Đánh thức tiềm năng du lịch đường sắt

Không chỉ sở hữu những bãi biển đẹp, hệ sinh thái tự nhiên đa dạng và di sản văn hóa phong phú, Bình Định còn đang hướng tới khai thác một tiềm năng ít người chú ý: du lịch bằng đường sắt. Với vị trí chiến lược trên trục đường sắt Bắc - Nam, cùng hệ thống nhà ga thuận lợi, địa phương này đang nỗ lực kết nối những trải nghiệm đường sắt với các sản phẩm du lịch đặc trưng để đa dạng hóa lựa chọn cho du khách.

Năm 2024 đánh dấu bước tiến mạnh mẽ của ngành du lịch Bình Định với con số ấn tượng: 9,2 triệu lượt khách, tăng 83,9% so với năm trước. Địa phương đặt mục tiêu đón 10 triệu lượt khách trong năm 2025. Để đạt được điều này, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến quảng bá, tổ chức các sự kiện, lễ hội quy mô lớn và đầu tư phát triển sản phẩm du lịch mới – trong đó có loại hình du lịch đường sắt.

Theo đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Định, bên cạnh các phương tiện di chuyển phổ biến như máy bay hay ô tô, đường sắt đang là lựa chọn ngày càng được nhiều du khách quốc tế quan tâm. Tàu hỏa không chỉ là phương tiện vận chuyển mà còn là hành trình trải nghiệm, giúp du khách cảm nhận trọn vẹn vẻ đẹp thiên nhiên, văn hóa các vùng miền một cách thong thả và thi vị.

Thực tế cho thấy, Bình Định có điều kiện thuận lợi để phát triển loại hình này. Ga Diêu Trì - một trong những ga lớn nhất miền Trung, đóng vai trò trung tâm trong giao thông đường sắt khu vực. Ga Quy Nhơn cũng là điểm kết nối thuận tiện, nằm gần trung tâm thành phố, giúp du khách dễ dàng tiếp cận các bãi biển và địa danh nổi tiếng. Đặc biệt, tuyến đường sắt chạy dọc biển là cơ sở lý tưởng để phát triển các chuyến tàu ngắm cảnh, kết hợp nghỉ dưỡng và du lịch văn hóa.

Tuy tiềm năng lớn, song du lịch đường sắt ở Việt Nam nói chung và Bình Định nói riêng vẫn còn nhiều rào cản. Cơ sở hạ tầng đường sắt lạc hậu, tốc độ tàu chậm, dịch vụ trên tàu chưa đáp ứng kỳ vọng, trong khi kết nối giữa nhà ga với các điểm đến du lịch còn rời rạc, thiếu dịch vụ trung chuyển đồng bộ.

Ông Hà Trọng Thắng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Vận tải đường sắt nhìn nhận: “Chúng tôi đã và đang kết hợp với Hiệp hội Du lịch Bình Định trong việc tổ chức các tour trọn gói, kết hợp tàu hỏa với các sản phẩm du lịch biển, văn hóa tại địa phương. Đồng thời, sẵn sàng cải tiến chất lượng toa xe, phát triển dòng tàu chuyên biệt phục vụ du lịch, thiết kế nội thất mang phong cách văn hóa Bình Định, tích hợp các dịch vụ giải trí, ẩm thực trên tàu”.

Để phát huy hiệu quả, cần sự phối hợp đồng bộ giữa các bên: ngành đường sắt, chính quyền địa phương, doanh nghiệp lữ hành và các điểm đến du lịch. Bình Định cần tiếp tục ban hành chính sách phát triển du lịch gắn với đường sắt; đẩy mạnh nghiên cứu sản phẩm mới như tour du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng kết hợp di chuyển bằng tàu hỏa; ứng dụng công nghệ số trong việc quảng bá hình ảnh và cung cấp thông tin du lịch cho du khách tại các ga như Diêu Trì.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần tăng cường truyền thông chuyên nghiệp, sáng tạo để quảng bá thương hiệu “Quy Nhơn - Thành phố du lịch sạch ASEAN”. Một số ý tưởng khả thi như in hình ảnh quảng bá du lịch Bình Định trên thân tàu, tổ chức các sự kiện văn hóa trên tàu, hay bố trí không gian trưng bày văn hóa, ẩm thực Bình Định ngay tại nhà ga… Ngoài ra, yếu tố con người là đặc biệt quan trọng. Phát triển nguồn nhân lực du lịch chuyên nghiệp, có kỹ năng, ngoại ngữ và kiến thức văn hóa bản địa sẽ là nền tảng giúp Bình Định tăng năng lực cạnh tranh bền vững trong tương lai.

Với tiềm năng sẵn có, cùng sự chủ động từ chính quyền và sự đồng hành của doanh nghiệp, du lịch đường sắt hoàn toàn có thể trở thành điểm nhấn mới trong bản đồ du lịch Bình Định, góp phần đưa địa phương trở thành một trong những trung tâm du lịch trọng điểm của miền Trung và cả nước.

Trung Anh

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/danh-thuc-tiem-nang-du-lich-duong-sat-162866.html