Đánh thức tiềm năng du lịch Đam Rông
DNVN – Tuy có nhiều tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch, nhưng một thời gian dài bị bỏ ngỏ. Giờ đây, huyện Đam Rông (Lâm Đồng) đang muốn đánh thức 'nàng công chúa' bản địa còn say giấc, để nơi đây trở thành điểm trung chuyển, kết nối tuyến du lịch Đà Lạt – Tây Nguyên, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Nhân chuyến khảo sát sản phẩm du lịch, dịch vụ để phục vụ Tuần lễ vàng du lịch Lâm Đồng lần thứ 2 năm 2023 cùng đoàn công tác của Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng, các doanh nghiệp du lịch, lữ hành và báo chí truyền thông, phóng viên Doanh nghiệp Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Liêng Hót Ha Hai – Phó Chủ tịch UBND huyện Đam Rông về vấn đề này.
“Nàng công chúa” còn say giấc
Ông có thể chia sẻ một số tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch của huyện nhà?
Phó Chủ tịch huyện Đam Rông: Đam Rông là huyện nằm ở phía Tây - Bắc của tỉnh Lâm Đồng, phía Bắc giáp tỉnh Đắk Lắk, phía Tây giáp tỉnh Đắk Nông. Địa hình dốc và có nhiều vùng bị chia cắt mạnh đã tạo cho vùng đất này có nhiều thác nước đẹp và hùng vĩ, là những cảnh quan du lịch rất hấp dẫn, như: Thác Nếp - xã Đạ K’Nàng, thác Bảy Tầng - xã Phi Liêng, thác Tình Tang - xã Đạ Tông, sông Krông Nô, suối nước mát - xã Rô Men, suối nước nóng - xã Đạ Long...
Nơi đây có nhiều dân cư từ các tỉnh thành trong cả nước về sinh sống, với 20 dân tộc anh em, đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chiếm trên 65% dân cư sống đan xen tại 8 xã. Mỗi vùng miền, mỗi dân tộc có truyền thống văn hóa, phong tục, tập quán khác nhau, tạo nên sự phong phú đa dạng về bản sắc văn hóa, như: lễ hội mừng lúa mới, mang lúa về kho của đồng bào K’ho, M’Nông; lễ hội cầu trăng, lồng tồng (hội xuống đồng) được tổ chức vào đầu xuân của dân tộc Tày…
Văn hóa, văn nghệ dân gian phong phú tạo nên những sắc màu văn hóa đa dạng và phong phú, như: hát then của bà con dân tộc phía Bắc; cồng chiêng, các loại khèn cùng với các điệu dân ca, dân vũ; tư liệu sinh hoạt truyền thống ngoài chế tạo nông cụ sản xuất, còn có chóe và nhiều nghề thủ công, phổ biến nhất là dệt thổ cẩm để mặc và trao đổi, đan lát đồ mây tre, cùng với ẩm thực truyền thống của dân tộc các vùng miền.
Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có nhiều công trình kiến trúc tôn giáo lớn, thu hút nhiều du khách đến tham quan, như: Nhà thờ Đạ Tông, Nhà thờ Phi Liêng, Chùa Quang Đức (xã Đạ Rsal), Chùa Quang Minh (xã Phi Liêng), Chùa Liên Trì (xã Đạ K’Nàng)…
Ông nghĩ sao khi Du lịch Đam Rông được ví như “nàng công chúa” bản địa hoang dã, nhưng có vẻ vẫn còn đang say giấc?
Phó Chủ tịch huyện Đam Rông: Có thể nói, trong một thời gian dài, công tác đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn huyện chưa được quan tâm đúng mức nên lĩnh vực này hầu như bị bỏ ngỏ, chưa theo kịp với sự phát triển chung của các địa phương trong tỉnh.
Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng có thể thấy rõ nhất là do kết cấu hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, cách xa trung tâm TP Đà Lạt nên khó hình thành tuyến du lịch kết nối. Sản phẩm du lịch còn đơn điệu, chưa có nhiều sản phẩm hỗ trợ du lịch khác như các khu vui chơi giải trí, dịch vụ, chưa xây dựng được sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng, độc đáo, hấp dẫn nhằm thu hút khách du lịch…
Vậy còn hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch trên địa bàn huyện hiện nay thế nào?
Phó Chủ tịch huyện Đam Rông: Hiện trên địa bàn huyện chỉ có hơn chục cơ sở lưu trú du lịch, công suất khoảng 100 phòng. Nhìn chung, đều có quy mô nhỏ, chủ yếu phục vụ đối tượng khách công vụ. Trên địa bàn huyện cũng chưa có công ty lữ hành, khách đến tham quan, du lịch chủ yếu do các đoàn đến liên hệ công tác, khách đi qua Quốc lộ 27 và khách lẻ, các nhóm thanh niên đi phượt theo hình thức tự túc.
