Đánh thức tiềm năng nuôi biển

Được đánh giá là ngành kinh tế giàu tiềm năng, song nuôi biển vẫn chưa mang lại kết quả tương xứng, cũng như phải đối diện với nhiều thách thức từ thiên tai. Do đó, để phát triển nuôi biển đòi hỏi toàn ngành thủy sản cần có chiến lược phù hợp để tận dụng tiềm năng lợi thế, hướng đến khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên biển một cách bền vững.

Nuôi biển được kỳ vọng sớm trở thành ngành kinh tế mang lại giá trị cao. Ảnh ST

Nuôi biển được kỳ vọng sớm trở thành ngành kinh tế mang lại giá trị cao. Ảnh ST

Lợi ích kép từ nuôi biển

Những năm qua, thủy sản đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đứng đầu về xuất khẩu thủy sản trên thế giới. Năm 2023, tổng sản lượng thủy sản đạt 9,26 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 9,2 tỷ USD, đưa Việt Nam lên vị trí thứ ba trên toàn thế giới, đứng sau Trung Quốc và Na Uy.

Tính chung 9 tháng năm 2024, sản lượng thủy sản nuôi trồng ước đạt 4.044,8 nghìn tấn, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước. Riêng thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra là 35 nghìn ha và hơn 11,8 nghìn lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi tập trung chủ yếu ở Quảng Ninh và Hải Phòng.

Theo Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NNPTNT), kết quả này đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế đất nước, cải thiện sinh kế, ổn định đời sống, tạo công ăn việc làm cho khoảng hơn 4 triệu người dân, đặc biệt là đối với cộng đồng dân cư sống phụ thuộc vào nguồn lợi thủy sản ở các tỉnh ven biển.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho biết, Việt Nam đang nỗ lực gỡ “thẻ vàng” thủy sản, từ đó mở rộng cánh cửa xuất khẩu ngành hàng này đến các thị trường lớn, cũng như giảm thiểu rủi ro cho hàng Việt, khi nhiều thị trường ngày càng áp các tiêu chuẩn kỹ thuật đối với mặt hàng này.

Để gỡ “thẻ vàng”, ngoài việc yêu cầu ngăn chặn hoạt động đánh bắt trái phép, quản lý đội tàu, Ủy ban châu Âu còn khuyến nghị Việt Nam phải thay đổi tỷ trọng khai thác thủy sản, tăng sản lượng nuôi trồng, giảm đánh bắt để bảo vệ nguồn tài nguyên biển.

Lãnh đạo Bộ NNPTNT nhấn mạnh, Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng xác định sẽ giảm dần sản lượng thủy sản khai thác, thay vào đó là tăng tỷ trọng nuôi biển.

Mục tiêu của nuôi biển phải hướng đến đảm bảo cân bằng giữa nhu cầu của con người, giữ gìn tài nguyên biển và phát triển bền vững. “Nuôi biển sẽ mang lại lợi ích kép như đánh thức tiềm năng kinh tế biển, mang lại sinh kế cho người dân; đồng thời góp phần bảo vệ tài nguyên biển” - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Theo Cục Thủy sản, Việt Nam có tiềm năng lớn trong lĩnh vực nuôi biển với 2.100 loài hải sản đa dạng bao gồm các loài cá biển, nhuyễn thể và rong biển. Các loài như cá chim vây vàng, cá chẽm, cá song, bào ngư, ngao, hàu và cá giò là những đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao.

“Việt Nam hội tụ đủ điều kiện tự nhiên để phát triển nuôi biển trở thành một ngành kinh tế mạnh” - Cục trưởng Trần Đình Luân cho biết.

Nâng cao năng lực và khả năng thích ứng của ngành nuôi biển

Khẳng định nuôi biển là hướng đi đúng đắn để khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên biển, gắn với bảo vệ môi trường biển một cách bền vững, song các ý kiến cho rằng, kết quả nuôi biển thời gian qua còn nhiều hạn chế, cũng như đang phải đối diện với nhiều thách thức.

Quảng Ninh được ví như vựa hải sản của khu vực miền Bắc, với sản lượng nuôi biển lớn nhất trong khu vực, nhưng cơn bão số 3 qua đi đã quét sạch thành quả của người dân. Trong đó, Vân Đồn là địa phương thiệt hại nặng nề nhất tỉnh về nuôi trồng thủy sản do bão số 3, với diện tích nuôi trồng trên biển gần như xóa sổ hoàn toàn. Trong đó, tổng sản lượng thủy sản đến kỳ thu hoạch bị thiệt hại khoảng 32.112 tấn.

