Đánh thức trẻ bằng thế giới sắc màu
Cùng với âm nhạc, mỹ thuật được xem là môn năng khiếu nghệ thuật đang được nhiều trường học và phụ huynh quan tâm. Đằng sau mỗi bức tranh là sự cảm nhận, sáng tạo, khám phá của trẻ theo hướng tích cực, biết yêu và trân quý cuộc sống xung quanh…
Đánh thức trẻ bằng thế giới sắc
Giờ học vui vẻ
“Từ hình tròn, các em vẽ được những đồ vật, loại trái cây gì?”. “Trong nhà chúng ta những đồ vật nào có dạng hình vuông và hình chữ nhật?”. Đó là những câu hỏi khơi mào, có tính gợi mở mà thầy Võ Đức Long đang hướng dẫn học sinh lớp 2 Trường tiểu học Bình Hưng (TP. Phan Thiết) trong tiết học “Tưởng tượng với hình tròn, hình vuông, hình tam giác, hình chữ nhật”. Cứ thế, nhóm thì vẽ trái bóng, mâm ngũ quả, ngôi nhà, hộp viết, bánh sinh nhật. Nhóm lại vẽ trái dưa hấu, bánh chưng, chiếc đồng hồ, cửa sổ, nhãn vở, khăn quàng... Một giờ học được thoải mái sáng tạo, được khuyến khích thể hiện bản thân bằng các “tác phẩm nghệ thuật” đã khiến học sinh vô cùng hào hứng.
Thầy Long cho biết: Sau âm thanh, màu sắc là thứ kích thích giác quan của trẻ mạnh mẽ nhất. Ngay từ khi mới lọt lòng, trẻ đã bị thu hút với những màu sắc sặc sỡ như màu đỏ, màu xanh, màu vàng... Bởi thế trong trường tiểu học hiện nay, môn mỹ thuật được sắp xếp 1 tiết/tuần. Mặc dù được coi là môn phụ, nhưng được học sinh đón nhận với sự thích thú. Bởi bản thân môn học mang lại những tác dụng rất lớn trong việc cầm viết, kích thích trí tưởng tượng, óc sáng tạo, khả năng tập trung, nhận thức và phân biệt màu sắc. Chúng tôi cũng không đặt nặng vấn đề điểm số, mà khích lệ, động viên nhiều hơn. Từ đó giúp các em phát triển chức năng tâm lý, tình yêu đối với con người, biết cảm thụ cái đẹp từ môi trường xung quanh.
Khuyến khích sự sáng tạo
Giờ đây, ngoài các môn văn hóa, việc giáo dục kỹ năng, năng khiếu cho trẻ được rất nhiều phụ huynh quan tâm. Bằng chứng nhiều người gửi con học vẽ tại nhà thầy, cô hay đăng ký các khóa học ở Nhà Thiếu nhi Bình Thuận. Chị Nguyễn Minh Hiếu (phường Phú Trinh, TP. Phan Thiết) chia sẻ: Con trai 6 tuổi của chị hơi tăng động. Được sự tư vấn của bác sĩ, chị chọn môn học vẽ để rèn cho bé tập trung và sự khéo léo, tỉ mỉ. Rất mừng là bé yêu thích môn này, biết phối màu và kiên trì ngồi gần 1 giờ đồng hồ để hoàn chỉnh một bức tranh.
Ông Trần Anh Minh - Phó Giám đốc Nhà Thiếu nhi Bình Thuận cho biết: Mỗi khóa chiêu sinh, môn họa luôn chiếm ưu thế với trung bình từ 10 – 30 em/lớp, học từ cơ bản đến nâng cao. Nhằm tạo điều kiện cho các em giao lưu, phát huy tính sáng tạo và tình yêu với hội họa, tại Nhà Thiếu nhi tỉnh dịp tết hoặc hè, ngày lễ sẽ có các cuộc thi vẽ tranh, tô tranh. Đồng thời cứ 2 năm/lần, tổ chức cuộc thi “Nét cọ tuổi thơ”. Trong 15 lần tổ chức trước luôn duy trì số lượng khoảng 10.000 tranh tham gia. Riêng năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, số lượng tranh giảm chỉ còn 2.100 tranh, chia làm 3 bảng ở 3 độ tuổi khác nhau. Tuy nhiên không vì thế mà chất lượng tranh dự thi giảm. Các bức tranh lọt vào vòng chung kết đều đạt hài hòa về bố cục, màu sắc, sự hồn nhiên và thể hiện được suy nghĩ của trẻ thơ về những điều các em quan tâm. Đó là niềm yêu thích khi được đi tắm biển, được về quê, cảnh sinh hoạt gia đình, giờ lao động ở trường, tham gia giao thông an toàn, hoạt động bảo vệ môi trường, hay những vấn đề thời sự đang diễn ra như phòng chống dịch bệnh…
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, bộ môn mỹ thuật giúp trẻ phát triển cả 2 bán cầu não. Khi thực hành mỹ thuật, trẻ sẽ quan sát thế giới xung quanh, yêu thích màu sắc, nhạy cảm với các chuyển động, cao thấp, to nhỏ... Trẻ khi được tiếp xúc sớm với mỹ thuật sẽ có tư duy logic hơn, ngôn ngữ phát triển, khả năng lập luận, so sánh và trình bày khá thuyết phục. Đặc biệt đây là môi trường tốt để nuôi dưỡng tâm hồn, hoàn thiện tư duy sáng tạo và nhân cách con người.