'Đánh thức' văn học thiếu nhi: Tạo bầu không khí sáng tác sôi động
Tìm đọc tác phẩm văn học đoạt giải thưởng là nhu cầu của nhiều bạn đọc khi đứng trước quá nhiều đầu sách phong phú và đa dạng ngày nay.
Giải thưởng văn học như là một kim chỉ nam dẫn lối cho độc giả, đặc biệt là độc giả thiếu nhi, đến với những tác phẩm mới, tác phẩm có giá trị. Dưới đây là ý kiến của một số nhà văn, đơn vị xuất bản về ý nghĩa của các giải thưởng, các cuộc vận động sáng tác.
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh:
Giải thưởng là "cú hích" để nhà văn cầm bút
Với tư cách là người viết, tôi nghĩ càng có nhiều giải thưởng thì càng tốt. Hiện đã có một số giải thưởng của Hội Nhà văn, Giải sách hay, Giải Dế mèn. Năm 1983, tôi rất vui khi được giải khuyến khích trong một cuộc thi do NXB Kim Đồng tổ chức. Được giải thưởng với một người bắt đầu sáng tác là niềm sung sướng vô bờ. Đối với những nhà văn đã thành danh, các giải thưởng cũng tạo nên sự hứng thú. Không có giải thưởng thì nhà văn vẫn viết, vì niềm đam mê sáng tạo và lòng yêu nghề, nhưng giải thưởng là “cú hích” để nhà văn cầm bút.
Thời đại kỹ thuật số, phương tiện nghe nhìn ngày càng hấp dẫn, việc đọc sách bị ảnh hưởng thì những giải thưởng xuất hiện kịp thời, đúng lúc sẽ khích lệ, khơi dậy cảm xúc cho người viết cũng như người hưởng thụ thêm hứng thú, quan tâm. Tôi cho rằng, nhà văn viết cho thiếu nhi phải chấp nhận sự thách thức từ các phương tiện giải trí hấp dẫn trẻ em khác, và phải thích nghi để làm sao tạo ra các tác phẩm văn học hấp dẫn hơn cho trẻ em.
Nhà văn Lê Phương Liên:
Sự khích lệ của một hệ thống giải thưởng ý nghĩa
Hiện nay, văn học thiếu nhi nhận được sự quan tâm toàn diện của các cơ quan chức năng cũng như toàn xã hội. Điều đó có ý nghĩa cổ vũ rất lớn đối với phong trào viết cho trẻ em. Năm vừa qua, sách thiếu nhi có mặt ở tất cả các cấp độ giải của Giải thưởng Sách Quốc gia, từ giải cao nhất cho đến giải khuyến khích. Ngoài ra, không thể không nhắc đến Giải thưởng Dế mèn, Giải thưởng Văn học Kim Đồng, tuy mới tổ chức nhưng đã và đang thu hút sự tham gia của nhiều tác giả.
Có một giải thưởng nữa đáng chú ý, đó là Giải thưởng sáng tác truyện thiếu nhi "Đóa hoa đồng thoại". Đây là giải thưởng mang ý nghĩa quốc tế bởi có sự tài trợ từ phía Nhật Bản và sự tham gia chấm giải của các nhà văn, họa sĩ Nhật Bản. Ban đầu chỉ có 200 bài tham gia, đến nay Giải "Đóa hoa đồng thoại" thu hút hơn 1.000 bài tham gia.
Có thể nói, văn học thiếu nhi đang có sự phát triển là nhờ có sự khích lệ của một hệ thống giải thưởng ý nghĩa.
Nhà văn Trần Đức Tiến:
Tiềm năng sáng tác cho thiếu nhi còn rất lớn
Nhiều người vẫn đánh giá rằng văn học thiếu nhi Việt Nam còn yếu, số lượng tác giả ít, nhưng theo sự quan sát của tôi, khoảng chục năm trở lại đây, số lượng tác giả viết cho thiếu nhi không phải là ít, phải nói rằng nhiều hơn thời của chúng tôi và đàn anh chúng tôi. Không thiếu sách dành cho thiếu nhi, vấn đề là các em có đọc hay không mà thôi.
