Đánh thức tiềm năng du lịch ở Quan Hóa
Không có được lợi thế như Bá Thước, điểm nghỉ dưỡng lý tưởng với không gian rộng lớn của Khu du lịch Pù Luông, lại thêm khí hậu mát mẻ và ý thức quảng bá thu hút đầu tư từ khá sớm; Quan Hóa hướng tới phân khúc khai thác văn hóa bản địa, từ đó du khách được hòa mình vào cuộc sống của người dân, trải nghiệm nét văn hóa nguyên bản của người Thái và khám phá vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ...
Về bản Bút (xã Nam Xuân) để trải nghiệm cảm giác đi bè trên hồ Pha Đay thơ mộng và xanh mướt. Ảnh: Kiều Huyền
Quan Hóa hội đủ các điều kiện cần để xây dựng và phát triển du lịch. Nơi đây có cảnh quan sơn thủy hữu tình, với những dãy núi kỳ vĩ, rừng đại ngàn xanh thẳm của Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hu, Khu Bảo tồn các loài hạt trần quý - hiếm Nam Động và Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông. Ngoài ra, nơi đây còn có hệ thống hang động, các khu bảo tồn với vẻ đẹp hoang sơ và độc đáo như: hang Phi, hang Co Phày, hang Co Luồng, hang Na, hang Dùn; có hệ thống hồ tự nhiên là hồ Pha Đay, Vinh Quang xanh mát và thơ mộng, tĩnh lặng. Bên cạnh đó, Quan Hóa còn có các khu danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa tâm linh như chùa Ông – chùa Bà; đền thờ Thượng tướng thống lĩnh quân Khằm Ban, di tích núi Pù Cọ (gắn liền câu chuyện dân quân bắt phỉ trong kháng chiến chống Pháp), di tích Pha Ú Hò, di tích hang Co Phường, xã Phú Lệ (ghi dấu sự hy sinh của các chiến sĩ dân công hỏa tuyến trong kháng chiến chống thực dân Pháp). Đặc biệt, nơi đây còn lưu giữ những giá trị di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc của đồng bào các dân tộc như lễ hội Mường Ca Da, một trong những mường cổ của người Thái; cùng với xường Mường, cồng chiêng, khèn bè, khèn lá, các trò chơi dân gian truyền thống ném còn, chọi cù, kéo co, bắn nỏ...
Bản Bút, xã Nam Xuân bắt đầu làm du lịch với 5 hộ dân được lựa chọn dựa trên tiêu chí: có điều kiện cơ sở vật chất tốt, người dân muốn và quyết tâm làm du lịch và đặc biệt là sự thân thiện, cởi mở... Hầu hết mọi người khi đặt chân đến bản Bút, ngoài việc dạo bộ trên cung đường ngoằn ngoèo quanh bản, đi xe máy lên hồ Pha Đay, du khách còn tận mắt thấy đồng bào dân tộc Thái chế biến mâm cơm với đủ món gà đồi, ốc đá, măng chua, măng đắng, canh đắng, cơm lam, nộm hoa chuối rừng, lợn rừng quay, măng vịt, rượu ngô, rượu cần... hay được chứng kiến người dân ngồi dệt thổ cẩm bên khung cửi, được múa sạp, chơi kéo co và đốt lửa trại. Dù có là người khó tính cũng sẽ dễ dàng hòa mình vào không gian vui vẻ và thân thiện ấy.
Ngoài bản Bút, bản Hang (xã Phú Lệ), bản Vinh Quang (xã Phú Nghiêm) những năm gần đây đã xây dựng được sản phẩm du lịch phong phú, hấp dẫn, lôi cuốn du khách, đặc biệt là khách quốc tế. Nếu bản Hang là điểm du lịch không thể bỏ qua với những người ưa thích trải nghiệm công việc của một nhà nông qua việc được gặt lúa trên ruộng bậc thang, đánh bắt cá, trồng rau... thì bản Vinh Quang lại làm mê đắm những người thích sông nước. Ở đây, ngoài suối Luông, suối Mác chảy qua bản, còn có hồ Vinh Quang với dải thực vật phong phú, nơi cư trú của một số loài chim quý...
Quan Hóa là miền đất cổ, giàu truyền thống lịch sử văn hóa, trải qua biết bao biến cố, thăng trầm của lịch sử, đến nay vẫn lưu giữ được những nét văn hóa đặc trưng vốn có của vùng. Đó là những điều kiện lý tưởng để Quan Hóa phát triển du lịch.
Tuy nhiên, đó mới chỉ là các điều kiện cần. Từ năm 2019, Đề án phát triển du lịch cộng đồng tại huyện Quan Hóa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (theo Quyết định 1574/QĐ-UBND ngày 26-4-2019 của UBND tỉnh) đã được ban hành, song qua quá trình thực hiện đã có một vài bất cập, như: đầu tư dàn trải, chưa xác định được sản phẩm du lịch chính, người dân chưa có sự chuyển biến lớn trong nhận thức về du lịch. Điều này hạn chế khả năng khai thác các tài nguyên phát triển du lịch, làm lãng phí, thậm chí phá hủy tài nguyên du lịch, làm mất đi cơ hội phát triển du lịch.
