Dao có tính sát thương cao trong trường hợp nào thì được quản lý như vũ khí thô sơ?

Nhiều Đại biểu Quốc hội cho rằng dao có tính sát thương cao nhưng được sử dụng trong lao động, sinh hoạt, sản xuất mà phải khai báo thì rất phiền hà cho người dân…

Thảo luận trong phiên họp toàn thể sáng nay, 3-6, về dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi), nội dung nhận được nhiều quan tâm của ĐBQH vẫn là có nên đưa vào luật việc quản lý dao như là là vũ khí thô sơ? Trường hợp nào thì phải đăng ký với cơ quan công an để quản lý? Trong trường hợp nào được coi là công cụ lao động, sinh hoạt không phải khai báo…

 ĐBQH Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định)

ĐBQH Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định)

ĐB Nguyễn Văn Cảnh, tỉnh Bình Định, cho rằng việc quy định dao có tính sát thương cao là vũ khí thô sơ có thể ảnh hưởng đến việc người dân sử dụng dao làm công cụ phục vụ lao động, học tập, sinh hoạt.

Thực tế, nhiều loại dao mà người dân đang sử dụng trong cuộc sống hàng ngày, theo mô tả của Bộ Công an thì sẽ bị coi là vũ khí thô sơ. Vậy nên, để phân loại, ông Cảnh cho rằng nên quy định theo hướng khi dao, vật sắc nhọn mà được sử dụng để đe dọa hành hung trong các vụ việc ẩu đả, đuổi theo người khác, va chạm giao thông... hoặc mang theo không vì mục đích sản xuất, sinh hoạt, học tập thì mới được coi là vũ khí thô sơ.

 ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp)

ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp)

Cùng nội dung này, ĐBQH Phạm Văn Hòa, tỉnh Đồng Tháp, cho rằng dự thảo luật cần phải “giải thích từ ngữ rõ ràng”. Chẳng hạn, cũng là cái dao ấy, nếu phục vụ cho lực lượng vũ trang thì gọi là vũ khí, còn đối tượng xấu, manh động sử dụng gọi là hung khí, gia đình sử dụng thì gọi là công cụ sinh hoạt, lao động.

“Tôi không biết khi tòa xét xử dùng từ như thế nào, gọi là vũ khí hay hung khí? Tôi nghe là hung khí chứ không phải vũ khí. Còn dao dùng cho gia đình làm sao gọi là vũ khí được, đó là công cụ của gia đình” – ông Hòa nói.

Cũng theo ĐBQH đoàn Đồng Tháp, không nên đưa ra các thủ tục quản lý với các các xưởng sản xuất dao phục vụ nhu cầu dân dụng, bởi về nguyên tắc những cơ sở đó đều phải đăng ký kinh doanh, trong đó khai báo rõ sản xuất hàng hóa gì.

“Không nên để luật ra đời ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân, người dân sinh hoạt khó khăn thì khổ cho người ta” – ĐB nhấn mạnh.

Dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) đã được các ĐBQH thảo luận ở tổ mấy hôm trước, cũng nêu ra những băn khoăn về nội dung quản lý dao có tính sát thương cao.

Giải trình các ý kiến này, Bộ Công an cho rằng khi quy định dao có tính sát thương cao thuộc danh mục do Bộ trưởng Công an ban hành là vũ khí thô sơ thì các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu mặt hàng này phải khai báo thông tin về số lượng, chủng loại sản phẩm, nhãn hiệu, tên cơ sở sản xuất với công an xã, phường, thị trấn nơi tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đóng trụ sở, nơi sản xuất, kinh doanh hoặc cư trú.

Quy định như vậy tức là theo hướng tiền kiểm rất mạnh ngay từ khâu sản xuất, kinh doanh, phân phối. Còn hậu kiểm với người sử dụng thì như báo cáo của Bộ Công an: “Đối với trường hợp sử dụng dao có tính sát thương cao vào mục đích lao động, sản xuất, sinh hoạt thì không phải khai báo”.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/dao-co-tinh-sat-thuong-cao-trong-truong-hop-nao-thi-duoc-quan-ly-nhu-vu-khi-tho-so-post793768.html