Đào bới hè đường rồi hoàn trả cẩu thả, ai chịu trách nhiệm?
Nhiều tuyến phố bị đào bới tung tóe sau đó được hoàn trả mặt đường một cách cẩu thả, qua loa như thể tấm áo vá chằng vá đụp. Cơ quan chức năng chỉ cấp Giấy phép đào đường mà không hậu kiểm việc hoàn trả mặt đường.
Đường êm thuận bỗng nhiên thành "tật"
Tuyến phố Trần Khánh Dư có mặt đường đang êm thuận, phương tiện lưu thông thuận tiện thì khoảng 2 tháng trở lại đây bị đào bới rồi được đơn vị hoàn trả một cách cẩu thả.
Bởi vậy, sau khoảng 2 tháng hoàn trả, dọc tuyến đường Trần Khánh Dư, đoạn bị đào bới, đã xuất hiện các ổ gà, ổ voi, bong tróc. Đặc biệt, khu vực nút giao đường Trần Hưng Đạo - Trần Khánh Dư, toàn bộ lớp nhựa asphal đã bị bong bật, lộ ra lớp đá base và tạo thành ổ gà, gây khó khăn cho phương tiện qua lại.
Không chỉ vậy, tại các vị trí tiếp giáp các hố ga, do được hoàn trả cẩu thả nên cũng bong bật toàn bộ lớp nhựa, trơ ra phần gạch, đá. Dọc khu vực bị đào bới và hoàn trả, có vị trí bị sụt lún so với mặt đường đến cả chục centimet.
Ông Đặng Đình Nghĩa, trú tại phố Trần Khánh Dư bức xúc: “Tuyến phố đang êm thuận như vậy, bỗng nhiên cách đây mấy tháng bị cắt xẻ, đào bới dọc cả tuyến đường, sau đó được họ hoàn trả một cách vô trách nhiệm, qua loa cho xong”.
Giấy phép thi công được Sở GTVT cấp cho Công ty Điện lực Hoàn Kiếm, Ban Quản lý dự án hạ tầng 1- Tổng công ty Viễn thông Mobifone, Ban Quản lý các dự án công trình thông tin 1- Viễn thông Hà Nội được đào đường các tuyến Trần Quang Khải, Trần Khánh Dư, Nguyễn Hữu Huân, Hàng Da, Hồ Hoàn Kiếm để cải tạo đường dây hạ áp và xây dựng tuyến cống, bể phục vụ hạ ngầm cáp điện lực, viễn thông trên địa bàn quận Hoàn Kiếm và Hai Bà Trưng.
Đơn vị thi công là Công ty CP đầu tư Vietlinks và Công ty TNHH Thương mại và xây dựng Quốc Thịnh; Công ty CP Xây dựng và phát triển kỹ thuật hạ tầng số 6 và Công ty CP xây dựng và thương mại số 2 Hà Hội, Công ty CP Confitech Đông Á.
Tại Giấy phép cấp này, Sở GTVT Hà Nội cũng yêu cầu việc thi công hoàn trả đường phải đúng quy trình, kết cấu hoàn trả theo đúng quy định của UBND TP và của Sở GTVT Hà Nội, hồ sơ thiết kế được duyệt và phải bảo hành theo quy định hiện này.
Tuy nhiên, thực tế đang diễn ra không như vậy. Sau khi đào bới đường, thi công hạ ngầm xong, việc hoàn trả đường chỉ còn là... phần phụ, được thảm nhựa qua loa nên đã dẫn đến tình trạng đường vừa hoàn trả vài tháng đã bong tróc hết lớp nhựa, lún võng.
Không ai chịu trách nhiệm?
Tương tự, trên đường Trương Định (quận Hoàng Mai), người dân cũng đang khốn khổ vì việc đào đường vô tội vạ của các đơn vị thi công. Theo Giấy phép thi công số 413/GP-SGTVT, Sở GTVT TP Hà Nội cấp cho Công ty Điện lực Hoàng Mai; Ban Quản lý dự án hạ tầng 1 (Tổng Công ty Viễn thông Mobifone); được phép cải tạo đường dây hạ áp và xây dựng tuyến cống, bể phục vụ hạ ngầm cáp điện lực, viễn thông trên địa bàn quận Hoàng Mai (tuyến phố Trương Định). Thời gian thi công từ 5/9/2019 đến 5/11/2019.
Sở yêu cầu với các đơn vị được cấp phép phải thi công đúng tiến độ theo phương thức làm đâu gọn đấy, chỉ được phép thi công đoạn tiếp theo sau khi đã hoàn trả đoạn tuyến trước. Đặc biệt, đất đào lên không được để trên hè, đường và phải di chuyển ngay. Việc đào và hoàn trả phải thực hiện theo đúng quy trình kỹ thuật... Phải đảm bảo giao thông qua khu vực thông suốt, êm thuận và an toàn.
Nhưng hiện trạng cho thấy, mặt đường Trương Định vốn đang êm thuận thì nay lại nham nhở, chắp vá đến nhức mắt. Đáng nói, tại các Giấy phép thi công đào đường mà Sở GTVT Hà Nội cấp cho các đơn vị thi công, Sở đều yêu cầu Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông phải có trách nhiệm tiếp nhận mặt bằng sau khi hoàn thành thi công và quản lý.
Như vậy, trách nhiệm trong việc đào bới đường rồi hoàn trả một cách cẩu thả khiến các tuyến đường nham nhở gây bức xúc không chỉ có mỗi đơn vị thi công. Phải chăng, có sự lỏng lẻo trong giám sát các đơn vị thi công đào đường? Việc giám sát, hậu kiểm đối với các dự án đào đường này chỉ làm lấy lệ?
“Chúng tôi là người dân, thấy con đường bị đào bới tung lên rồi lại hoàn trả một cách cẩu thả, vội vã chỉ dăm bữa nửa tháng là bong bật thì rất xót xa. Tiền của Nhà nước bỏ ra, đó cũng là thuế chúng tôi đóng góp xây dựng hạ tầng đường sá, không thể không có ai chịu trách nhiệm”- một người dân sống trên phố Trần Khánh Dư bức xúc.