Chính vì thế, huyện Quan Hóa đã đưa du lịch là một trong ba chương trình trọng tâm của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2020-2025; đặc biệt trong năm 2023, huyện đã có kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện Chương trình Phát triển du lịch với mục tiêu là đón được 8.500 lượt khách du lịch, trong đó, có 1.500 khách lưu trú. Tuy nhiên, chỉ riêng 5 tháng đầu năm 2023, các điểm du lịch cộng đồng của huyện Quan Hóa đã đón hơn 10.000 lượt khách trong nước và quốc tế.
Ông Nguyễn Đức Dũng, Chủ tịch UBND huyện Quan Hóa, cho biết: Nhận thấy được tiềm năng cho phát triển du lịch, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đã đề ra các mục tiêu về phát triển du lịch với những nội dung về phát triển du lịch bền vững gắn với xóa đói giảm nghèo, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, gìn giữ bản sắc văn hóa và cảnh quan thiên nhiên. Để phát triển du lịch cộng đồng cần thời gian dài, sự sẵn sàng của người dân và sự đầu tư quảng bá, thu hút du khách và doanh nghiệp chung tay.
Các cô gái Thái ở bản Hang (xã Phú Lệ) trong những bộ trang phục truyền thống. Ảnh: Kiều Huyền
Bên cạnh việc mở các lớp bồi dưỡng kiến thức du lịch cộng đồng, tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ như chế biến món ăn; lưu trú; tổ chức các hoạt động văn hóa - văn nghệ...; huyện đã đưa cán bộ và người dân đi học tập kinh nghiệm làm du lịch ở các địa phương để người dân không chỉ được nâng cao kiến thức mà còn có trách nhiệm hơn trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững. Trong thời gian tới, huyện sẽ mở 2 tuyến du lịch gồm: “Xuôi dòng sông Mã” đi qua các điểm: Thủy điện Trung Sơn - Thủy điện Thành Sơn - bản En - Khu du lịch sinh thái Mường Ca Da - thị trấn Hồi Xuân; “Bên dòng sông Luồng” với các điểm du lịch: bản Bâu - bản Lỡ - bản Bút - hang Phi - thị trấn Hồi Xuân; tuyến bản Bút - hang Phi - đền Ông - động Bà - hang Co Phương - bản Hang. Ngoài ra còn có tuyến liên huyện, liên vùng liên kết với các huyện Bá Thước, Quan Sơn, Mai Châu (Hòa Bình).
Đồng thời, huyện đang tiến hành làm con đường từ bản Hang, xã Phú Lệ (Quan Hóa) đến bản Eo Kén, xã Thành Sơn (Bá Thước), mở rộng đường từ trung tâm bản Bút lên hồ Pha Đay, xây dựng hang Lũng Mu (hang Ma) thành một điểm du lịch để du khách đến đây có thể tham quan, tìm hiểu về hệ thống quan tài trên lưng chừng núi; tổ chức thêm một số sản phẩm phục vụ du khách như: tắm lá thuốc, ngâm chân; xây dựng bến thuyền, tạo nhiều điểm check-in trên hồ Pha Đay, nơi quanh năm có các loại hoa đua nhau khoe sắc...
Đang có sự chuyển mình trong việc thu hút khách du lịch, "bản Bút với điều kiện tự nhiên, những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, sự nỗ lực của địa phương cùng lòng hiếu khách của đồng bào, mục tiêu năm 2023, bản Bút sẽ là điểm du lịch thu hút khách lớn nhất của huyện Quan Hóa. Để làm được điều đó, ngoài những nguồn lực hỗ trợ, sự động viên của lãnh đạo huyện, quan trọng nhất là người dân phải đổi mới tư duy, từ cách nghĩ đến cách làm du lịch”, anh Hà Công Chức, trưởng bản Bút (Nam Xuân), cho biết.
Quả thật, từ đánh thức đến phát triển du lịch là cả một hành trình dài. Bài học nhãn tiền của nhiều địa phương trong việc thu hút đầu tư du lịch nhanh và mở đã dẫn đến việc phá vỡ cảnh quan, quy hoạch và làm mất đi những nét văn hóa truyền thống. Hiểu được bất lợi đồng nghĩa với việc tận dụng lợi thế của địa phương, Quan Hóa tập trung vào phát triển các mô hình du lịch cộng đồng, từ đó tạo điều kiện phát triển kinh tế bền vững, đồng thời có thêm cơ sở và nguồn lực để giữ gìn, bảo tồn các giá trị văn hóa bản địa.