Đảo chìm ở Lý Sơn
(Báo Quảng Ngãi)- Gần đảo Lý Sơn là đảo Bé, cách đảo Bé khoảng 6,8 hải lý về phía đông bắc lại có thêm một hòn đảo chìm, có cái tên lạ - rạng ngầm, đảo cá cơm. Nơi này là làng chài nổi của 200 con tàu thường xuyên quần tụ về đây nghỉ ngơi, gửi cá vào bờ.
Tàu QNg 91421 TS xuất bến Sa Kỳ và có mặt đầu tiên tại đảo cá cơm. Thuyền trưởng Huỳnh Đại cho biết: “Sát tết cá cơm quần sát đảo Lý Sơn, giờ cá dạt ra khơi nên đêm nay cả đoàn tàu tập trung tới tọa độ rạng ngầm”. Một ngư dân diễn giải cụ thể hơn tọa độ mà tàu sẽ đến: “Nhà báo đã biết đảo Lý Sơn, đảo Bé, đêm nay sẽ biết thêm đảo cá cơm”.
Đoàn tàu giao lưu tại đảo cá cơm.
Trong màn đêm, bóng 2 con tàu vận tải không hành trình thẳng mà lại nối đuôi nhau chạy thành hình vòng cung và hướng về Tây Nam. Một ngư dân la to, “tới rồi, tàu họ tránh đảo cá cơm”. Thì ra tàu của bà con ngư dân đang tập trung tại một hòn đảo ngầm giữa biển. Tôi chợt hiểu ra đây là địa danh “đảo cá cơm” mà các ngư dân giới thiệu lúc chiều. Đảo cá cơm nằm cách đảo Bé 6,8 hải lý, cách đảo Lý Sơn 9,5 hải lý về hướng đông bắc.
Các ngư dân cho biết, hòn đảo ngầm này có chiều rộng khoảng 5 hải lý. Vào mùa êm, đây là một ngôi làng của ngư dân. Bà con đưa hết tàu ra ngoài này chờ cá vô thì đánh. Tới mùa đông trời nổi sóng lớn, vùng đảo ngầm khá nguy hiểm vì sóng ùn lên cao nên phải rút đi. Cuối năm 2013, tàu hàng Bright Royal mang quốc tịch Panama, trên đường hành trình từ cảng Vũng Áng (tỉnh Hà Tĩnh) đi Băng- La- Đét bị mắc cạn tại đây.
Quần đảo Hoàng Sa có bãi Quảng Nghĩa. Vậy tại sao nơi này chỉ đơn giản với cái tên rạng cạn. Nếu chỉ cần đặt một trụ đèn tín hiệu cảnh báo an toàn chạy bằng năng lượng, rạng ngầm sẽ có thêm tên đảo bên cạnh đảo Bé và đảo Lý Sơn. Ông Vũ Ngọc Tăng- Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Quảng Ngãi cho biết, “rạng ngầm này nằm trong vùng nước nội thủy của Việt Nam. Hiện nay ngành hàng hải đang tiến hành triển khai xây dựng cột đèn biển chạy bằng năng lượng mặt trời tại rạng ngầm, vì nơi này rất nguy hiểm cho tàu bè qua lại”.
Đêm trên vùng rạng ngầm, khi trăng nhô lên mặt biển lúc 23 giờ, đoàn tàu bắt đầu tụ lại nghỉ ngơi chốc lát trước khi vào phiên săn cá đến mờ sáng. Vùng rạng ngầm trở thành xóm chài nổi trên biển. Những ngư dân liên tục gọi nhau í ới để hỏi thăm tình hình đánh bắt. Nếu tàu nào đánh được nhiều cá chạy vào bờ thì các tàu khác gửi vài chục giỏ cá, còn đội tàu tiếp tục ở lại đến hết đêm thứ 2. Mỗi giỏ cá đều được ghi tên bằng sơn đỏ. Tàu vào bờ, vợ con các ngư dân ra bến nhận hàng.
Nhắc chuyện rạng ngầm, những lão ngư lớn tuổi ở làng chài kể rằng, 40-50 năm trước, ông bà mình đã kéo thuyền buồm ra trụ ở rạng ngầm. Nơi này cá nhiều vô kể. Hồi đó ngư dân thường truyền miệng là vài chục năm sau, rạng ngầm sẽ mọc dần lên mặt nước và trở thành một hòn đảo mới cho tàu thuyền có chỗ bám trụ, nghỉ ngơi giữa biển.
Theo các ngư dân, mỗi đêm có ít nhất 200 tàu cá quần tụ ở rạng ngầm. Nếu mỗi chuyến xuất hành, một tàu ngư dân chở theo vài tảng đá ném xuống rạng ngầm, chỉ vài năm sau, hòn đảo này sẽ nhô lên khỏi mặt nước và trở thành người em của đảo Bé. Một hòn đảo do chính các ngư dân dồn đắp lên.
Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2025/201404/dao-chim-o-ly-son-2306770/