Dành trọn tâm huyết cho Rowing Quảng Trị

Hơn 10 năm qua, HLV Phạm Thị Huyền (sinh năm 1985), ở Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh luôn dành trọn tâm huyết và tinh thần cống hiến để Rowing và Canoeing Quảng Trị không ngừng phát triển. Đây là môn thể thao thế mạnh, mũi nhọn của tỉnh, từng bước khẳng định vị thế top đầu trên toàn quốc. Đội tuyển Rowing và Canoeing Quảng Trị có nhiều vận động viên (VĐV) khoác áo Đội tuyển Rowing Việt Nam giành thành tích ấn tượng trên đấu trường quốc tế...

Nữ huấn luyện viên Rowing Quảng Trị đầu tiên

Phạm Thị Huyền quê ở thôn Trung Thị, xã Sơn Ninh, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Những năm tháng thi đấu cho đội tuyển Rowing Hà Tĩnh, chị gặt hái nhiều thành tích ấn tượng trên đấu trường quốc gia, trong đó nổi bật nhất là giành 1 HCV tại Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2006. Sau đó, chị quyết định theo học Trường Đại học TDTT Đà Nẵng để có thể phát triển toàn diện hơn trong sự nghiệp thể thao, nhất là thực hiện ước mơ trở thành một HLV giỏi, đào tạo nên nhiều VĐV Rowing xuất sắc cho thể thao Việt Nam.

HLV Phạm Thị Huyền luôn nghiên cứu đổi mới phương pháp huấn luyện nhằm đem đến những bài tập hiệu quả nhất cho các VĐV -Ảnh: M.Đ

Sau khi tốt nghiệp đại học vào năm 2010, chị Huyền làm công tác huấn luyện thể thao tại TP.Đà Nẵng. “Nghe tin Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh Quảng Trị tuyển chọn HLV môn Rowing và Canoeing vào năm 2011, tôi đã nộp đơn và may mắn được chấp nhận. Dẫu còn nhiều khó khăn trong buổi đầu thành lập nhưng tôi tin mình sẽ cùng với các HLV, VĐV đưa Rowing Quảng Trị phát triển mạnh mẽ, khẳng định tên tuổi trên nền thể thao quốc gia”, HLV Phạm Thị Huyền kể lại.

Những ngày đầu trên mảnh đất Quảng Trị, chị Huyền gặp nhiều khó khăn cả trong cuộc sống lẫn công việc. Được sự quan tâm của lãnh đạo ngành TDTT tỉnh cùng các đồng nghiệp, dần dần nữ HLV trẻ cảm thấy “đất lạ hóa quê hương”.

Từ đó, chị dốc hết tâm sức vào xây dựng và phát triển môn Rowing và Canoeing. Xác định rõ để xây dựng bộ môn Rowing và Canoeing phát triển, yếu tố quan trọng nhất chính là lực lượng VĐV nên chị luôn cố gắng xây dựng đội ngũ VĐV hùng hậu, giỏi và đảm bảo tính kế thừa.

Để làm được điều đó, chị không ngại vất vả trực tiếp đi đến nhiều vùng miền xa xôi tìm kiếm nữ sinh có năng khiếu và niềm đam mê thể thao. Khi gặp gỡ được những nữ sinh có tố chất thể thao, chị tiếp tục thuyết phục các bậc phụ huynh đồng ý cho con em tham gia thi tuyển VĐV năng khiếu của tỉnh.

Chị Huyền cho biết, điều khó khăn nhất lúc bấy giờ là tạo dựng niềm tin cho các nữ sinh và phụ huynh. Bởi khi ấy nhắc đến bộ môn Rowing và Canoeing, nhiều người không biết đến và chưa tin tưởng để gửi gắm con em mình. Mặt khác, chị Huyền là người ngoại tỉnh nên gặp không ít khó khăn khi trực tiếp đi cơ sở tuyển chọn VĐV. Tuy nhiên, với sự quyết tâm cao, chị tin mình sẽ tìm ra được những “viên ngọc thô” ưng ý.

Là bộ môn mới được thành lập nên chị cùng ban huấn luyện liên tục tổ chức đánh giá, đúc rút kinh nghiệm, khắc phục hạn chế, phát huy điểm mạnh để đưa Rowing Quảng Trị từng bước định hình và phát triển. Chị Huyền cho biết: “Vốn xuất thân là một VĐV nên tôi hiểu rõ những giai đoạn khó khăn nhất đối với nữ VĐV, nhất là việc tập luyện ngồi được trên thuyền thăng bằng, không bị rơi xuống nước, phải mất chừng 3 tháng trời.

