Dạo chơi vườn văn Mỹ [Kỳ 11]

Jack London (1876-1916) là nhà văn vô sản Mỹ đầu tiên. Ông sinh ra và lớn lên trong gia đình nghèo ở thành phố San Francisco, bang California, có mẹ là giáo viên âm nhạc, còn bố là một nhà chiêm tinh học.

Nhà văn Jack London.

Nhà văn Jack London.

Năm 10 tuổi, ông đã đi bán báo; năm 14 tuổi đã làm việc ở nhà máy đồ hộp; năm 16 tuổi, ông làm cảnh sát đánh cá; năm 17 tuổi, ông làm việc một năm ở tàu biển; năm18 tuổi, ông lang thang khắp nước Mỹ; năm 21 tuổi, khi đang học đại học, ông được bố tiết lộ là không có khả năng có con khi lấy mẹ. Phẫn uất, ông bỏ học theo làn sóng người ồ ạt đi tìm vàng ở Klondike, bắt đầu cuộc đời phiêu bạt đắng cay nhưng đầy vinh quang.

Jack London bắt đầu viết khi 20 tuổi, nhưng đến năm 27 tuổi, ông mới nổi tiếng với Tiếng gọi nơi hoang dã (1903), rồi Sói biển (1904), Nanh trắng (1907), Gót sắt (1907), Đốt cháy ánh sáng ban ngày (1910). Nhiều tác phẩm của ông biểu tượng “luật chó sói” của trật tự xã hội tư bản.

Jack London cùng Stephen Crane (1871-1900), Frank Norris (1870-1902) và Upton Sinclair (1878-1968) bị Tổng thống Mỹ Theodore Roosevelt liệt vào loại nhà văn “khuấy bùn”, vì phơi bày những thối nát của giới chính trị và kinh doanh Mỹ. London từng sống trong những nhà tồi tàn ở thủ đô để có thể viết được Những người ở vực thẳm (1903), cuốn tiểu thuyết tự nhiên chủ nghĩa. Chiến tranh giai cấp (1905) là tập bài báo có tính chất xã hội chủ nghĩa. Jack London bênh vực chủ nghĩa xã hội, cách mạng vô sản, đồng thời đề cao người hùng, đứng về phía những người cơ cực.

Đến năm 37 tuổi, ông mới trở thành giàu có từ nghề viết văn và sách của ông được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới, trong đó có tiếng Việt (như Gót sắt, Đốt cháy ánh sáng ban ngày, Tiếng gọi nơi hoang dã...). Ông tự sát năm 40 tuổi trong trang trại sang trọng ở California. Việc đó biểu hiện sự thoát ly của một nhà văn cơ bản lãng mạn, cảm thấy mình lạc lõng trong một thế giới thù nghịch, khiến cho độc giả chú ý đến tác phẩm và con người của ông.

Tiếng gọi nơi hoang dã khiến Jack London bất ngờ nổi tiếng. Sau đó, hàng loạt thế hệ độc giả đọc bản dịch các tác phẩm của ông qua nhiều ngữ, nhờ đó mà ông trở nên giàu có. Truyện kể về con chó Buck (Băck), sinh sống trong trang trại của một ông thẩm phán ở miền Nam ôn đới nước Mỹ. Đến mùa Thu năm 1894, người ta tìm thấy vàng ở vùng Klondike.

Thế là dân tứ chiếng đổ xô lên Alaska ở miền Bắc xa xôi giá lạnh. Buck bị bán và đưa lên đó. Buck phải thay đổi lối sống. Không còn được ai vuốt ve kính nể, phải tìm cách thích nghi với môi trường thiên nhiên ác nghiệt, nếm mùi đòn vọt, nai lưng vươn cổ kéo xe trượt tuyết; các thớ thịt của nó gân lên như thép, bản năng sinh tồn trỗi dậy trong tiềm thức.

