Đánh thức tiềm năng du lịch ở Chiêu Lầu Thi
Trong một lần đến Hà Giang, tôi tình cờ nghe được câu chuyện của nhóm bạn trẻ kể về chuyến đi chơi tại Chiêu Lầu Thi. Đây là điểm du lịch thu hút rất đông bạn trẻ trong thời gian gần đây. Thế là, tôi và nhóm bạn quyết định đi Chiêu Lầu Thi một chuyến...
Chinh phục “chín tầng thang”
Chiêu Lầu Thi (còn có tên khác là Kiêu Liều Ti) có nghĩa là “chín tầng thang”. Đây là tên của ngọn núi cao thứ hai tại Hà Giang sau đỉnh Tây Côn Lĩnh. Để cho chắc chắn, chúng tôi quyết định hỏi kỹ trước khi lên đường. Anh Sơn, chủ cửa hàng cho thuê xe máy ở TP Hà Giang, chia sẻ: “Chiêu Lầu Thi đẹp thật nhưng đường đi gian nan, trắc trở lắm. Lời khuyên tôi dành cho các bạn là phải kiểm tra xe máy thật kỹ trước khi lên đường và tuyệt đối không được đi vào ngày mưa”.
Từ TP Hà Giang, chúng tôi xuôi theo Quốc lộ 2 đến huyện Bắc Quang rồi rẽ vào hướng đi Hoàng Su Phì. Có hai lựa chọn cho chúng tôi: Một là đi từ đầu huyện Hoàng Su Phì chạy thẳng lên Chiêu Lầu Thi, hoặc là đến thị trấn Vinh Quang ngủ lại một đêm rồi sau đó mới lên đỉnh. Sau một hồi tính toán, chúng tôi quyết định lựa chọn phương án hai. Đường đi từ TP Hà Giang đến thị trấn Vinh Quang tương đối dễ dàng dù cung đường mà chúng tôi phải vượt qua không ít đèo cao, dốc sâu. Thử thách thật sự đến với chúng tôi là đoạn đường từ thị trấn Vinh Quang lên chân núi Chiêu Lầu Thi. Có nhiều đoạn dốc trơn trượt không rào chắn, phía dưới là vực sâu hun hút. Chưa kể có đoạn sương mù giăng kín đường khiến chúng tôi có cảm giác vừa thích thú, vừa sợ hãi. Sau hơn hai giờ "đánh vật" với quãng đường 12km, chúng tôi cũng đến được chân núi Chiêu Lầu Thi.
Từ chân núi lên đỉnh Chiêu Lầu Thi, chúng tôi mất khoảng 40-60 phút đi bộ. Có nhiều lời khuyên cho rằng thời điểm “săn mây” đẹp nhất là từ tháng 9 đến tháng 12, nhưng với chúng tôi, Chiêu Lầu Thi lúc nào cũng đẹp. Giống như ý nghĩa “chín tầng thang”, nơi đây mây mù bao phủ quanh năm, tạo cảm giác như đang được sống trong chốn bồng lai tiên cảnh. Khi mặt trời dần khuất bóng, hoàng hôn trên đỉnh Chiêu Lầu Thi làm say đắm lòng người. Sau khi đã mang đủ lương thực, áo ấm, chúng tôi quyết định dựng lều, đốt lửa để chờ bình minh. Trải nghiệm ngủ qua đêm trên đỉnh Chiêu Lầu Thi thật không dễ dàng khi những cơn gió buốt cứ gầm rít trong đêm. Lúc mặt trời thức giấc, những tia nắng nhạt đã thắp sáng một cõi tiên cảnh với cảnh sắc có một không hai, giống như điểm du lịch trên những tầng mây.
Tiềm năng khai thác du lịch chất lượng cao
Với độ cao 2.402m, có điều kiện khí hậu thuộc vùng cận ôn đới và cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, khu vực núi Chiêu Lầu Thi có tiềm năng lớn trở thành điểm du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao, phục vụ các đối tượng khách du lịch thích trải nghiệm, khám phá. Thời gian qua, ngày càng có nhiều người dân nơi đây biết làm du lịch. Không chỉ homestay mọc lên nhiều hơn mà các dịch vụ đi kèm, như: Đốt lửa trại, cho thuê lều, ăn uống... cũng khá phong phú, thu hút du khách. Để khai thác tiềm năng du lịch Chiêu Lầu Thi, UBND huyện Hoàng Su Phì xây dựng kế hoạch phát triển du lịch và phối hợp với Công ty du lịch Khám Phá cùng các cơ quan chức năng tổ chức tuyển chọn, đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên, nhân viên phục vụ là con em các dân tộc người địa phương, mở lớp tập huấn nghiệp vụ du lịch cho cán bộ làm công tác du lịch, trưởng thôn, bản, các gia đình nằm trong vùng quy hoạch phát triển du lịch.
Bên cạnh việc mở các tour, tuyến, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, phát triển sản phẩm du lịch, đào tạo nguồn nhân lực… việc tổ chức hoạt động xúc tiến, quảng bá tiềm năng được Huyện ủy, UBND huyện Hoàng Su Phì rất coi trọng. Các công trình, như: Nhà vọng cảnh tại km17 đường Bắc Quang-Hoàng Su Phì, nhà trưng bày sản phẩm và khuôn viên vườn hoa tại trung tâm huyện, các tuyến đường đến điểm du lịch Thông Nguyên-Nậm Hồng-Giàng Thượng... tạo nét mới cho mảnh đất này. Ông Lù Văn Chung, Phó bí thư Thường trực Huyện ủy Hoàng Su Phì cho biết: “Để thúc đẩy phát triển du lịch Chiêu Lầu Thi, huyện đã đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng du lịch, như: Cải tạo, nâng cấp các tuyến đường; hỗ trợ xây dựng các nhà du lịch cộng đồng; hoàn thiện cơ chế, chính sách; phát triển và đa dạng hóa sản phẩm du lịch... Cùng với đó, chăm lo bảo tồn và phát huy các nét văn hóa truyền thống gắn liền với xây dựng các làng văn hóa du lịch cộng đồng, làm tiền đề cho du lịch văn hóa-lễ hội có bước đột phá. Ngoài ra, huyện còn kêu gọi, khuyến khích các doanh nghiệp, nhà đầu tư xây dựng, phát triển các loại hình dịch vụ phục vụ du lịch, như: Nhà hàng, khách sạn, xây dựng các tuyến đường đua xe đạp, mô tô mạo hiểm và thiết lập các tuyến đi bộ dã ngoại từ đỉnh núi Chiêu Lầu Thi đến các khu rừng nguyên sinh”.
Được biết, huyện Hoàng Su Phù đã xây dựng, ra mắt nhiều làng văn hóa du lịch cộng đồng nằm trên các tuyến du lịch, tạo thành chuỗi các điểm liên kết với Chiêu Lầu Thi. Bên cạnh nhiều tiềm năng về du lịch, Chiêu Lầu Thi được đánh giá rất thuận lợi cho việc trồng và phát triển các loại dược liệu cao cấp, như: Sâm, tam thất nam, thất diệp nhất chi hoa, lan kim tuyến, cửu ngưu lực, xuyên khung, ấu tẩu... Tại khu vực đỉnh núi Chiêu Lầu Thi, Công ty Cổ phần Bình Minh 3 đã trồng thử nghiệm thành công giống sâm Ngọc Linh và một số dược liệu quý hiếm khác.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/du-lich/danh-thuc-tiem-nang-du-lich-o-chieu-lau-thi-611289