Danh tính các đối tượng vụ giết mổ, tiêu thụ lợn bệnh, lợn chết tại Hà Nội
Liên quan vụ đường dây thu mua, giết mổ lợn chết, lợn bệnh 20 nghìn đồng/kg rồi bán ra thị trường Hà Nội, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết cơ quan chức năng đã khởi tố 3 vụ án, bắt giữ 4 người liên quan.
Theo đó, ngày 2-3/7, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT), Công an thành phố Hà Nội đã ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp, lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp và quyết định tạm giữ hình sự 4 đối tượng: Lê Văn Tươi và Đặng Văn Huy, Nguyễn Viết Chiếm, Dư Đình Hợi.
Bên cạnh đó, Cơ quan CSĐT, CATP Hà Nội đã chủ động phối hợp chặt chẽ với Phòng 3 – Viện kiểm sát nhân dân TP Hà Nội trong quá trình thu thập, kiểm tra, đánh giá toàn diện các tài liệu, chứng cứ có liên quan.
Ngày 8/7, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã ra Quyết định khởi tố 3 vụ án hình sự về tội “Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm. Cụ thể:
Vụ án 1: Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, xảy ra tại xã Thường Tín và chợ đầu mối Tân Mai, Hà Nội, với 3 đối tượng Lê Văn Tươi (SN 1994) và Nguyễn Thị Thư (SN 1998, cùng trú tại xã Thường Tín, Hà Nội); Đặng Văn Huy (trú tại phường Tùng Thiện, Hà Nội).
Vụ án 2: Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, xảy ra tại chợ Phùng Khoang, phường Đại Mỗ, Hà Nội. Hiện đang tạm giữ hình sự và tiến hành thủ tục khởi tố bị can đối với Dư Đình Hợi (SN 1983, trú tại xã Hòa Xá, Hà Nội).
Vụ án 3: Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, xảy ra tại chợ Phùng Khoang, phường Đại Mỗ. Hiện đang tạm giữ hình sự và tiến hành thủ tục khởi tố bị can đối với Nguyễn Viết Chiếm (SN 1987, trú tại xã Hòa Xá, Hà Nội).

Lực lượng chức năng làm việc với đối tượng trong vụ án. Ảnh: Công an TP Hà Nội
Như VietNamNet đã đưa tin, Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an TP Hà Nội đã tổ chức lực lượng trinh sát, phát hiện dấu hiệu nghi vấn về hoạt động giết mổ, tiêu thụ thịt lợn nhiễm bệnh tại thôn Đan Nhiễm, xã Khánh Hà, huyện Thường Tín (cũ); thôn Dư Xá, thôn Đặng Giang, xã Hòa Xá, Hà Nội và tại chợ Phùng Khoang, phường Đại Mỗ.
Các lò mổ chỉ hoạt động vào ban đêm (từ 0h30-3h), quy trình tổ chức khép kín, đối tượng cảnh giới chặt chẽ; đối với việc kinh doanh thịt lợn tại chợ Phùng Khoang, để tránh các lực lượng chức năng và người tiêu dùng phát hiện, các đối tượng không vận chuyển lợn ra kiốt chợ bằng đường chính mà thường xuyên vận chuyển bằng đường thôn, lối nhỏ, sau khi mang được lợn ra chợ, để lẫn thành phẩm lợn chết với lợn tươi sống khác trên bàn.
Tại cơ sở giết mổ do Lê Văn Tươi và Nguyễn Thị Thư làm chủ, lực lượng chức năng ghi nhận 45 con lợn sống có biểu hiện nhiễm bệnh, 1.050kg thịt lợn nguyên con đã giết mổ, 450kg nội tạng. Tổng số hàng hóa vi phạm bị phát hiện, thu giữ là 4.300kg.
Tại chợ đầu mối Tân Mai: Phát hiện thu giữ tại 3 kiốt đã mua 351,9kg thịt lợn bệnh của Tươi, Thư bày bán cho người tiêu dùng.
Tại kiốt của các đối tượng tại chợ Phùng Khoang phát hiện 977kg hàng hóa vi phạm bị phát hiện, thu giữ. Toàn bộ số thịt này đều không có giấy tờ kiểm dịch, không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.
Các đối tượng khai nhận từ năm 2023 bắt đầu mua gom lợn ốm yếu từ các đầu nậu, trong đó có Đặng Văn Huy – người thu mua lợn bệnh tại huyện Ba Vì (cũ), Sơn Tây (cũ), Hà Nội; tỉnh Vĩnh Phúc (cũ),… rồi tổ chức giết mổ tại khuôn viên nhà ở.
Trung bình mỗi ngày giết mổ hơn 50 con lợn, sau đó bán ra thị trường với giá khoảng 60.000 đồng/kg thịt. Cơ sở hoàn toàn không có giấy phép giết mổ, không thuộc hệ thống giết mổ được cấp phép của thành phố.
Đáng chú ý, các tiểu thương đến trực tiếp lò mổ của Tươi, Thư để chọn lợn; sau giết mổ, thịt được bán ngay cho các quầy tại các chợ đầu mối như chợ đầu mối Phía Nam, chợ Minh Khai,… Ngoài ra, nhiều sản phẩm đã được tiêu thụ vào các nhà hàng, quán ăn trên địa bàn Hà Nội.
Với thủ đoạn thu mua lợn bệnh giá rẻ từ 35-40 nghìn đồng/kg hơi, sau đó giết mổ bán ra từ 55-60 nghìn đồng/kg, các đối tượng thu lợi bất chính hàng tháng khoảng 70–80 triệu đồng.
Còn tại chợ Phùng Khoang, các đối tượng khai nhận mua lợn chết của các đối tượng tại khu vực huyện Ứng Hòa (cũ), huyện Mỹ Đức (cũ), TP Hà Nội hoặc tỉnh Hòa Bình (cũ) với giá khoảng 20 đồng/kg rồi mang về tập kết tại nhà riêng.
Các đối tượng tiến hành mổ phanh và sử dụng ô tô tải vận chuyển lợn ra khu vực kiốt tại chợ Phùng Khoang để tiêu thụ. Tại kiốt của các đối tượng tiến hành sơ chế lợn đã mổ thành từng bộ phận riêng (đầu, vai, đùi, bụng...) rồi trực tiếp bán cho khách hàng, trong đó chủ yếu bán cho những người có kiốt bán thịt lợn khác tại chợ Phùng Khoang với giá 40 nghìn đồng/kg, sau đó lại tiếp tục được bán với giá 50-70 nghìn đồng/kg cho khách hàng cá nhân và các cửa hàng ăn, quán cơm bình dân, cơm văn phòng trên địa bàn Hà Nội.
Kết quả xét nghiệm cho thấy các mẫu thịt và nội tạng dương tính với virus dịch tả lợn Châu Phi (ASF) – một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, sản phẩm từ lợn mắc bệnh không được phép sử dụng làm thực phẩm và buộc phải tiêu hủy theo quy định pháp luật.