Dáo dác tìm chỗ đậu xe
Tỉ lệ đường giao thông thấp, lượng xe ngày một tăng thì tìm được chỗ đậu ôtô ở khu trung tâm TP HCM quả là nan giải
Vừa rồi có anh bạn từ Bình Thuận đánh ôtô đưa vợ vào TP HCM khám bệnh tổng quát. Lát chiều về, mặt anh cứ hầm hầm. Hỏi ra, anh nói: Tiền khám bệnh hết 1,5 triệu đồng, còn tiền xe bị phạt gần 3 triệu đồng.
"Trước cổng bệnh viện đông quá nên đánh xe qua đường tấp vô lề. Vừa tắt máy thế là chú cảnh sát ghé lại cho một vé phạt. Vô khu trung tâm quận 3 mua ít sách cho thằng con, loay hoay đậu xe thế là bị thêm một vé phạt…" - anh kể. Anh cũng ngao ngán không muốn chở vợ đi đâu nữa, bởi không tìm ra chỗ đậu xe cho an tâm. Thế là hai vợ chồng vứt ôtô ở khách sạn, đi đâu cứ đón taxi cho khỏe.
Nỗi khổ trên cũng là của cả vạn người ở thành phố sầm uất này. Sắm được chiếc ôtô thì vui sướng đấy nhưng nói tiện dụng thì còn lâu. Không chỉ các quận nội thành mà ngay cả các quận, huyện ngoại thành cũng khó tìm được nơi thong thả đỗ xe khi có công việc. Mặt tiền các con đường hầu như được sử dụng buôn bán nên chẳng ai chịu nổi khi thấy cảnh có cả chiếc ôtô đậu chình ình trước cửa. Các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh thì chỉ dành chỗ đậu xe cho nội bộ. Tìm được chỗ trống hiếm hoi, lùi xe lên lề đường thì dễ "ăn phạt"…
Theo thống kê của các cơ quan chức năng, tính đến cuối năm 2022, tại TP HCM có đến 85.000 ôtô và con số này tăng lên từng ngày. Ôtô là niềm vui sướng nhưng không kém phần khổ ải. Giờ tan tầm là thấy hết những vất vả của ôtô: đường sá ùn ứ; cổng trường thì chen chúc đón con tan học, ôtô chen nhau với xe máy; sở làm thì xe trên đường chắn lối xe trên lề…
Đông đúc quá nên Sở Giao thông Vận tải mới có quy định cho đậu xe dưới lòng đường ở một số tuyến đường để thu tiền. Hiệu quả đâu chưa thấy chứ đường thêm kẹt là có thật. Ôtô đậu dưới lòng đường mà đường vốn rất chật chội thì làm sao mà không ùn tắc. Vả lại, đường dành cho lưu thông, dùng làm chỗ đậu xe sẽ xảy ra xung khắc với người đi đường khác. Điều bất thường nữa là qua vài năm thí điểm thì tiền thu được không đủ chi cho bộ máy vận hành mô hình "thu tiền đậu xe dưới đường". Mô hình kém hiệu quả như thế nhưng đang được một số địa phương học tập và muốn triển khai.
Thực ra với lượng xe quá lớn và mật độ dân số quá cao như TP HCM thì khó mà tìm giải pháp ổn thỏa cho việc tìm chỗ đậu xe phù hợp. Hiện tỉ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị tại TP HCM chỉ gần 13%. Tổng chiều dài các tuyến đường ở thành phố là hơn 4.500 km, mật độ 2,26 km/km2, chỉ bằng 1/5 quy chuẩn. Mật độ giao thông này, với lượng xe ngày một tăng thì tìm được chỗ đậu xe ở khu trung tâm thành phố quả là nan giải.
Thấy được thực trạng này, hơn 10 năm trước TP HCM đã từng quy hoạch hơn 15 bãi đậu xe công cộng ở quận 1 nhưng tất cả chỉ tồn tại trên giấy và chưa có nơi nào được xây dựng. Bốn dự án nhiều kỳ vọng nhất, được chấp thuận chủ trương đầu tư bãi đậu xe ngầm kết hợp dịch vụ thương mại và công cộng trong khu vực 930 ha gồm: công viên Lê Văn Tám, công viên Tao Đàn, khu vực Sân khấu Trống Đồng và Sân vận động Hoa Lư nhưng đến nay cũng im hơi lặng tiếng.
Hy vọng cho người đi ôtô cũng được dấy lên, khi Sở Giao thông Vận tải TP HCM được đề xuất 4 khu đất công có thể làm bãi đậu xe lắp ghép ở: đường Lê Lai, trước công viên Lê Văn Tám; một phần Bến xe Chợ Lớn và một phần lòng đường Hải Thượng Lãn Ông. Đây có lẽ là những mô hình thí điểm để có thể nhân rộng ra trong thời gian tới, chứ với gần cả triệu ôtô đang lưu thông thì 4 bãi đậu xe không thể nào đáp ứng nổi nhu cầu. Nếu không tăng được diện tích đường thì tương lai đi lại còn khó khăn chứ nói gì có được chỗ đậu xe thoải mái.
Đã sắm ôtô rồi thì mọi người phải chấp nhận thực tế. Họ mua ôtô chủ yếu để đi xa chứ rất ngán ngẩm đi trong nội thành. Nhiều người cũng nản lòng mà bán xe sau thời gian "thử nghiệm" cảm giác sở hữu ôtô. Bởi vậy, ở TP HCM lúc trà dư tửu hậu mới có câu nói đùa như thật: "Sắm ôtô có 2 lúc vui nhất, là lúc mua và… lúc bán".
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/dao-dac-tim-cho-dau-xe-20230722212427144.htm