Đánh thức tình yêu di sản từ tranh làng cổ
Vẻ đẹp của ngôi làng Cựu (hơn 500 tuổi), ở xã Vân Từ, huyện Phú Xuyên với nét độc đáo hài hòa giữa kiến trúc phương Đông và phương Tây, đã trở thành cảm hứng sáng tác cho các họa sĩ đương đại. Tìm về những trầm tích văn hóa, các họa sĩ đang góp sức để đánh thức tình yêu di sản trong cộng đồng qua những bức tranh.
Những bức tranh đương đại về làng Cựu (xã Vân Từ, huyện Phú Xuyên) thu hút sự quan tâm của công chúng. Ảnh: Hà Dương
Những bức họa tỏa bóng di sản
Hơn 50 bức tranh trong triển lãm “Bóng di sản” của nhóm họa sĩ 33A vừa diễn ra tại 29 Hàng Bài (quận Hoàn Kiếm) khiến công chúng trầm trồ, bởi vẻ đẹp độc đáo của làng Cựu được thổi làn gió đương đại, mà không mất đi nét tinh túy, cổ xưa vốn có. 9 họa sĩ, mỗi người một phong cách, bút pháp đã thể hiện xúc cảm của mình trước ngôi làng kết hợp hài hòa nét Việt cổ và kiến trúc Pháp mỹ lệ.
Những bức tranh cổng làng Cựu phủ màu thời gian thể hiện theo lối hiện thực của họa sĩ Dương Tuấn hay theo lối trừu tượng của họa sĩ Tuấn Đạt cứ thế dẫn dắt người xem khám phá ngôi làng Cựu độc đáo này. Cùng ấn tượng với những hoa văn trang trí trên các công trình kiến trúc, họa sĩ Cấn Mạnh Tưởng thể hiện những ô cửa ẩn chứa câu chuyện về mái ấm gia đình, còn họa sĩ Nguyễn Thế Long mang đến những lời chúc ý nghĩa qua bộ tranh “Phúc Vạn Thọ”.
Họa sĩ Minh Đông lại gợi những suy tưởng về xưa - nay, còn - mất qua những bức tranh panorama. Còn họa sĩ Chu Viết Cường và Đạt Phú với phong cách hiện thực đã tái hiện khung cảnh những đường làng, ngõ xóm, ngôi nhà, rặng tre, sân thóc thấp thoáng bóng lưng còng của bà, của mẹ đầy thân thương. Với sở trường chân dung trực họa, những khuôn mặt người dân làng Cựu hiện lên hiền hòa trong tranh của họa sĩ Bùi Văn Tuất, đã nhận được nhiều cảm tình của công chúng. Bộ tranh lớn nhất triển lãm (3 bức, kích thước 69x196cm/bức) của họa sĩ Nguyễn Minh (Phố) thể hiện độc đáo làng cổ theo phong cách đương đại, khiến người xem tưởng như lạc vào trong phố…
Họa sĩ Cấn Mạnh Tưởng cho biết, dù biết về làng Cựu đã lâu, nhưng để sáng tác về nơi này, các họa sĩ đã dành thời gian điền dã, ăn ở, sinh hoạt cùng người dân làng nhiều ngày. “Càng tìm hiểu, khám phá, càng thấy ngôi làng này đẹp và gợi nhiều trăn trở cho nghệ sĩ”, họa sĩ Cấn Mạnh Tưởng chia sẻ.
Khơi dậy sự quan tâm của cộng đồng
“Bóng di sản” là hoạt động mở đầu dự án “Đánh thức di sản” của nhóm 33A, với mong muốn thông qua hội họa ghi lại những di sản vật thể và phi vật thể của dân tộc, nhằm khơi dậy tình yêu và ý thức giữ gìn trong cộng đồng. Họa sĩ Dương Tuấn, Trưởng nhóm 33A cho biết, các họa sĩ trong nhóm đều được sinh ra và nuôi dưỡng từ những vùng đất mang đầy trầm tích của Thủ đô. Vì vậy, mỗi người đều mong muốn bằng tài năng và tâm huyết của mình góp phần tôn vinh, bảo tồn các di sản trong cộng đồng, nhất là các danh lam thắng cảnh, làng cổ, làng nghề, di sản phi vật thể… đang dần bị mai một.
Theo họa sĩ Dương Tuấn, nhóm 33A đã chọn làng Cựu để khởi đầu dự án “Đánh thức di sản”, bởi đây là ngôi làng "độc nhất vô nhị" ở Thủ đô. Làng Cựu xưa nổi tiếng với nghề may. Người dân đi khắp chốn làm ăn và trở về làng xây dựng nhà cửa theo phong cách phương Tây kết hợp hài hòa với nét truyền thống. Qua thời gian, rất nhiều ngôi nhà, biệt thự, kiến trúc cổ đang bị xuống cấp, hoặc thay thế. Ít người quan tâm đến việc phục hồi, gìn giữ…
Trong quá trình khảo sát, tìm hiểu, đóng góp hoàn thiện hồ sơ “Hà Nội - Thành phố sáng tạo”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Phương, Giám đốc Trung tâm Phát triển công nghiệp văn hóa (Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam) đã nhận thấy vẻ đẹp cùng giá trị riêng có của ngôi làng này và gửi những bức ảnh tới nhóm 33A, gợi ý cho các nghệ sĩ thực hiện dự án. Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Phương, làng Cựu cần được sự quan tâm của người dân, chính quyền địa phương cũng như cộng đồng để bảo tồn và phát triển. Đồng quan điểm, họa sĩ Lê Thiết Cương cho rằng, bảo tồn các di sản quý giá do cha ông để lại thông qua nghệ thuật và cái đẹp là một cách làm độc đáo. Cách làm như nhóm 33A đang thực hiện rất hiệu quả, hiện đại, có thể tác động tới nhiều đối tượng, nhất là những người trẻ.
Ngắm chi tiết từng tác phẩm trong triển lãm “Bóng di sản”, chị Phạm Thu Hương (phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm) chia sẻ: “Đã từng đến nhiều ngôi làng ở Hà Nội nhưng tôi thấy làng Cựu thật đặc sắc, nhất là qua góc nhìn của các họa sĩ. Nếu được đầu tư, làng Cựu hoàn toàn có thể trở thành điểm đến hấp dẫn người dân nội đô và khách du lịch trong tương lai”.
Hà Nội còn có rất nhiều ngôi làng cổ độc đáo ở nội thành và ngoại thành, cùng các di sản phi vật thể như hát chèo tàu, hát xẩm, ca trù, múa bài bông… đang dần bị lãng quên. Vì vậy, như họa sĩ Lê Thiết Cương gợi mở, từ dự án của nhóm 33A, các nghệ sĩ và giới hoạt động sáng tạo hãy cùng chung tay hành động, để khơi dậy tình yêu và ý thức giữ gìn di sản trong cộng đồng.