Nguồn vốn tín dụng xanh được khơi thông sẽ đóng góp vào sự phát triển bền vững

Nguồn vốn tín dụng xanh sẽ giúp doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ, giảm chi phí giá thành, tạo ra các sản phẩm và dịch vụ thân thiện môi trường, đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước.

Ngày 5/7 vừa qua tại Hà Nội, Báo Thanh Niên đã tổ chức tọa đàm "Khơi thông dòng tín dụng xanh". Tại buổi tọa đàm, ông Trần Anh Quý, Trưởng phòng Tín dụng chính sách, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thông tin, tính đến hết tháng 3, có 47 ngân hàng cho vay, dư nợ khoảng 637.000 tỉ đồng, tăng trưởng 2,6% so với 2023, chiếm tỷ trọng 4,5% tổng dư nợ nền kinh tế.

Tọa đàm "Khơi thông dòng tín dụng xanh" do Báo Thanh Niên tổ chức tại Hà Nội.

Tọa đàm "Khơi thông dòng tín dụng xanh" do Báo Thanh Niên tổ chức tại Hà Nội.

Dư nợ tập trung cho các dự án năng lượng tái tạo và năng lượng sạch - chiếm khoảng 45% tổng dư nợ. Tuy nhiên, đại diện NHNN khẳng định tỷ lệ dư nợ này mới phản ánh được một phần kết quả tích cực trong việc triển khai các giải pháp, chính sách thúc đẩy tín dụng xanh của các ngân hàng.

Đánh giá tỷ lệ của tín dụng xanh cho tổng dư nợ hiện nay rất thấp, mới đạt 4,5% tổng dư nợ trên hệ thống, theo chuyên gia ngân hàng - TS Nguyễn Trí Hiếu, con số này rất khiêm tốn so với các nước xung quanh, đặc biệt là so với các nước phát triển. Hiện các ngân hàng chưa có điều kiện thanh khoản để tài trợ tín dụng xanh. Còn có một số công ty, doanh nghiệp phát hành trái phiếu xanh tài trợ các dự án cải thiện môi trường, dự án về môi trường.

Tổng dư nợ trái phiếu rất yếu, hiện nay chỉ có khoảng 20 doanh nghiệp Việt Nam phát hành trong 10 năm đổ lại. Tín dụng xanh là những dự án dài hạn có thể là 5 năm, 10 năm, thậm chí là 20 năm với một lãi suất thấp, trong khi vốn huy động của các ngân hàng là vốn ngắn hạn cho đến 12 tháng (chiếm khoảng 80% tổng huy động của hệ thống).

"Chúng ta biết rằng hiện tại tỷ lệ dùng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn xuống rất thấp, các ngân hàng đang bị "bó tay" bởi tỷ lệ đó. Ngân hàng mà phải tài trợ cho các dự án tín dụng xanh dài hạn, lãi suất thấp và đặc biệt rủi ro lớn, nếu không có bảo trợ, bảo lãnh của Chính phủ, khả năng dự án này vỡ nợ là có", ông Hiếu phân tích.

Theo nhà báo Trần Việt Hưng, Phó tổng biên tập Báo Thanh Niên, tăng trưởng xanh và số hóa đang trở thành xu hướng tất yếu với bất cứ quốc gia nào muốn đạt được sự phát triển bền vững, thịnh vượng.

Trong đó, các vấn đề như bảo vệ môi trường, giảm khí thải carbon, chống biến đổi khí hậu… được đặt lên hàng đầu. Và tín dụng xanh là một trong những trụ cột tài chính vô cùng quan trọng để hướng tới mục tiêu đó.

Bên cạnh đó, nguồn vốn tín dụng xanh sẽ giúp doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ, giảm chi phí giá thành, tạo ra các sản phẩm và dịch vụ thân thiện môi trường, đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước. Đồng thời, khi dòng vốn này được khơi thông, sẽ chảy mạnh mẽ hơn trong nền kinh tế, đến được với nhiều khách hàng, giúp "xanh hóa" thói quen, hành vi cũ.

“Từ nhận thức đó, với vai trò của một cơ quan báo chí, Báo Thanh Niên đặt mục tiêu tiên phong trong việc góp phần "xanh hóa" lối sống, xanh hóa sản xuất kinh doanh, thay đổi nhận thức của người dân”, ông Hưng nhấn mạnh.

PV

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/nguon-von-tin-dung-xanh-duoc-khoi-thong-se-dong-gop-vao-su-phat-trien-ben-vung-90102.html