Riêng tại huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh có hơn 32.000 tấn thủy sản đến kỳ thu hoạch bị thiệt hại do bão số 3. Ảnh ST

Riêng tại huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh có hơn 32.000 tấn thủy sản đến kỳ thu hoạch bị thiệt hại do bão số 3. Ảnh ST

Tổng thiệt hại đối với nuôi trồng thủy sản của huyện Vân Đồn trên 2.300 tỷ đồng. Thiệt hại này cũng ảnh hưởng đáng kể đến nguồn cung hải sản cho thị trường, đặc biệt trong thời điểm cuối năm.

Câu chuyện nuôi biển của người dân huyện Vân Đồn cũng cho thấy thách thức rất lớn mà người nuôi biển phải đối diện, đó là thiên tai.

Đến nay, Khánh Hòa là địa phương đầu tiên triển khai thành công thí điểm mô hình nuôi biển công nghệ cao tại vùng biển mở do UBND tỉnh phối hợp với Quỹ Thiện Tâm - Tập đoàn Vingroup triển khai từ tháng 5/2023.

Qua 1 năm triển khai, mô hình thí điểm này đã khẳng định hiệu quả cao, có thể nhân rộng ra 27 tỉnh, thành phố ven biển khác.

Ngay sau bão, Bộ NNPTNT đã đặt hàng doanh nghiệp và Cục Thủy sản phải nghiên cứu để có giải pháp về liên kết giằng phao khi bão lũ, tiến tới trên các phao có tên người nuôi và phải di chuyển được lồng nuôi đến chỗ an toàn hơn khi có thiên tai.

Trong đó, để giảm thiểu rủi ro do thiên tai đến nuôi biển, ngành nông nghiệp, các địa phương cần tăng cường nghiên cứu, sớm triển khai hệ thống thiết bị thích ứng thiên tai, thay vì hệ thống lồng bè tre gỗ thô sơ.

Cục trưởng Cục Thủy sản cho biết, hiện nay nuôi biển đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế biển. Để cụ thể hóa chiến lược đưa nước ta trở thành một quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1664/QĐ-TTg ngày 04/10/2021 phê duyệt Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Trong đó xác định, để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế nuôi biển, cần tạo nên một hệ sinh thái phát triển mạnh mẽ cho nuôi biển với hệ thống chính sách, nguồn lực đầu tư và hướng đi bền vững cho nuôi biển.

Chủ tịch Hiệp hội nuôi biển Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng cho biết, thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra là vô cùng nặng nề, một mặt đến từ tính chất phức tạp, khó lường của cơn bão. Hậu quả này, một phần là do nghề nuôi biển vẫn chủ yếu khai thác theo phương thức, trình độ thủ công, truyền thống.

“Hoạt động nuôi biển là sống dựa vào thiên nhiên, nhưng làm sao để giảm thiểu tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra là yêu cầu đặt ra chung với không chỉ ngành thủy sản” - ông Dũng lưu ý.

Đến nay, Khánh Hòa là địa phương đầu tiên triển khai thành công thí điểm mô hình nuôi biển công nghệ cao tại vùng biển mở. Ảnh ST

Đến nay, Khánh Hòa là địa phương đầu tiên triển khai thành công thí điểm mô hình nuôi biển công nghệ cao tại vùng biển mở. Ảnh ST

Các ý kiến cũng cho rằng, để phát triển mô hình nuôi biển ổn định và bền vững phải quy tụ đủ “4 bên” gồm: Nhà nước, nhà khoa học, nhà nông - doanh nghiệp và ngân hàng, từ đó thay đổi phương thức tổ chức sản xuất mà bấy lâu nay ngành nông nghiệp nói chung và nuôi biển nói riêng vẫn chưa thực hiện được.

Bên cạnh đó, nguồn nhân lực chuyên môn cho ngành nuôi biển còn hạn chế do chưa có ngành đào tạo chuyên sâu về nuôi biển; chưa có chương trình khuyến ngư cho người dân ven biển tiếp cận công nghệ cao. Còn thiếu quy chuẩn, tiêu chuẩn về nuôi biển...

Vì vậy, để thu hút đầu tư cho ngành nuôi biển đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành trong việc ban hành chính sách; hiệu quả quản lý từ các cấp quản lý địa phương và nâng cao năng lực từ chính các hộ sản xuất./.

Theo Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, mục tiêu phát triển của ngành đến năm 2025 là đạt diện tích nuôi biển 280.000 ha, thể tích 10 triệu m³, sản lượng 850.000 tấn và kim ngạch xuất khẩu từ 0,8 đến 1 tỷ USD. Đến năm 2045, mục tiêu đặt ra là sản lượng đạt 1,45 triệu tấn, chiếm 25% tổng sản lượng thủy sản và kim ngạch xuất khẩu đạt 4 tỷ USD.

N.LỘC

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/danh-thuc-tiem-nang-nuoi-bien-35928.html