đang thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 3 dự án khác vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia. Ngoài ra, 5 dự án đã được Bộ Công Thương phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Đắk Lắk.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có 5 dự án nhà máy điện mặt trời, công suất 190 MWp, hoàn thành, đưa vào vận hành phát điện. Dự kiến, trong năm 2019, các dự án điện mặt trời Long Thành 1-huyện Ea Súp, cụm nhà máy điện mặt trời Xuân Thiện-Ea Súp với tổng công suất gần 700 MWp sẽ đi vào hoạt động từ 50 đến 100% công suất.

Ông Phạm Thái, Giám đốc Sở Công Thương Đắk Lắk cho biết, Đắk Lắk là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển nguồn năng lượng tái tạo. UBND tỉnh luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong quá trình khảo sát, lập phương án, tiến hành các thủ tục đầu tư và triển khai dự án.

Không chỉ các địa phương trên, tại khu vực miền Trung-Tây Nguyên còn có nhiều tỉnh khác có tiềm năng lớn trong lĩnh vực năng lượng sạch, như Quảng Bình, Quảng Trị, Phú Yên, Quảng Ngãi, Đắk Nông, Gia Lai... Hàng loạt dự án lớn đã, đang và sẽ triển khai tại các địa phương này góp phần phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo trong khu vực nói riêng và toàn quốc nói chung.

Phát biểu tại lễ khánh thành nhà máy điện năng lượng mặt trời Fujiwara Bình Định, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh: Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến ngành điện, phát triển điện phải đi trước một bước để đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Chính phủ đã có nhiều chính sách khuyến khích thu hút vốn ngoài Nhà nước đầu tư cho ngành điện cùng với sự nỗ lực của các ngành, các cấp, đến nay, hệ thống điện quốc gia đã bảo đảm cung cấp đủ điện đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước với chất lượng và độ tin cậy ngày càng cao. Giai đoạn vừa qua, việc đầu tư phát triển các dự án điện năng lượng mặt trời đã thu hút mạnh mẽ nhiều nhà đầu tư trong nước và ngoài nước tham gia. Đây là tín hiệu hết sức tích cực cho thấy sự phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo tại Việt Nam.

Thế Phong

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/doanh-nghiep/danh-thuc-tiem-nang-dien-mat-troi-tai-mien-trungtay-nguyen/373806.vgp