Danh tướng dũng cảm Nguyễn Công Quang và di tích đình Ô Mễ

Đình Ô Mễ tọa lạc tại trung tâm thôn, mặt tiền quay về hướng tây bắc trên một khu đất cao, thoáng. Đây là nơi thờ danh tướng Nguyễn Công Quang, hiệu Từ Quang Đại vương có công đánh giặc Lương.

Đình Ô Mễ ngày nay

Đình Ô Mễ ngày nay

Ô Mễ (tên nôm là làng Mũ) là một thôn của xã Hưng Đạo (Tứ Kỳ). Ở đầu thế kỷ XIX, Ô Mễ là một xã thuộc tổng Mỹ Xá, huyện Tứ Kỳ, phủ Ninh Giang, trấn Hải Dương. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, xã Ô Mễ chuyển thành thôn, sáp nhập cùng các thôn Lạc Dục, Xuân Nẻo thành xã Hưng Đạo. Từ xa xưa, vùng đất này có khá nhiều di tích lịch sử, văn hóa, trải qua thời gian, chiến tranh, phần lớn các công trình không còn lưu giữ được. Ngày nay, nhân dân địa phương đã khôi phục, tôn tạo lại nhiều di tích có giá trị làm nơi thờ Thành hoàng và sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng, trong đó có đình Ô Mễ. Ngôi đình đã được xếp hạng di tích cấp tỉnh năm 2011.

Thần tích về vị thành hoàng làng

Thần tích và truyền ngôn trong nhân dân đều nói rõ: thời tiền Lý (thế kỷ VI), ở trang An Vĩnh, huyện Bình Dương có một gia đình danh giá họ Nguyễn, tên húy là Thực, lấy vợ người bản trang là Trần Thị Liên. Hai vợ chồng nhân từ, luôn cứu giúp người nghèo khó. Năm 36 tuổi, chẳng may Liên nương mất sớm, Thực công rất muộn phiền, liền đi chu du thiên hạ. Một hôm, Thực công đến trang Ô Mễ thấy dân ấp thuần hậu bèn xin ở lại lập nghiệp. Trong trang có cụ bà nhân từ thương yêu Thực công như con. Bà có một người con gái nết na tên là Mai nương. Thực công đem lòng yêu mến và lấy cô làm vợ. Tuy nhiên, hai vợ chồng lấy nhau đã lâu mà chưa có con liền tìm đến chùa thiêng để cầu tự. Một thời gian sau, Mai nương có thai, đến giờ Mão, ngày 12.2, sinh được một cậu bé khôi ngô tuấn tú, đặt tên là Công Quang. Khi Công Quang 13 tuổi, võ nghệ đã tinh thông, văn chương thông suốt. Lúc này, giặc Lương đến xâm chiếm, vua cho vời những người tài giỏi cầm quân đi đánh dẹp. Công Quang xin dẫn quân xung trận. Chiến đấu dũng cảm, tài trí thông minh, Công Quang lập được nhiều chiến công, được vua phong thưởng chức tước, 200 quan tiền và lụa là gấm vóc. Công Quang tạ ơn, sau đó xin vua trở về quê quán thăm hỏi tiên đường. Hôm đó là ngày 23.9, nhân dân phụ lão ra đón rất đông. Quang Công mở yến tiệc mời phụ lão, nhân dân trong thôn cùng hưởng lộc rồi đến bái yết tiên đường thì thấy trên trời có một đám mây đen, tự nhiên trời đất tối sầm, mưa gió nổi lên dữ dội giáng ngay xuống nơi Công Quang đứng, Công Quang tự nhiên nằm xuống và mất ngay tại đó. Nơi ấy tục gọi là xứ Mả Lăng. Một lát sau, trời lại quang mây tạnh, gió mưa đều ngớt, nhân dân ra xem chỉ thấy Công Quang nằm đó, mũ áo chỉnh tề, mặt đỏ như mặt trời. Nhân dân lấy làm lạ bèn hành biểu tâu lên triều đình. Vua vô cùng thương xót liền truyền lệnh cho đình thần đến hành lễ an táng.

Ghi nhận công lao của Công Quang, nhà vua đã sắc phong và cho phép nhân dân bản trang lập đình thờ; thừa nhận trang Ô Mễ làm nơi chính nuôi dưỡng khi Công Quang còn sống và nơi hóa, tôn làm Thành hoàng của làng. Vua lại ban cho nhân dân 500 quan tiền, miễn binh lương các dịch 6 năm, nhất phong “Hiển hựu, uy linh, từ quang trung đẳng phúc thần Đại vương” - (Vị Đại vương bậc trung đẳng nhân từ, vẻ vang, oai võ, linh thiêng hiện rõ sự giúp đỡ).

