Đánh thuế thu nhập tiền lãi tiết kiệm: Tiền sẽ rút khỏi ngân hàng
Đánh thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đối với lãi tiền gửi tiết kiệm thì tiền sẽ rút khỏi ngân hàng, trong khi khoản tiền gốc gửi tiết kiệm thường là khoản còn lại sau khi đã chịu thuế.
Góp ý về dự thảo đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế) của Bộ Tài chính mới đây, UBND TP Cần Thơ đề xuất mở rộng diện đánh thuế TNCN với khoản lãi tiền tiết kiệm, chỉ miễn thuế TNCN với các khoản tiền gửi tiết kiệm nhỏ.
Theo quy định hiện hành, tiền gửi tiết kiệm chỉ bị đánh thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khách hàng gửi tiền là doanh nghiệp. Cá nhân có các khoản lãi tiền gửi đang được miễn thuế.
Bình luận về đề xuất thu thuế TNCN với lãi tiền gửi, chuyên gia tài chính, PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh cho biết, từ hơn 10 năm trước đã có một số ý kiến đề xuất đánh thuế TNCN với các khoản lãi tiết kiệm của cá nhân. Tuy nhiên, đề xuất này sau đó bị bác bỏ. Cá nhân ông bày tỏ sự ngạc nhiên khi một lần nữa đề xuất này gần đây được xới lại.
“Năm 2011 cũng đã có một số ý kiến đề xuất đánh thuế đối với tiền gửi tiết kiệm của các cá nhân tại ngân hàng. Chúng tôi cũng đã có phản hồi thực tế việc này là chưa cần thiết và cũng không thúc đẩy được tăng trưởng kinh tế”, PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh nói.
Theo chuyên gia, có nhiều lý do không nên đánh thuế TNCN từ tiền lãi do ngân hàng trả cho người gửi tiền. Thứ nhất, lãi suất tiền gửi ngân hàng đang rất thấp. Nếu gửi tiết kiệm 100 triệu đồng vào ngân hàng, mỗi năm người gửi sẽ nhận được khoảng 6 triệu đồng tiền lãi. Với mức lãi suất như vậy, nguồn thu thuế từ lãi tiền gửi không quá lớn.
Thứ hai, để có được 100 triệu đồng gửi ngân hàng, người dân đã phải hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ thuế với Nhà nước. Với số tiền tích lũy được để gửi vào ngân hàng như hiện nay, nếu tính đến yếu tố lạm phát, số tiền lãi nhận được của người gửi thực chất không còn được bao nhiêu.
“Việc người dân gửi tiền là yếu tố quan trọng giúp các ngân hàng huy động nguồn lực để cho vay đối với nền kinh tế. Nếu người dân không gửi tiền thì ngân hàng lấy đâu ra tiền để cho vay? Rõ ràng việc đánh thuế tiền gửi của người dân là không “bõ” và cũng không đáng”, ông Thịnh nói.

UBND TP Cần Thơ vừa đề xuất đánh thuế thu nhập người gửi tiền. Ảnh minh họa: Hoàng Hà
Chia sẻ với VietNamNet, chuyên viên khách hàng cá nhân tại một ngân hàng thương mại cổ phần cho rằng, về bản chất tiền gửi tiết kiệm chính là số tiền còn lại của người dân sau khi đã chịu thuế. Nếu tiếp tục đánh thuế lãi tiền gửi có nghĩa là đánh thuế hai lần, điều này là bất hợp lý.
"Chắc chắn là không một người gửi tiền nào đồng tình với đề xuất này. Thực tế người dân và doanh nghiệp, ai cũng phải đóng thuế. Việc UBND TP. Cần Thơ đề xuất đánh thuế đối với lãi tiền gửi quy mô lớn, nhưng câu chuyện ở đây không phải là lớn hay nhỏ, bởi không ai có thể đi đong đếm xem số tiền đang gửi tiết kiệm đã được quay vòng lần thứ hai hay lần thứ ba từ số tiền lãi trước đó”.
Chuyên viên ngân hàng này lo ngại nếu đánh thuế lãi suất tiết kiệm, người gửi tiền vào ngân hàng sẽ suy giảm. Tiền tiết kiệm từ ngân hàng sẽ được người dân rút ra để đầu tư vào các kênh đầu tư khác như vàng, bất động sản, những sản phẩm mang tính đầu cơ cao. Như vậy, sẽ tác động rất xấu đến mục tiêu kiểm soát lạm phát, chống đô la hóa nền kinh tế, cũng như mục tiêu về một nền kinh tế không dùng tiền mặt.
Chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực chia sẻ trên báo Người Lao động, cho rằng, tiền gửi tiết kiệm là nguồn thu nhập quan trọng của người dân, đa số ở mức trung bình và thấp. Nếu áp dụng thuế này có thể gây ra tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Bởi lẽ, lãi tiền gửi tiết kiệm nếu bị đánh thuế có thể khiến lượng tiền gửi vào ngân hàng giảm. Khi đó, lãi suất cho vay có thể sẽ bị đẩy lên, tác động tới doanh nghiệp.
Tuy nhiên, chia sẻ với VietNamNet, một lãnh đạo Ngân hàng TMCP lại tỏ ra đồng tình với đề xuất của UBND TP.Cần Thơ. Vị này chia sẻ quan điểm nên thu thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập lãi tiết kiệm gửi ngân hàng. Lý do là trên thế giới có nhiều quốc gia đã thực hiện việc đánh thuế này.
Theo số liệu thống kê mới nhất vừa được NHNN công bố, tính đến tháng 11/2024, tổng tiền gửi của dân cư tại các ngân hàng đã chính thức vượt 7 triệu tỷ đồng, mức cao nhất từ trước đến nay. Tính tới tháng 11/2024, tiền gửi dân cư tăng 7,16%, tương đương tăng 467.549 tỷ đồng so với cuối năm 2023.
Riêng trong tháng 11/2024, có thêm 22.136 tỷ đồng được người dân gửi vào hệ thống ngân hàng.
Tổng lượng tiền gửi của doanh nghiệp và tổ chức kinh tế tính tới cuối tháng 11/2024 đạt 7,26 triệu tỷ đồng, tăng 6,26% so với cuối năm 2023.
Theo số liệu từ NHNN, lãi suất tiền gửi bằng VND bình quân của NHTM trong nước ở mức 0,1- 0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 2,9- 3,8%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 4,4-5,0%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng; 5,2-6,0%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ trên 12 tháng đến 24 tháng và 6,9-7,2%/năm đối với kỳ hạn trên 24 tháng.
Điều 3 Luật Thuế TNCN, có 10 loại thu nhập đang thuộc diện thu nhập chịu thuế, gồm: (1) Thu nhập từ kinh doanh; (2) Thu nhập từ tiền lương, tiền công; (3) Thu nhập từ đầu tư vốn; (4) Thu nhập từ chuyển nhượng vốn; (5) Thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản; (6) Thu nhập từ trúng thưởng; (7) Thu nhập từ bản quyền; (8) Thu nhập từ nhượng quyền thương mại; (9) Thu nhập từ nhận thừa kế; (10) Thu nhập từ quà tặng.