Cuộc sống càng thêm gian khổ khi Buck bị bán cho ba tên đi tìm vàng, những kẻ phiêu lưu sống bạt tử. Nó đã chiến đấu sống còn và trở thành chó đầu đàn. Bọn chủ cùng đàn chó bị ngã xuống vực băng mà chết. Buck may được một người tên là Thorntan cứu thoát.

Từ đó, con người và con vật gắn bó với nhau bằng những tình cảm thần bí và sâu sắc. Buck thờ phụng chủ như một vị thần. Hai lần nó cứu sống chủ, có lần, nó mang lại cho chủ một món lời trên 1.000 USD trong một cuộc thách đố. Sau khi chủ bị người da đỏ giết, Buck không cưỡng lại được bản năng, theo tiếng gọi của hoang dã, trở về rừng với bầy chó sói đồng loại, nó được làm chủ, hằng năm không quên hành hương trở lại nơi Thorntan chết.

Tiếng gọi nơi hoang dã là một cuốn tiểu thuyết luận đề. Tác giả định thuyết minh cho thuyết tiến hóa của Darwin, sức mạnh của môi trường, quy luật thích nghi để tồn tại. Nhưng truyện kể rất hấp dẫn, các con vật đều có tính cách rõ rệt với đầy đủ anh dũng, tham vọng và độc ác. Đầu thế kỷ XX, tác phẩm được hoan nghênh bởi một lớp người công nghiệp hóa, thèm tính bản năng hoang dã và cuộc sống gần thiên nhiên.

Sói biển kể về cuộc phiêu lưu biển cả. Một nhà văn là Humphrey bị đắm tàu và được cứu bởi thuyền trưởng thuyền buồm “Con ma” là Wolf, người rất cứng rắn và nhẫn tâm. Humphrey buộc phải làm hầu phòng, chịu ngược đãi. Trên tàu còn có nhà thơ nữ xinh đẹp Maude cũng được cứu thoát. Cả hai người đàn ông đều để ý cô.

Một hôm chính thuyền buồm “Con ma” cũng bị đắm. Humphrey và Maude bơi được vào một hòn đảo hoang. Khi thân tàu bị đánh dạt vào đảo, nơi Wolf vẫn còn sống, y ngăn cản hai thanh niên chữa thuyền để về. Cuối cùng, y bị mù và liệt; cho đến khi chết, y vẫn nóng nảy và gan lỳ. Humphrey và Maude được cứu thoát, trở về với thế giới văn minh.

Nanh trắng là tiểu thuyết có quá trình diễn biến ngược lại Tiếng gọi nơi hoang dã. Tác giả kể chuyện một con chó loại sói dần dần được thuần hóa, bị chủ đầu đối đãi tàn tệ, muốn luyện nó trở thành con chó đánh nhau. Người chủ sau là kỹ sư mỏ cứu nó và đưa về nhà ở miền Tây thuần hóa, sau đó, nó bị thương nặng trong khi bảo vệ gia đình chủ chống lại tội phạm vượt ngục.

Gót sắt là cuốn tiểu thuyết viễn tưởng đặt vào khung cảnh thế kỷ thứ XXVI, bốn thế kỷ sau khi thế giới đại đồng thoát khỏi “gót sắt” của bọn tư sản thống trị. Tác giả coi như vào thời gian đó, ông phát hiện được tập nhật ký do nữ chiến sĩ cách mạng là Evit viết về hoạt động cách mạng của chồng mình là Ênơt bị bắt và bị hành hình vào năm 1932.

Chuyện kể những sự việc từ 1912. Ênơt, công nhân, đảng viên Đảng xã hội, thuyết phục được nhiều người làm cách mạng xã hội, kể cả một vị giám mục. Anh bị bắt, vượt ngục, chuẩn bị hai cuộc khởi nghĩa đều bị “gót sắt” đàn áp. Mãi đến thế kỷ XXIII, “gót sắt” mới bị đánh bại. Phong cách tác phẩm có dáng dấp tiểu thuyết phiêu lưu trinh thám, tuy có thể xếp vào loại “văn chương vô sản”.

Hữu Ngọc

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dao-choi-vuon-van-my-ky-11-274875.html