Đảo chính ở Mali: Tiết lộ địa điểm giam giữ Tổng thống, Thủ tướng; Hàng loạt tổ chức quốc tế kêu gọi quân đội thả người
Ngày 24/5, các nguồn tin ngoại giao và chính phủ tiết lộ, quân đội Mali đã bắt giữ Tổng thống Bah Ndaw, Thủ tướng Moctar Ouane và Bộ trưởng Quốc phòng Souleymane Doucoure của chính phủ lâm thời ngay sau khi cuộc cải tổ nội các được thông báo trước đó cùng ngày.
Theo các nguồn tin, 3 quan chức trên đều bị đưa đến một căn cứ quân sự ở Kati, gần thủ đô Bamako. Một thành viên cấp cao giấu tên của chính quyền quân sự cũng đã xác nhận thông tin này.
AFP dẫn lời các quan chức Mali cho biết, binh sĩ bất mãn về việc cải tổ chính phủ, trong khi THX dẫn truyền thông địa phương cho biết, sự bất mãn này là đối với việc 2 nhân vật chủ chốt trong cuộc binh biến tại Mali năm 2020 không có tên trong danh sách nội các mới.
Hai người này là Đại tá Sadio Camara, cựu Bộ trưởng Quốc phòng và Đại tá Modibo Kone, cựu Bộ trưởng An ninh và bảo vệ dân sự - hai nhân vật đầu não trong vụ binh biến lật đổ Tổng thống Ibrahim Boubacar Keita ngày 18/8/2020, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đại tá Assimi Goïta, Phó Tổng thống lâm thời, được mệnh danh là "người đàn ông quyền lực của Mali".
Trước đó, Thủ tướng Ouane cho biết, ông đã bị các binh sĩ của Đại tá Goïta ép đến dinh thự của Tổng thống Ndaw sau khi bổ nhiệm các tân bộ trưởng và quyết định này "dường như làm phật lòng các vị đại tá đã thực hiện cuộc đảo chính năm 2020".
Vụ việc diễn ra chỉ vài giờ sau khi Mali công bố chính phủ mới gồm 25 thành viên, với lực lượng chủ chốt vẫn là các sĩ quan quân đội nắm giữ các vị trí bộ trưởng tại những cơ quan chiến lược như quốc phòng, an ninh, quản lý lãnh thổ và hòa giải quốc gia.
Tuy nhiên, 2 sĩ quan trên đã bị loại khỏi nội các, thay vào đó là Chuẩn tướng Souleymane Doucoure và Thiếu tướng Mamadou Lamine Ballo.
Về phần mình, ông Ouane ngay lập tức được Tổng thống lâm thời Bah Ndaw tái bổ nhiệm vào chức vụ Thủ tướng của chính phủ mới và yêu cầu thành lập một nội các "rộng mở" khi mà tình trạng bất bình ngày càng tăng cao đối với vai trò chi phối của các nhân vật thuộc phe quân đội và sự chậm trễ của những chương trình cải cách được hứa hẹn.
Ngay sau động thái trên, các tổ chức quốc tế lớn như Liên hợp quốc (LHQ), Liên minh châu Âu (EU) và Liên minh châu Phi (AU) đã lên án vụ bắt giữ.
Ngày 25/5, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres nêu rõ, ông "quan ngại sâu sắc về những thông tin bắt giữ các lãnh đạo dân sự của chính quyền chuyển tiếp Mali", đồng thời, kêu gọi "bình tĩnh và phóng thích họ vô điều kiện".
Phái bộ gìn giữ hòa bình của LHQ ở Mali (MINUSMA) tối 24/5 đã kêu gọi kiềm chế, trả tự do cho Tổng thống Bah N'Daw và Thủ tướng Moctar Ouane, cho biết phái bộ này đang theo dõi sát sao tình hình và sẽ giữ vững cam kết ủng hộ quá trình chuyển giao quyền lực tại Mali.
Trong diễn biến liên quan, ngày 25/5, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel thông báo, các nhà lãnh đạo của EU đã lên án hành động mà họ cho là “bắt cóc” ban lãnh đạo dân sự của Mali.
Phát biểu trước báo giới sau Hội nghị Thượng đỉnh của 27 quốc gia thành viên EU, ông Michel nói: “Những gì đã xảy ra là rất nguy hiểm và nghiêm trọng. Chúng tôi sẵn sàng cân nhắc các biện pháp cần thiết”.
Theo ông Michel, các nhà lãnh đạo EU ủng hộ lời kêu gọi từ AU và Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS), trong đó yêu cầu Mali khôi phục chính phủ chuyển tiếp và do giới dân sự lãnh đạo.
Quan chức EU mô tả sự việc xảy ra ở Mali trong những giờ qua là “vụ bắt cóc Tổng thống và Thủ tướng”.
Trong một động thái liên quan, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng ra tuyên bố yêu cầu trả tự do vô điều kiện cho Tổng thống Bah Ndaw, Thủ tướng Moctar Ouane và Bộ trưởng Quốc phòng Souleymane Doucoure sau khi 3 nhà lãnh đạo này bị các sĩ quan quân đội Mali bắt giữ hôm 24/5.
(tổng hợp)