'Đánh thức' tiềm năng phát triển rừng gỗ lớn

Xác định lâm nghiệp là tiềm năng, là lợi thế của tỉnh, những năm qua, Phú Thọ đã triển khai đồng bộ các giải pháp, tăng cường các chính sách khuyến khích, thúc đẩy phát triển kinh tế lâm nghiệp, trong đó có rừng gỗ lớn.

Trồng rừng gỗ lớn ở huyện Hạ Hòa mang lại hiệu quả kinh tế cao.

(baophutho.vn) - Xác định lâm nghiệp là tiềm năng, là lợi thế của tỉnh, những năm qua, Phú Thọ đã triển khai đồng bộ các giải pháp, tăng cường các chính sách khuyến khích, thúc đẩy phát triển kinh tế lâm nghiệp, trong đó có rừng gỗ lớn. Việc đẩy mạnh ứng dụng các biện pháp kỹ thuật, tập trung đầu tư trồng và chuyển hóa rừng gỗ lớn không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cao cho người trồng rừng mà còn góp phần giảm xói mòn, rửa trôi đất, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Lợi ích kép

Toàn tỉnh hiện có trên 140.600ha đất rừng, chiếm 39,8% tổng diện tích tự nhiên, trong đó rừng đặc dụng trên 15.300ha (chiếm 10,9%); rừng phòng hộ gần 29.500ha (chiếm 21%) và rừng sản xuất trên 95.800ha (chiếm 68,1%). Đây là điều kiện thuận lợi để các địa phương trong tỉnh phát triển rừng gỗ lớn.

Là huyện có diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn của tỉnh, bình quân mỗi năm huyện Thanh Sơn trồng trên 2.000ha rừng. Hiện nay, toàn huyện có khoảng 500ha rừng cây gỗ lớn, tập trung ở một số xã như: Võ Miếu, Thạch Khoán, Tất Thắng, Cự Thắng, Thục Luyện… Các loài cây chủ yếu là keo, mỡ, bồ đề và một số cây bản địa. Hộ ông Nguyễn Văn Sơn ở khu 4, xã Cự Thắng có 10ha rừng trồng keo tai tượng 6 năm tuổi. Nếu như trước đây diện tích này đã có thể cho khai thác nhưng nay ông Sơn đã quyết định giữ lại để tham gia mô hình xây dựng chuyển hóa gỗ nhỏ thành rừng gỗ lớn.

Ông Sơn chia sẻ: “Trồng rừng gỗ nhỏ 7 năm tuổi cho năng suất 80m3/ha, sau khi trừ chi phí lợi nhuận 6 triệu đồng/ha/năm. Nếu trồng, chuyển hóa gỗ lớn 11 năm cho năng suất 150m3/ha, sau khi trừ chi phí lợi nhuận 12 triệu đồng/ha/năm. Như vậy trồng rừng gỗ lớn năng suất tăng gấp 1,5 lần, còn lợi nhuận tăng gấp đôi so với trồng rừng gỗ nhỏ. Ngoài ra, lợi nhuận từ rừng gỗ lớn cao hơn rất nhiều lần tùy theo tuổi khai thác và đường kính của cây, chúng tôi có thể trồng cây dược liệu hay một số loại cây khác dưới tán rừng. Bên cạnh đó, trồng rừng gỗ lớn có chi phí thấp hơn so với trồng rừng gỗ nhỏ, do giai đoạn về sau chủ yếu là chi cho công tác bảo vệ thay vì phải trồng lại rừng; đồng thời phát huy chức năng bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu”.

Đến huyện miền núi Yên Lập, chúng tôi được biết địa hình nơi đây bị chia cắt mạnh, hệ thống suối, ngòi trên địa bàn huyện ngắn và có độ dốc cao, do vậy về mùa mưa nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét là rất lớn. Những năm gần đây, huyện đều chú trọng phát triển rừng gỗ lớn, vừa mang giá trị kinh tế, vừa giúp giảm bớt số lần khai thác, khi mùa mưa đến các rừng cây gỗ lớn sẽ giúp giảm xói mòn, rửa trôi đất, phòng chống lũ lụt, hạn hán.

Ông Nguyễn Duy Vững - Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Yên Lập cho biết: “Việc phát triển rừng gỗ lớn không chỉ tạo sinh kế cho các gia đình, nâng cao đời sống người dân mà còn tăng tỉ lệ che phủ rừng, góp phần bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu. Trong giai đoạn 2015-2020, diện tích trồng rừng tập trung toàn huyện đạt trên 7.200ha, vượt 44,3%; bảo vệ rừng tự nhiên phòng hộ duy trì hàng năm 7.600ha; cây gỗ lớn tăng 5%, năng suất rừng trồng thâm canh vượt 10%; sản lượng gỗ khai thác hàng năm đạt hơn 120.000m3. Năm 2021, huyện Yên Lập trồng mới 400ha và chuyển hóa 120ha rừng cây gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn”.

Lợi ích là thế, tuy nhiên, tính đến hết năm 2020, toàn tỉnh thực hiện trồng và chuyển hóa trên 7.000ha rừng gỗ lớn - tỉ lệ này còn thấp so với diện tích rừng sản xuất và chưa tương xứng với tiềm năng.