Sau khi các em đáp ứng được yêu cầu đề ra, chúng tôi sẽ chuyển qua công việc truyền đạt kiến thức về môn đua thuyền Rowing và Canoeing; đồng thời luôn theo sát, hỗ trợ, động viên các em vững vàng tâm lý, tự tin vượt qua các bài tập từ cơ bản đến nâng cao; trang bị tốt bản lĩnh tự tin và khát vọng chiến thắng trong thi đấu”. Một trở ngại lớn đối với bộ môn Rowing Quảng Trị là thiếu thuyền đua.

Để khắc phục tạm thời điều này, chị Huyền cùng ban huấn luyện bàn bạc ra Hà Nội mượn thuyền cũ về tập luyện, rồi từng bước đề xuất tỉnh quan tâm đầu tư. Về địa điểm tập luyện, chị cũng đi khắp nơi để lựa chọn môi trường nước an toàn, thuận lợi cho các VĐV luyện tập.

Từ những địa điểm như Hồ Trung Chỉ (TP. Đông Hà), sông Thạch Hãn…, qua bàn tay đào tạo của chị Huyền, đã có nhiều VĐV giỏi tự tin vươn ra “biển lớn”, mang về thành tích ấn tượng cho thể thao thành tích cao Quảng Trị.

Những dấu son trên bảng vàng thành tích

Bộ môn Rowing và Canoeing chủ yếu đào tạo VĐV nữ, nên dấu ấn của nữ HLV Phạm Thị Huyền càng thể hiện rõ nét. Chị không những làm tốt vai trò của người thầy mà còn như người mẹ hiền chăm lo chu toàn cho các nữ VĐV. Chị luôn thấu hiểu, sâu sát, động viên và chia sẻ cùng các VĐV nữ. Không phụ niềm tin và sự kỳ vọng mà chị dành cho, các nữ VĐV cũng hết mực tin tưởng và nỗ lực không ngừng. Hơn 10 năm qua, HLV Phạm Thị Huyền đã có nhiều đóng góp tích cực vào việc nâng tầm Rowing Quảng Trị.

Hành trình ấy bắt đầu từ năm 2012, Đua thuyền Rowing và Canoeing Quảng Trị chính thức tham gia tranh tài tại Giải vô địch trẻ Rowing và Canoeing toàn quốc năm 2012, giành được 2HCĐ. Lần đầu tiên xuất hiện trên bản đồ Rowing Việt Nam, đội tuyển Rowing Quảng Trị đã được đánh giá cao.

Còn với chị Huyền, đây là niềm vui lớn, bởi chị đã thu hoạch được những quả ngọt đầu tiên. Qua giải đấu này, Rowing Quảng Trị càng vững tin hơn khi nhìn lại quá trình đào tạo, huấn luyện và giữ vững khát vọng đạt những dấu son ấn tượng trên “đường đua xanh” quốc gia.

Đội tuyển Rowing Quảng Trị nhiều năm liên tiếp xếp vị trí thứ 3 toàn quốc -Ảnh: M.Đ

Từ chỗ ra đời khá muộn, gặp nhiều khó khăn nhưng với tâm huyết xây dựng và phát triển Rowing và Canoeing Quảng Trị của HLV Phạm Thị Huyền, HLV Phan Đình Biên, bộ môn này ngày càng phát triển, trở thành môn thể thao thế mạnh, mũi nhọn của tỉnh, đủ khả năng tranh chấp và mang về những tấm huy chương quý giá cho thể thao Quảng Trị.

Từ năm 2012 - 2014, đội tuyển Rowing Quảng Trị dần có nhiều chuyển biến tích cực về thành tích trên đấu trường quốc gia. Đặc biệt, cột mốc đáng nhớ nhất là năm 2015, Quảng Trị đoạt 1 HCV, 1 HCB, 1 HCĐ tại Giải đua thuyền Rowing và Canoeing vô địch các CLB toàn quốc năm 2015; 2 HCV, 1 HCB tại Giải Rowing máy vô địch quốc gia.

Từ năm 2015 đến nay, bộ môn Rowing và Canoeing Quảng Trị khẳng định vị thế hàng đầu ở các giải đấu quốc gia, trong đó có nhiều năm liền giành vị trí thứ 3 trên toàn quốc. Nhiều VĐV do HLV Phạm Thị Huyền đào tạo như Hồ Thị Lý, Lê Thị Hiền, Trương Thị Thảo Nguyên, Trần Thị Thu Hằng, Hà Ngọc Linh Nhi, Nguyễn Thị Thu Hiền… khoác áo các đội tuyển trẻ, đội tuyển quốc gia Việt Nam, giành được nhiều huy chương trên đấu trường thể thao quốc tế. Nổi bật và ấn tượng nhất chính là 2 VĐV Hồ Thị Lý và Lê Thị Hiền đoạt 1 HCV, 1 HCB tại ASIAD 2018.

Minh Đức

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/the-thao-trong-nuoc/danh-tron-tam-huyet-cho-rowing-quang-tri/175746.htm