Huyện có nhiều điểm có tiềm năng phát triển du lịch như Thác Nếp - xã Đạ K’Nàng, thác Bảy Tầng - xã Phi Liêng, thác Tình Tang - xã Đạ Tông; sông Krông Nô, suối nước mát - xã Rô Men, suối nước nóng - xã Đạ Long và Đạ Tông... Tuy nhiên chỉ mới có 1 điểm du lịch “Suối khoáng nóng Daana” tại xã Đạ Tông đã đầu tư hoàn thiện các hạng mục, dự kiến mở cửa đón du khách vào dịp 30/4-1/5. Các điểm còn lại chưa có tổ chức, doanh nghiệp nào đầu tư. Trong thời gian tới, huyện tiếp tục kêu gọi, thu hút đầu tư; tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng, khai thác các tiềm năng du lịch để phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Ruộng bậc thang ở Đam Rông.
Trở thành điểm trung chuyển, kết nối tuyến du lịch Đà Lạt - Tây Nguyên
Có lẽ đã đến lúc phải đánh thức “nàng công chúa” để trẩy hội cùng du khách thập phương, thưa ông?
Phó Chủ tịch huyện Đam Rông: Để khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên và văn hóa phong phú, đa dạng vào phát triển du lịch, ngày 28/3/2023, UBND huyện Đam Rông đã ban hành “Đề án phát triển du lịch huyện Đam Rông đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Mục tiêu của đề án là phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế gắn với bảo tồn các giá trị tự nhiên, môi trường sinh thái và phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc để phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng; tạo ra những sản phẩm du lịch đặc trưng, chất lượng cao, góp phần tạo công ăn việc làm và nâng cao đời sống của người dân địa phương, xây dựng nông thôn mới, chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở địa phương, khu vực kém phát triển, thúc đẩy các ngành, các lĩnh vực kinh tế - xã hội khác cùng phát triển.
Đề án cũng yêu cầu phát triển du lịch phải dựa trên sự phát huy nội lực, sức mạnh tổng hợp của các ngành và người dân, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia thiết kế, xây dựng, xúc tiến và kinh doanh các hoạt động du lịch, dịch vụ.
Phát triển du lịch bảo đảm vai trò kết nối nội tỉnh, gắn kết các khu, điểm du lịch với các địa phương trong và ngoài tỉnh để hình thành các tuyến du lịch đa dạng, hấp dẫn khách du lịch, trong đó đặc biệt chú trọng tới tuyến du lịch trung chuyển giữa Đà Lạt - Đam Rông, kết nối các tỉnh Tây Nguyên.
Đa dạng sản phẩm là điều tất yếu, nhưng du lịch Đam Rông sẽ có những sản phẩm đặc trưng nào để thu hút và níu chân du khách?
Phó Chủ tịch huyện Đam Rông: Hiện nay trên địa bàn huyện đang định hướng phát triển du lịch dựa trên 4 trụ cột, đó là, du lịch tham quan nghỉ dưỡng tại khu du lịch Suối nước nóng Đạ Tông.
Phát triển các điểm du lịch canh nông, tham quan mô hình trồng trọt, sản xuất, thu hoạch, chế biến chuối laba (xã Đạ K’Nàng), mắc ca (xã Phi Liêng), trầm hương (xã Liêng Srônh), cá tầm (xã Rô Men và xã Liêng Srônh); tham quan, tìm hiểu về quy trình trồng, chăm sóc cà phê, cây ăn trái (xã Đạ Rsal).
Bên cạnh đó là phát triển du lịch văn hóa bản địa, như: Nghe diễn tấu cồng chiêng, thưởng thức rượu cần và các món ăn truyền thống của đồng bào các dân tộc tại địa bàn 3 xã: Đạ M’rông, Đạ Tông và Đạ Long.
Du lịch thể thao mạo hiểm: chèo thuyền trên sông Krông Nô (xã Đạ M’rông), Thủy điện Krông Nô (xã Đạ Long), khám phá thác Tình Tang (xã Đạ Tông), thác Bảy Tầng (xã Phi Liêng).
Thưa ông, để hưởng ứng Tuần lễ vàng du lịch Lâm Đồng lần thứ 2 năm 2023, huyện Đam Rông đã chuẩn bị gì?
Phó Chủ tịch huyện Đam Rông: Xác định Tuần lễ vàng du lịch Lâm Đồng năm 2023 là dịp quảng bá, giới thiệu các sản phẩm, danh lam thắng cảnh có tiềm năng phát triển du lịch, dịch vụ trên địa bàn, để thu hút đầu tư phát triển, huyện Đam Rông đã giao các phòng, ban liên quan chuẩn bị đoàn để tham gia các chương trình: Giới thiệu sản phẩm văn hóa, nông nghiệp đặc trưng các dân tộc tỉnh Lâm Đồng; trưng bày sản phẩm nông nghiệp đặc trưng địa phương; biểu diễn nghệ thuật dân gian và trình diễn trang phục truyền thống “Nét đẹp Di sản Văn hóa Nam Tây Nguyên”, tại TP Đà Lạt.
Đặc biệt, từ ngày 27/4 đến ngày 3/5, ngành chức năng của huyện sẽ phối hợp với Công ty TNHH City House Advisory, tổ chức chương trình du lịch “Suối khoáng nóng Daana”, với các dịch vụ trải nghiệm tắm suối khoáng nóng, du lịch khám phá văn hóa địa phương, các hoạt động vui chơi trên mặt nước và các khóa học về sinh thực vật của núi rừng Đam Rông.