Cán bộ Kiểm lâm kiểm tra chất lượng giống cây lâm nghiệp phục vụ trồng rừng gỗ lớn.

Cần giải pháp đồng bộ

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, nguồn vốn là nguyên nhân đầu tiên khiến việc trồng, chuyển hóa rừng gỗ lớn còn khó khăn. Đa phần các hộ dân trên địa bàn tỉnh vẫn thường tính khai thác rừng sớm để trang trải cuộc sống và quay vòng vốn.

Chị Lương Thị Thủy - chủ gần 30ha rừng ở xã Yên Kỳ, huyện Hạ Hòa cho biết: “Trồng rừng gỗ lớn có chu kỳ kinh doanh dài, đòi hỏi phải có vốn, trong khi điều kiện kinh tế của các hộ dân như chúng tôi còn khó khăn, khó tiếp cận vốn vay ngân hàng. Do đó, chúng tôi trồng rừng gỗ nhỏ với chu kỳ ngắn 5-7 năm do có nguồn thu nhanh hơn để trang trải cuộc sống, hoặc có thể sớm quay vòng đầu tư tiếp”.

Cùng với đó, chất lượng giống cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc trồng, chuyển hóa rừng gỗ lớn. Nếu chọn được giống tốt thì sẽ cho năng suất, chất lượng cao, chu kỳ trồng rừng mới được kéo dài, còn chọn giống kém chất lượng trong quá trình sinh trưởng, phát triển nhiều cây bị sâu bệnh, dễ đổ gẫy, phải chấp nhận bán non với giá thấp.

Bên cạnh đó, vấn đề chế biến và thị trường tiêu thụ trong tỉnh cũng trở thành một bài toán khó đối với việc phát triển cây gỗ lớn. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 2.700 đơn vị sản xuất, kinh doanh chế biến lâm sản, trong đó có gần 600 doanh nghiệp và trên 2.100 hộ cá thể kinh doanh với nhu cầu chủ yếu là chế biến thô như băm dăm, ván xẻ, ván thanh, ván bóc nên cần nguyên liệu gỗ nhỏ.

Mục tiêu của ngành Lâm nghiệp tỉnh Phú Thọ đến năm 2025 là giữ ổn định độ che phủ rừng 38,8%; thúc đẩy trồng, chuyển hóa đạt 20.000ha rừng cây gỗ lớn, trong đó trồng mới 15.350ha, chuyển hóa 4.650ha; hỗ trợ cấp chứng chỉ rừng bền vững FSC cho 25.000ha rừng; năng suất rừng trồng đạt 15m3/ha/năm.

Để đạt được mục tiêu này, cần phải thực hiện giải pháp đồng bộ từ khâu quy hoạch vùng trồng phù hợp; thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, doanh nghiệp và huy động mọi nguồn lực xã hội cho phát triển kinh doanh gỗ lớn; chú trọng các giải pháp kỹ thuật từ khâu chọn tạo giống, trồng chăm sóc, khai thác và chế biến; quan tâm đến giải pháp về chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Để góp phần tháo gỡ khó khăn, khuyến khích người dân trồng rừng gỗ lớn, năm 2020, Chi cục Kiểm lâm cũng đã phối hợp với UBND các huyện tiếp nhận, cấp phát cây giống để trồng rừng gỗ lớn theo chương trình an sinh xã hội; tham mưu cho Sở NN&PTNT trình UBND tỉnh phê duyệt cơ chế, cấp kinh phí mua bổ sung cây giống trồng rừng gỗ lớn còn thiếu theo kế hoạch năm 2020. Đồng thời đẩy mạnh nghiên cứu phát triển các giống có năng suất, chất lượng cao, lựa chọn các giống phù hợp phát triển rừng gỗ lớn với từng điều kiện lập địa điểm nơi trồng; đẩy mạnh nghiên cứu cơ giới hóa lâm nghiệp vào các khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch chế biến lâm sản, xây dựng mô hình canh tác lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao để nâng cao giá trị sản xuất lâm nghiệp.

Ông Phùng Văn Vinh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm cho biết: “Chuyển hóa từ trồng rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn đang là xu hướng trên thế giới và cũng là giải pháp quan trọng để thay đổi thực trạng kinh doanh lâm nghiệp hiện nay. Để phát triển mô hình chuyển hóa từ trồng rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn có lợi ích kép này, Chi cục Kiểm lâm sẽ chỉ đạo các đơn vị tiếp tục tuyên truyền về hiệu quả kinh tế, môi trường cũng như hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng thâm canh gỗ lớn và chuyển hóa từ rừng kinh doanh gỗ nhỏ sang gỗ lớn; khuyến khích các doanh nghiệp, hộ gia đình liên kết đầu tư kinh phí trồng rừng thâm canh gỗ lớn nhằm phát triển diện tích rừng gỗ lớn trên địa bàn tỉnh, tương xứng với tiềm năng sẵn có tại địa phương”.

Cao Hương

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/202109/%E2%80%9Cdanh-thuc%E2%80%9D-tiem-nang-phat-trien-rung-go-lon-179397