Nhân dân tưởng nhớ

Theo lưu truyền, đình Ô Mễ được khởi dựng từ khá sớm, trùng tu vào thời Nguyễn, quy mô lớn, kiến trúc kiểu chữ Đinh (J) gồm 7 gian đại bái và 3 gian hậu cung, chất liệu bằng gỗ lim chắc khỏe. Trước đình có hai dãy giải vũ, mỗi dãy 5 gian, có bệ thờ các hậu thần có công xây dựng công trình phúc lợi cho làng. Năm 1946, đình là nơi bầu đại biểu HĐND xã và đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên. Năm 1949, đình là địa điểm tổ chức mít tinh kêu gọi toàn dân đứng lên kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Năm 1951, toàn bộ ngôi đình bị bom mìn của thực dân Pháp phá hủy khi càn quét vào làng. Năm 2007, theo nguyện vọng của chính quyền và nhân dân địa phương, đình Ô Mễ được xây dựng lại trên nền cũ, kiến trúc kiểu chữ Đinh (J), chất liệu chủ yếu bằng bê tông cốt thép, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng.

Thờ tự tại đình

Thờ tự tại đình

Từ ngoài nhìn vào, khu đình Ô Mễ khá bề thế. Nhà đại bái 5 gian xây đao tàu déo góc, hậu cung 1 gian xây bít đốc. Bờ nóc đắp nổi đề án lưỡng long chầu nhật. Đầu rồng dữ tợn, râu vươn dài về phía trước. Kết cấu các vì kèo chính kiểu chồng rường giá chiêng, các mảng họa tiết hoa văn đắp vẽ theo đề tài lá lật, lá hóa long truyền thống.

Trải qua bao biến cố lịch sử, đình Ô Mễ vẫn giữ được nhiều hiện vật quý. Thần tích về Thành hoàng trở thành niềm tự hào của nhân dân địa phương. Hiện trong đình còn ngai thờ, tượng thân phụ, thân mẫu Thành hoàng, bộ kiệu bát cống, long đình, bát hương gốm có niên đại vào thời Nguyễn.

Để tưởng nhớ công ơn của Nguyễn Công Quang, Lễ hội đình Ô Mễ được tổ chức trọng thể hằng năm. Dưới thời phong kiến, tại đình có hai kỳ lễ chính là đình đám tháng giêng và lễ kỳ phước vào tháng 11 (âm lịch). Trong hai kỳ lễ hội này, lễ hội tháng 11 tổ chức lớn hơn, diễn ra trong 5 ngày từ mùng 8 - 13, thu hút đông đảo nhân dân trong vùng tham gia với những nghi thức tế, rước trang nghiêm. Bắt đầu từ sáng mùng 8.11, dân làng sửa soạn, bao sái đồ thờ, dọn dẹp đường làng từ đình ra miếu phong quang, sạch sẽ. Sau đó, tổ chức rước kiệu vào nhà ông trưởng văn rước bài văn tế. Ngày mùng 9.11, rước kiệu bát cống từ đình ra miếu (nơi thờ chính Công Quang) làm lễ rồi trở về đình tế. Những người dự tế phải tắm gội, quần áo sạch sẽ và ăn chay. Lễ vật gồm xôi, gà, lợn, rượu, hoa quả. Ngày mùng 10.11, các giáp rước lợn thờ ra đình tế Thành hoàng. Sau lễ tế, làng chấm thi lợn thờ bằng mắt thường, những con xấp xỉ bằng nhau không phân biệt hơn kém, làng phải dùng cân tạ, nếu trên một tạ phải lấy chai rượu chữ chân đeo vào quả cân để xác định chuẩn mực. Chấm thi xong, chủ khảo công bố kết quả, lợn được giải nhất thì người nuôi sẽ được làng thưởng cho cấy một sào ruộng ở cánh đồng tốt nhất. Sau đó, các giáp khiêng lợn về đến sáng 11.11 mới làm thịt. Ngày 11.11, tổ chức tế lễ. Ngày 12.11, tổ chức rước an vị từ đình về miếu. Ngày 13.11, lễ tạ, kết thúc lễ hội.

Trong các ngày lễ hội, nhiều trò chơi dân gian được tổ chức như vật, đánh cờ, chọi gà, kéo co, buổi tối có hát chèo, tuồng... Ngày nay, tục rước lợn thờ vẫn được dân làng Ô Mễ duy trì trong các kỳ lễ hội truyền thống. Đây là một nét đẹp mà không phải vùng quê nào cũng lưu giữ được.

Đình Ô Mễ khôi phục lại đã đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của nhân dân. Hiện nay, UBND xã Hưng Đạo đã có dự án phát triển di tích; trùng tu, tôn tạo và mở rộng khuôn viên miếu, khôi phục khu Mả Lăng (nơi mất và có phần mộ của Nguyễn Công Quang), đồng thời từng bước khôi phục lễ hội truyền thống nhằm bảo tồn, phát huy giá trị khu di tích trong tương lai.

ĐẶNG THU THƠM

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/di-tich/danh-tuong-dung-cam-nguyen-cong-quang-va-di-tich-dinh-o-me-166148