Vụ lợn dịch làm nóng phiên chất vấn HĐND TP Hà Nội
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội, trong 40% lượng thịt nhập từ các địa phương về Hà Nội, vẫn còn tình trạng hàng trôi nổi không rõ nguồn gốc, nhập lậu từ các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ.
Còn tình trạng thực phẩm trôi nổi không rõ nguồn gốc
Tại phiên chất vấn ngày 9/7, các đại biểu HĐND TP nhắc tới việc mới đây, Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an TP Hà Nội vừa triệt phá thành công đường dây chuyên mua bán, giết mổ và tiêu thụ thịt lợn nhiễm virus dịch tả lợn châu Phi (ASF) tại nhiều địa điểm trên địa bàn TP. Các đại biểu cho biết, cử tri rất hoan nghênh và mong muốn Công an TP tiếp tục xử lý nghiêm hành vi mất ATTP, đảm bảo sức khỏe cho nhân dân.
Theo đại biểu Trần Khánh Dư, việc tổng trọng lượng thịt gia súc, gia cầm được kiểm soát cung cấp ra thị trường là 550 tấn/ngày, tương đương 60% nhu cầu thịt tiêu thụ của thị trường Hà Nội được kiểm soát. Vậy 40% nhu cầu thịt tiêu thụ còn lại của người dân có nguồn gốc như thế nào?
Về vấn đề này, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Xuân Đại trả lời, Hà Nội là địa bàn tiêu thụ thịt rất lớn với số lượng hàng trăm ngàn tấn/năm. Hà Nội có số lượng chăn nuôi nhỏ lẻ lớn với 126 ngàn hộ, đồng thời trong đó nội địa TP cung ứng được 60% còn lại là nhập từ các địa phương khác tại khoảng 43 tỉnh thành. Ông Đại nhấn mạnh không phải chỉ riêng 60% nhu cầu thịt được kiểm soát, mà thực phẩm vào TP luôn có quy định rõ ràng.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội Nguyễn Xuân Đại trả lời chất vấn.
Ông Nguyễn Xuân Đại cho rằng, điều đó không có nghĩa 40% sản lượng này không được kiểm soát. Trên thực tế, TP đã ký liên danh liên kết với 43 tỉnh, TP (trước khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh), trong đó có 27 tỉnh, TP thường xuyên cung cấp nhu yếu phẩm cho Hà Nội.
Tuy nhiên, ông Đại thừa nhận vẫn có trạng thái hàng hóa trôi nổi, nhập lậu hoặc sai phạm từ các cơ sở nhỏ lẻ. Về các biện pháp cụ thể, năm 2025, Sở đang xây dựng các nội dung về phát triển nông nghiệp, đồng thời có thêm cơ chế phạt nặng, nghiêm minh với các trường hợp sai phạm và tăng cường công tác kiểm tra xử lý vi phạm.
Tiếp theo, đại biểu Hoàng Thị Tú Anh nêu vấn đề, theo Quyết định số 761/QĐ-UBND ngày 17/2/2020 của UBND TP Hà Nội về phê duyệt mạng lưới cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn TP, đến nay có 3/8 cơ sở giết mổ tập trung được phê duyệt và đi vào hoạt động, đạt 40% công suất thiết kế. Bên cạnh đó, đại biểu cho biết, vẫn còn hơn 700 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ tồn tại trong khu dân cư chưa được kiểm soát.
“Vì sao các cơ sở giết mổ tập trung kém hiệu quả như vậy và kết quả, hiệu quả thực hiện các chính sách đầu tư của thành phố đối với lĩnh vực này ra sao? Sở Nông nghiệp và Môi trường đã tham mưu gì cho thành phố trong việc đẩy nhanh tiến độ các cơ sở giết mổ còn lại và nâng cao công suất của các cơ sở hiện có; giải pháp nào để xử lý dứt điểm các cơ sở giết mổ tự phát hiện nay để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm”, đại biểu Hoàng Thị Tú Anh nêu.
Ông Nguyễn Xuân Đại cho biết thêm, theo kế hoạch phê duyệt Hà Nội có 29 cơ sở giết mổ tập trung, trong đó có 8 cơ sở giết mổ công nghiệp. Hiện nay, còn có những khó khăn liên quan đến giá tiền thuê đất, giải phóng mặt bằng rất lớn, khoảng cách đảm bảo cự ly, vị trí để đặt các điểm giết mổ còn gặp khó khăn. Sở đang báo cáo nội dung chính sách hỗ trợ nông nghiệp nông thôn, xây dựng chế tài để xử lý nghiêm các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ.
Cơ sở giết mổ tập trung khó cạnh tranh với cơ sở giết mổ nhỏ lẻ
Làm rõ hơn vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, các cơ sở giết mổ tập trung đang gặp khó khăn trong việc thu hút các đơn vị tham gia bởi giá chi phí đầu tư, vận hành không thể cạnh tranh với các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ. UBND TP đã giao Sở Nông nghiệp và Môi trường sắp tới sẽ trình HĐND TP xem xét đề xuất cơ chế đủ mạnh để thu hút các cơ sở giết mổ vào vùng tập trung. Từ đó, dần thu hẹp các cơ sở nhỏ lẻ. Trong lúc đó, TP sẽ tăng cường kiểm tra, hướng dẫn không để xảy ra mất an toàn thực phẩm.
Ông Quyền cũng cho rằng, an toàn thực phẩm là vấn đề rộng và khó, đòi hỏi cả hệ thống chính trị và người dân cùng vào cuộc. Với quy mô dân số của TP hơn 10 triệu dân, đây là một thách thức trong quá trình tổ chức, triển khai thực hiện.

Đường dây mua bán, giết mổ và tiêu thụ lợn bị bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn Hà Nội vừa bị lực lượng Công an triệt phá.
Liên quan đến quản lý nhà nước về ATTP, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, hiện tại 3 ngành Nông nghiệp – Công Thương – Y tế đang thực hiện khâu này: "Tới đây dưới sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu các mô hình quản lý liên quan đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, vì Thủ đô có dân số rất lớn và có rất nhiều nguồn thực phẩm trong nội tại TP và từ các tỉnh khác và nhập khẩu nước ngoài về. Phải có cơ quan đủ mạnh để kiểm soát vấn đề này thì công tác an toàn vệ sinh thực phẩm ở Thủ đô mới tốt lên được”, ông Quyền nhấn mạnh.
Cũng liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho rằng, có hai việc rất khó. Đối với cơ chế chính sách, UBND TP phải khẩn trương thực hiện sớm. Đây là vấn đề cử tri, nhân dân rất quan tâm. Thành ủy và HĐND TP luôn sẵn sàng, UBND TP trình sang thì tập trung nghiên cứu để giải quyết.