Đánh thức tiềm năng kinh tế biển
Phát triển kinh tế biển ở Việt Nam nói chung và vùng duyên hải Nam Trung bộ nói riêng không thể bền vững nếu không có vai trò của khoa học và công nghệ (KH&CN), đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu, rộng; biến đổi khí hậu và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ.
Đóng góp lớn
Tại Hội nghị KH&CN phục vụ phát triển kinh tế biển vùng duyên hải Nam Trung bộ diễn ra mới đây, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho biết, trong 10 năm qua, đóng góp của vùng duyên hải Nam Trung bộ vào GDP cả nước luôn đạt tỷ lệ cao. Trong đó có đóng góp của các khu kinh tế, khu công nghiệp, cơ sở công nghiệp quan trọng ven biển; kinh tế thuần biển gồm khai thác và chế biến dầu khí trên biển, hàng hải, nuôi trồng và khai thác hải sản, du lịch biển; tiếp tục giữ vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế quốc gia với mức đóng góp vào GDP cả nước đạt khoảng 10%.
"Để có được những kết quả trên, ngành KH&CN đã đóng góp không nhỏ. Đặc biệt, các công trình nghiên cứu, ứng dụng KH&CN trong kinh tế biển khu vực Nam Trung bộ đã đem lại những tác động tích cực đến đời sống kinh tế - xã hội"- Thứ trưởng Trần Văn Tùng khẳng định.
Trước vấn đề này, ông Nguyễn Hồng Sơn - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương - cho rằng, việc nghiên cứu, ứng dụng KH&CN trong nhiều ngành và lĩnh vực đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của vùng duyên hải Nam Trung bộ. Ví dụ, ứng dụng KH&CN trong nuôi trồng, chế biến thủy sản; sản xuất giống thủy sản; bảo vệ môi trường, chống sói lở bờ biển; ứng dụng công nghệ làm đá tuyết từ nước biển phục vụ bảo quản hải sản; ứng dụng công nghệ viễn thám, quan trắc giám sát chất lượng nước; chế tạo thiết bị đánh bắt cá ngừ đại dương; ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất tại Công ty Ôtô Trường Hải…
Phát huy vai trò KH&CN
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi - Đại học Quốc gia Hà Nội - cho biết, vùng duyên hải Nam Trung bộ là vùng cửa mở thông thương ra biển và có thể hỗ trợ cho hội nhập kinh tế nội khối ASEAN thông qua hành lang kinh tế Đông - Tây. Nhiều vịnh, vũng khu vực này có thể xây dựng thành các cảng biển nước sâu tiềm năng nhất ở nước ta, tạo tiền đề phát triển khu kinh tế ven biển theo mô hình cảng - đô thị - biển như khu Nghi Sơn, Vũng Áng, Dung Quất, Chân Mây, Vịnh Hàn, Nhơn Hội, Vân Phong, vịnh Nha Trang, Cam Ranh. Đây cũng là nơi có triển vọng du lịch rất lớn, tập trung các mỏ khoáng sản và có nhiều tiềm năng nuôi trồng, đánh bắt hải sản...
"KH&CN, đào tạo nguồn nhân lực biển chất lượng cao được xem là khâu tạo đột phá để đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững kinh tế biển vùng Nam Trung bộ thông qua thúc đẩy đổi mới sáng tạo; tận dụng thành tựu KH&CN tiên tiến; thu hút chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu" - PGS.TS Nguyễn Chu Hồi nhấn mạnh.
Theo ông Nguyễn Hồng Sơn, để KH&CN thực sự có vai trò thúc đẩy phát triển nền kinh tế biển vùng duyên hải Nam Trung bộ, cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về vai trò của KH&CN đối với sự phát triển kinh tế biển. Bên cạnh đó, cần xây dựng các chương trình, kế hoạch triển khai cụ thể để KH&CN cùng với phát triển nguồn nhân lực biển chất lượng cao là một trong 3 khâu đột phá nhằm phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam nói chung và kinh tế biển vùng duyên hải Nam Trung bộ nói riêng đến năm 2030, và tầm nhìn đến 2045. Đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế nhằm thu hút đa dạng các nguồn lực, nhất là từ khu vực kinh tế tư nhân, cho phát triển và ứng dụng KH&CN.
Để phát huy vai trò của KH&CN phục vụ phát triển bền vững kinh tế biển vùng duyên hải Nam Trung bộ, cần tăng cường sự phối hợp và liên kết giữa các bộ, ngành; các tỉnh, thành phố trong các hoạt động phát triển và ứng dụng KH&CN.
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/danh-thuc-tiem-nang-kinh-te-bien-121618.html