Đánh thức tiềm năng điện mặt trời trên cao nguyên

Khu vực Tây Nguyên nói chung, tỉnh Đắk Nông nói riêng được xem là vùng đất có tiềm năng lớn về năng lượng mặt trời, các dự án điện năng lượng mặt trời tại Đắk Nông đã và đang được triển khai, dự báo sẽ mang đến những tiềm năng lớn trong phát triển nguồn năng lượng sạch, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Chính phủ đã phê duyệt chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đây được xem là nền tảng cho sự phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Qua đó khuyến khích, huy động mọi nguồn lực xã hội để phát triển năng lượng tái tạo, với giá hợp lý, tăng dần tỷ lệ năng lượng tái tạo trong tổng sản lượng và tiêu dùng năng lượng quốc gia.

 Dự án điện năng lượng mặt trời sẽ mang đến những tiềm năng lớn trong phát triển nguồn năng lượng sạch, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của Đắk Nông

Dự án điện năng lượng mặt trời sẽ mang đến những tiềm năng lớn trong phát triển nguồn năng lượng sạch, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của Đắk Nông

Là một trong những những địa phương có tiềm năng lớn về năng lượng mặt trời, với số giờ nắng lên đến 2.600 giờ/năm. Đắk Nông đã thu nhút nhiều doanh nghiệp về điện năng lượng mặt trời đến đầu tư để khai thác nguồn năng lượng vô tận tại đây.

Theo đó, năm 2018 UBND tỉnh Đắk Nông chấp thuận chủ trương đầu tư 2 dự án điện năng lượng mặt trời tại huyện Cư Jút đó là: Dự án Nhà máy điện mặt trời Cư Jút và Dự án điện mặt trời Trúc Sơn. Hai dự án có công suất thiết kế hơn 100 MW, với tổng kinh phí đầu tư gần 2.500 tỷ đồng.

Trong đó Dự án Nhà máy điện mặt trời Cư Jút (huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông) do Công ty CP Thủy điện miền Trung (EVNCHP) làm chủ đầu tư. Đây là 1 trong 2 dự án điện mặt trời được quy hoạch đầu tiên của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), triển khai từ tháng 6/2017, có tổng vốn đầu tư 1.367 tỷ đồng với công suất lắp đặt máy 50 MWAC, điện lượng bình quân 94,71 triệu KWh/năm (với tần suất 65%). Sản lượng điện dự kiến đạt trên 90 triệu KWh/năm. Doanh thu Nhà máy điện mặt trời Cư Jút ước đạt 200 tỷ đồng/năm, dự kiến trong 9 năm sẽ thu hồi 100% vốn đầu tư.

Ngày 20/4, Nhà máy điện mặt trời Cư Jút chính thức phát điện thương mại COD, sớm hơn 2 tháng so với kế hoạch dự kiến

Ngày 20/4, Nhà máy điện mặt trời Cư Jút chính thức phát điện thương mại COD, sớm hơn 2 tháng so với kế hoạch dự kiến

Ngày 20/4 vừa qua, Nhà máy điện mặt trời Cư Jút chính thức phát điện thương mại COD, sớm hơn 2 tháng so với kế hoạch dự kiến. Việc nối lưới điện trước ngày 30/6 đã giúp nhà máy được hưởng mức giá bán điện ưu đãi 9,35 cent/KWh theo Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg do Thủ tướng ban hành hồi tháng 4/2017.

Việc xây dựng và đưa vào vận hành Nhà máy điện mặt trời Cư Jút góp phần nâng cao sản lượng điện từ nguồn năng lượng tái tạo. Đồng thời mở ra giai đoạn mới phát triển nguồn năng lượng sạch, công nghệ cao góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao sản lượng điện từ nguồn năng lượng tái tạo cho tỉnh Đắk Nông.

Theo ông Nguyễn Bốn, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, ngoài việc kêu gọi các tập đoàn kinh tế trong và ngoài nước quan tâm đầu tư dựa trên tiềm năng, lợi thế về đất đai thổ nhưỡng, phát triển các dự án nông nghiệp, công nghiệp. Đắk Nông cũng kêu gọi các nhà đầu tư quan tâm vào lĩnh vực phát triển nguồn năng lượng từ thủy điện, đặc biệt là nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng gió và năng lượng mặt trời. Hai dự án điện mặt trời trên khi hoàn thành sẽ góp phần nâng cao sản lượng điện từ nguồn năng lượng tái tạo, bảo vệ môi trường và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện Cư Jút nói riêng và Đắk Nông nói chung.

Việc khai thác nguồn năng lượng mặt trời để sản xuất điện không chỉ tại địa bàn Đắk Nông mà đang được các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên tích cực triển khai. Các dự án điện mặt trời đang có kế hoạch triển khai, dự báo sẽ mang đến những tiềm năng lớn trong phát triển nguồn năng lượng sạch, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của Tây Nguyên.

Ông Hồ Phước Thành - Giám đốc Sở Kế hoạch đầu tư tỉnh Gia Lai - cho hay, Gia Lai đang đẩy mạnh triển khai các dự án điện mặt trời và đến thời điểm này, đã có 23 nhà đầu tư đăng ký 33 dự án điện mặt trời với tổng công suất gần 4.000 MW. Còn tại địa bàn tỉnh Đắk Lắk, đến nay đã có 1 nhà máy đi vào hoạt động, 6 dự án khác đang khảo sát và bước đầu triển khai, với tổng công suất 969 MWp.

Theo Bộ Công Thương, đến nay trên cả nước đã có 121 dự án điện năng lượng tái tạo được cấp phép, với công suất đăng ký lên đến 10.000 MW, vượt xa công suất 8.000 MW theo Quy hoạch điện VII hiệu chỉnh, đến năm 2020; hiện vẫn còn khoảng 220 dự án đang chờ bổ sung vào quy hoạch.

Minh Khuê

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/danh-thuc-tiem-nang-dien-mat-troi-tren-cao-nguyen-118729.html