Dạo biển, bé gái 4 tuổi phát hiện 'báu vật' 220 triệu năm
Các nhà cổ sinh vật học cho biết 'báu vật' là một dấu chân khủng long kỷ Tam Điệp nguyên vẹn, vô giá bởi chứa nhiều thông tin về một trong những con khủng long đầu tiên đi Trái Đất.
"Thợ săn hóa thạch" tí hon tên Lily Winder. Cô bé đã có phát hiện vĩ đại khi cùng bố dạo chơi trên bờ biển xứ Wales (Vương Quốc Anh). Kể lại với Wales Online, bà Sally Wilder, mẹ của Lily cho biết cô bé đang đi dạo thì kéo bộ lại, nói "Bố nhìn kìa". Người cha đã chụp ảnh lại thứ con gái mình tìm được và về nhà đưa cho vợ xem. Bà nghĩ rằng đó phải là một báu vật thật sự - một dấu chân khủng long.
Nhóm nghiên cứu từ Bảo tàng Quốc gia Wales đã nhận được tin báo từ gia đình Lily, tiến hành khai quật dấu chân hóa thạch và đem về nghiên cứu. Bà Cindy Howells, người phụ trách chương trình cổ sinh vật học từ Amgueddfa Cymru - Bảo tàng Quốc gia Wales, cho biết dấu chân này sẽ cung cấp cho các nhà khoa học nhiều hiểu biết về những con khủng long đầu tiên bước đi trên Trái Đất.
NBC News cho biết quả giám định ban đầu cho thấy mẫu vật khoảng 220 triệu tuổi, tức thuộc giai đoạn cuối của kỷ Tam Điệp, khi những con khủng long đầu tiên được sinh ra trên Trái Đất. Vì niên đại rất xa xưa khiến các mẫu vật đa phần bị hư tổn, thế giới khủng long sơ khai vẫn bao trùm một bức màn bí ẩn đối với thế giới cổ sinh vật học. Vì thế, có thể nói "báu vật" mà bé Lily phát hiện được là vô giá.
Các nhà cổ sinh vật học vẫn chưa biết nó thuộc loại khủng long gì, nhưng ước tính được dấu chân dài 10 cm này thuộc về một con khủng long cao 75 cm, dài 2,5 m, chuyên săn động vật nhỏ và côn trùng.