Đánh thức yêu thương
Mất 30 giây để nhìn vào mắt một người và hỏi: bạn có ổn không? Nhưng có người phải mất 30 phút, 30 giờ, 30 tháng, có khi mất 30 năm hoặc cả đời để có thể học cách nhìn vào mắt nhau và hỏi với tất cả thương yêu thuần thành câu hỏi nghe chừng đơn giản: Bạn có ổn không?
Đừng tưởng càng gần nhau về khoảng cách vật lý thì ta càng có thể dễ dàng hỏi han, thăm viếng, bày tỏ. Đôi khi, sống chung một mái nhà, chúng ta lại còn biết quá ít về nhau hơn cả người cách nhau một cái màn hình. Không tin, bạn hãy thử ngưng một phút và nghĩ xem rồi tự trả lời thành thật với mình: Lần gần nhất bạn nhìn sâu vào gương mặt người mình thương là bao giờ và bao lâu?
Thống kê của Viện Sức khỏe tâm thần - Bệnh viện Bạch Mai năm 2021 cho thấy tại Việt Nam, hiện có khoảng 30% dân số có rối loạn tâm thần, trong đó tỷ lệ trầm cảm chiếm 25%. Mỗi năm, số người tự sát do trầm cảm ở nước ta từ 36.000 - 40.000 người (theo báo Lao Động). Theo WHO, có tới hơn 100 triệu người bị rối loạn sức khỏe tâm thần ở khu vực Tây Thái Bình Dương.
Trên bình diện thế giới thì có khoảng 1 tỷ người có vấn đề về sức khỏe tâm thần (trong đó người trầm cảm chiếm khoảng 300 triệu). Và nếu là người không giỏi hình dung thì… hiện tại cứ 7 người trên thế giới lại có 1 người bị rối loạn tâm thần. Dự đoán trong tương lai gần, năm 2030, trầm cảm chính thức trở thành căn bệnh của thế kỷ và tiêu tốn ngân sách thế giới chừng 6.000 tỷ USD, nếu tài chính là vấn đề bạn đang quan tâm nhất hiện nay.
Điều gì đang làm con người chìm sâu trong âu lo, cô độc, đau khổ đến… vậy? Tự bao giờ ta không còn yêu thương, không còn háo hức, hăm hở, không còn tha thiết với đời sống đến vậy? Từ lúc nào ta đã lạc lối? Từ lúc nào ta đã từ chối yêu thương, từ chối chia sẻ? Có lúc lúc nào ta ngồi nhìn mình và hỏi: ta đã làm chi đời ta và… cả đời người khác nữa. Ta đâu có sống một thân một mình trong cuộc sống này!
Lẽ nào ta chỉ đến đây, trầm cảm rồi… chết? Lẽ nào ta sử dụng thân người hiếm quý chỉ để chất chồng đầy rẫy tiêu cực và khổ đau thôi sao? Lừa có ưa nặng, có ưa chồng chất, ít ra chúng cũng lựa chọn chất hàng, có thể làm lợi lạc cho chúng sinh (dù có trong thân tướng con lừa xuẩn ngốc đi nữa). Vậy tại sao “người thông minh” lại toàn “gặm nhấm” những tiêu cực độc hại?
Con người xét cho cùng vẫn là giống loài cần giao tiếp xã hội. Ta cần ai đó quan tâm, chăm sóc, hỏi han, sẻ chia, đồng cảm, giúp đỡ… Và rồi không biết bằng cách nào mà bạn đường của ta rơi rụng, chỉ còn hai tên: vô minh và phiền não. Đừng để đến lúc nhận ra quanh mình chỉ còn mỗi hai người bạn thiết thân này, ta mới bắt đầu hoảng sợ (có khi mãi vẫn không nhận thấy hoặc nhận ra nhưng không dám đối diện với sự thật này).
Cũng đừng đợi đến một lúc nào thuận tiện, có thể ngày hôm nay, trong bữa ăn tối này, hãy thử hỏi người ngồi chung với mình: bạn có ổn không? Bạn có hạnh phúc không? Bạn cảm nhận cuộc sống như thế nào? Bạn có hài lòng không? Tại sao không hài lòng? Có cách nào để chúng ta được hạnh phúc không?
Nhắc ai đó dừng lại một chút, một chút thôi, để cảm nhận mình đang sống cuộc đời như thế nào cũng là một cách yêu thương. Nếu không, thời gian sẽ cứ trôi đi, trôi mãi. Và ta sẽ chỉ là kẻ “sống qua ngày đoạn tháng”, rồi thôi!
Tôi nhớ khi biết học trò mình làm công việc liên quan đến viết lách, thầy tôi dạy: hãy viết về hạnh phúc, mỗi ngày một chút. Hãy viết về cách Đức Phật đã dạy thế nào để không còn đau khổ. Đức Liên Hoa Sanh đã dạy như thế nào để hạnh phúc. Quán Thế Âm, Tara… các ngài đã dạy như thế nào để chúng ta được hạnh phúc.
Nói về thầy, học trò hay đùa: cứ cho thầy một điểm xuất phát, bằng cách này hay cách khác thầy sẽ dẫn đi đến Bồ-đề tâm. Bồ-đề tâm nói một cách giản dị nhất chính là tình yêu thương, tất nhiên là yêu thương không dính mắc. Yêu thương không sợ hãi mất mát, yêu thương không nghi ngờ, yêu thương không sở hữu, yêu thương bằng tự do và trí tuệ. Thiền sư U Tejaniya trong một bài giảng của mình cũng từng nói rất giản dị: Chỉ có yêu thương thôi thì sẽ chỉ có hạnh phúc.
Quả vậy, không thể hy vọng một ngày kia mọi khổ đau mất mát bỗng dưng ngừng bặt. Cuộc sống là một chuỗi những vấn đề liên tục nảy sinh. Và phiền não cứ như dòng xoáy cuốn mọi điều, mọi loài xoay vòng và chìm xuống! Thầy tôi cũng dạy, tình yêu thương vừa là tấm khiên vừa là vũ khí duy nhất để đối trị với phiền não và khổ đau.
Tôi thích nghĩ yêu thương giống như một chiếc áo hơn, ta có thể mặc nó và đương đầu với nỗi khổ của ta và cả nỗi khổ của người mà không cần phải đấu tranh, từ bỏ hay bạo động! Chỉ cần nhận biết và nuôi dưỡng yêu thương đang chảy trong mình!
Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn/danh-thuc-yeu-thuong-post63603.html