Đánh thức tiềm năng du lịch

Quy định nâng thời hạn thị thực điện tử (e-visa) cho công dân các quốc gia, vùng lãnh thổ từ 30 lên 90 ngày và kéo dài thời hạn tạm trú từ 15 lên 45 ngày với công dân 13 nước mà Việt Nam đơn phương miễn thị thực đã đưa đến 'làn gió mát' cho toàn ngành du lịch.

Khách du lịch quốc tế trên phố đi bộ Hoàn Kiếm. Ảnh: Hoài Nam

Khách du lịch quốc tế trên phố đi bộ Hoàn Kiếm. Ảnh: Hoài Nam

Chính sách visa mới được nới lỏng hơn kỳ vọng khai thác thị trường khách quốc tế tiềm năng, ổn định và có mức chi trả cao như châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Úc, Mỹ… Nhiều du khách quốc tế vui vì được hưởng chế độ visa mới của Việt Nam với nhiều phản hồi tích cực như tìm kiếm nơi lưu trú và lên kế hoạch cho việc nghỉ dài hạn tại Việt Nam.

Số liệu từ Tổng cục Du lịch, lượng khách quốc tế tới Việt Nam tính chung trong 8 tháng năm 2023 đã đạt con số 7,8 triệu và gấp 5,4 lần so với cùng kỳ năm ngoái và bằng 69% trước dịch.

Con số trên cũng cho thấy Việt Nam qua 8 tháng, gần như đã hoàn thành mục tiêu 8 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2023. Du lịch Việt Nam đã có bước khởi sắc mạnh mẽ.

Tuy nhiên, so với mặt bằng chung toàn cầu thì tăng trưởng du lịch vẫn còn thấp, đặc biệt rất thấp so với tiềm năng du lịch của Việt Nam (vẻ đẹp thiên nhiên, các di tích lịch sử… và mở cửa rất sớm sau dịch Covid-19).

Nhìn sang các nước trong khu vực, sẽ thấy nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á đã cấp thị thực lên tới 30 - 45 ngày từ lâu. Thậm chí như Thái Lan, du khách có thể lưu trú tới 90 ngày. Cùng với đó, trong khi Việt Nam thực hiện miễn thị thực cho 25 quốc gia và vùng lãnh thổ (bao gồm song phương cho 12 quốc gia, và đơn phương cho 13 quốc gia) trong khi Thái Lan miễn cho gần 70 nước, Singapore, Malaysia, Philippines miễn cho hơn 150 nước; Hoặc như Đài Loan hay Hong Kong, khi vừa mở cửa đã tung các chương trình tặng vé máy bay, voucher nhằm hút khách...

Một số nước trong khu vực đặt mục tiêu tăng trưởng rất cao, trong đó Thái Lan dự kiến sẽ đạt 30 triệu khách du lịch quốc tế trong năm 2023 và 80 triệu khách du lịch quốc tế vào năm 2027.

Với tiềm năng sẵn có, du lịch Việt Nam có nhiều lợi thế trong việc phát triển các tour du lịch dài ngày. Lượng khách quốc tế tăng còn kéo theo các ngành liên quan như nhà hàng, khách sạn, vận tải, mua sắm và dịch vụ có thêm những cơ hội phát triển mạnh mẽ. Một vòng xoay kinh tế tích cực được thiết lập, tăng thu nhập cho các DN du lịch và tăng khả năng tiêu dùng của người dân.

Đón được lượng lớn du khách đến Việt Nam là một chuyện, nhưng để níu chân khách, tạo nhu cầu, tình cảm để khách trở lại Việt Nam nhiều lần là cả một nghệ thuật. Để giúp du lịch Việt cất cánh, nâng cao tính cạnh tranh cũng như tạo sức hút mạnh mẽ hơn đối với các thị trường quốc tế cần phải có một loạt giải pháp đồng bộ hơn nữa. Đó là nâng cao chất lượng dịch vụ, chất lượng sản phẩm, đó là cải thiện chất lượng điểm đến, dịch vụ phòng, cơ sở lưu trú; không thể để tình trạng chèo kéo, móc túi hay "chặt chém" diễn ra... Ngoài cải thiện chính sách visa, giảm bớt giấy tờ, để du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn vẫn còn rất nhiều việc phải làm.

Thảo Nguyên

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/danh-thuc-tiem-nang-du-lich.html