Theo tôi, tiềm năng sáng tác cho thiếu nhi còn rất lớn và những cuộc thi, những cuộc vận động được tổ chức chính là nhằm khai thác tiềm năng đó. Các giải thưởng, các cuộc vận động sáng tác tạo nên một sự kích thích rất lớn đối với những người viết cho thiếu nhi.
Nhà văn Lữ Mai:
Người viết cho thiếu nhi cần phải như hiệp sĩ
Với tác giả là người lớn, để viết cho thiếu nhi trước hết cần là những người bạn thực sự của thế giới tuổi thơ, cần chinh phục thiếu nhi bằng niềm đam mê trong sáng. Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh bền bỉ với đề tài thiếu nhi bởi hằng ngày ông đều trò chuyện, tương tác, vui chơi cùng trẻ nhỏ.
Nhà văn Trần Đức Tiến nhiều năm qua lặng lẽ chia sẻ, ủng hộ và giao lưu với thiếu nhi rất nhiều. Cả hai cây bút trên đều được tôn vinh ở giải Hiệp sĩ Dế Mèn của Giải thưởng văn học thiếu nhi Dế Mèn và ai cũng thấy họ xứng đáng. Hay như Tiến sĩ giáo dục - nhà thơ Nguyễn Thụy Anh, bên cạnh viết cho thiếu nhi, chị còn miệt mài phát triển Câu lạc bộ Đọc sách cùng con, các dự án dạy tiếng Việt cho trẻ em Việt Nam ở nước ngoài...
Những câu chuyện trên khiến tôi hình dung, người viết cho thiếu nhi cần phải như hiệp sĩ. Tức là dấn thân một cách trong sáng, hào hiệp và hăng say. Người viết cho thiếu nhi thì phải yêu, phải hiểu thiếu nhi. Nhưng điều tưởng đơn giản này lại không dễ thành hiện thực nếu không đủ tâm huyết để làm bạn với thiếu nhi.
Phó Giám đốc, Tổng Biên tập NXB Kim Đồng Vũ Thi Quỳnh Liên:
NXB Kim Đồng luôn đồng hành với các nhà văn, nhà thơ
Trong chặng đường hơn 67 năm phát triển, NXB Kim Đồng luôn nỗ lực đồng hành với các nhà văn, nhà thơ thông qua rất nhiều cuộc vận động sáng tác.
Từ trại sáng tác đầu tiên tại nơi sơ tán Yên Sở năm 1967 - 1968 đến những năm tháng khó khăn thời kỳ bao cấp, NXB đã tổ chức được 5 trại sáng tác và 4 cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi.
Giai đoạn 1988 - 1992 là những tháng năm “chạm đáy” của ngành xuất bản nói chung và của NXB Kim Đồng nói riêng, nhưng vẫn có 1 cuộc vận động sáng tác được tổ chức cùng với việc mở ra các lớp tập huấn sáng tác cho thiếu nhi, học hỏi kinh nghiệm làm sách của chuyên gia Nhật Bản, Thái Lan…
Giai đoạn 1992 - 2002, có 5 cuộc vận động liên tục được tổ chức, thu về hàng nghìn tác phẩm văn, thơ, kịch, truyện tranh cho nhà xuất bản. Giai đoạn 2005 - 2015, hàng loạt cuộc vận động sáng tác trong khuôn khổ Dự án Hỗ trợ văn học thiếu nhi Việt Nam - Đan Mạch do NXB Kim Đồng chủ trì đã được tổ chức.
Qua các cuộc vận động sáng tác của Kim Đồng, nhiều tác giả mới được phát hiện và dần định hình được tên tuổi trong đời sống văn học hôm nay.