Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên: Phim 'Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối' hư cấu dựa trên sự thật
11 năm thai nghén để có thể hoàn thành giấc mơ thực hiện phim 'Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối', đạo diễn Bùi Thạc Chuyên thừa nhận, cho đến giờ, không hiểu tại sao mình có thể làm được. 'Nếu nói về chuyện tâm linh, có lẽ tôi may mắn được các anh hùng liệt sĩ ở Củ Chi muốn mình làm', vị đạo diễn 57 tuổi chia sẻ.

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên trong buổi ra mắt phim Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối
3 lần dang dở
Năm 2014, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên thực hiện một phim ngắn 3D dài 10 phút về địa đạo Củ Chi. Dù chỉ là dự án nhỏ, nhưng nó đã khơi dậy ước mơ lớn trong anh suốt một thập niên. Năm 2016, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên viết xong kịch bản và bắt đầu tìm cơ hội thực hiện phim Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối. “Trải qua đến 3 lần chuẩn bị, có lúc có tiền vẫn không làm được. Có lẽ, các cô các chú muốn tôi làm phim vào đúng dịp kỷ niệm 50 năm ngày đất nước hòa bình thống nhất. Tôi chỉ mong phim sẽ là một đóng góp nhỏ cho niềm vui chung của cả đất nước, để nhắc nhớ biết bao nhiêu máu, nước mắt của những người anh hùng đã ngã xuống cho thời khắc ấy”, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên kể.
Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối là một dự án phim đầy thử thách, nhưng cũng mang đến những may mắn diệu kỳ cho đạo diễn Bùi Thạc Chuyên. Anh may mắn được các cựu du kích Củ Chi làm cố vấn, trong đó có Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Tô Văn Đực - người truyền cảm hứng cho nhân vật Tư Đạp (Quang Tuấn đóng). Suốt nhiều ngày, anh bám riết theo người anh hùng 83 tuổi này, lắng nghe những câu chuyện năm xưa. Và trong thời gian dài đằng đẵng đó, anh còn ăn, ngủ, trò chuyện cùng bao nhân chứng sống của vùng Đất thép thành đồng. Thấm và ngấm, những trang kịch bản Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối dần thành hình.
Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên tiết lộ một chi tiết thú vị: Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối sử dụng phim tư liệu chiến tranh mua từ người Mỹ, nhưng lại do chính các nhà quay phim Hãng phim Giải Phóng ghi lại. Khi lính Mỹ càn quét, họ lấy những thước phim này mang về Mỹ in tráng. “Tôi phải mua lại từ nước ngoài, dù đó là phim do người Việt quay - một điều rất kỳ lạ”, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên nói. Khẳng định Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối là một câu chuyện hư cấu, từ nhân vật đến kịch bản, nhưng đạo diễn Bùi Thạc Chuyên cũng chia sẻ: “Dù hư cấu, tôi vẫn dựa trên những chi tiết, câu chuyện có thật. Tôi luôn mong phim đạt đến sự chân thật nhất, thậm chí giống như một bộ phim tài liệu”.
Sống và làm phim như những… người lính du kích
Khi chọn diễn viên, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đặt ra tiêu chí: phù hợp nhân vật, không phẫu thuật thẩm mỹ, có đam mê, có thời gian và chịu được điều kiện khắc nghiệt. Tiêu chí này áp dụng cho cả vai chính lẫn phụ. Diễn viên Quang Tuấn kể, anh phải giảm hơn 10kg cho vai diễn. Hồ Thu Anh (vai Ba Hương) thì dành hàng tháng trời dậy từ 5 giờ sáng để tập bơi, lặn, thở dưới nước và rèn thể lực. Hằng Lamoon (vai Út Khờ) nhiều lần bật khóc vì luôn xếp cuối trong các bài kiểm tra. Họ chỉ là ba trong số hàng chục diễn viên Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối phải vượt qua thử thách khắc nghiệt: giảm cân, rèn luyện dưới nắng thao trường, nhưng vẫn phải đảm bảo sức khỏe suốt hơn 2 tháng ghi hình gian khổ.
Trong hơn 2 tháng quay phim, ngay từ đầu, đạo diễn yêu cầu các diễn viên không được chạy show phim khác. Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên nhấn mạnh: “Tôi nói các bạn hãy nghĩ rằng chúng ta đang làm một bộ phim với nghĩa cử dành cho những người đã hy sinh. Mình làm để tưởng nhớ họ nên không thể coi như một bộ phim bình thường, phải có sự trân trọng trong đó. Những nhân vật các bạn hóa thân, đa phần đều đã hy sinh, thì chúng ta phải nghĩ việc mình làm như thắp một nén hương tưởng nhớ họ. Tất cả các diễn viên đều hiểu và cống hiến hết mình cho bộ phim”.
Trước khi làm Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên và ê kíp hoang mang không biết phải làm như thế nào, vì chưa có phim nào về địa đạo Củ Chi để tham khảo. Quay trong không gian chật hẹp là thách thức lớn, trên thị trường còn không có máy quay đáp ứng được yêu cầu. Anh quyết định quay hoàn toàn bằng tay, tái hiện góc nhìn của người trong cuộc chiến. Ban đầu, khung hình rung lắc đến mức không thể sử dụng, buộc tổ quay phim phải mất cả tháng tập luyện để thích nghi với cách di chuyển, cũng như chịu được cường độ làm việc cao. Với một bộ phim bình thường, các tổ sẽ cùng nhau làm cùng một lúc. Nhưng với Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối, thời gian phải nhân lên 6 lần, từng tổ một, ai vào trước, ai vào sau, đều phải được tính toán kỹ trước khi bấm máy. Do huy động được nhiều vũ khí hạng nặng như: xe tăng M-48 Patton, xe bọc thép M113ACAV, trực thăng UH-1 Iroquois, giang thuyền PCF (Patrol Craft Fast), tàu đổ bộ cỡ nhỏ LCM-8..., nên việc phối hợp điều khiển chúng trong quá trình quay là thử thách lớn hơn gấp bội.
Với đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, nỗi lo lớn nhất khi làm Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối là cảm giác phim không hoàn hảo, không đủ trọn vẹn, chỉ một sơ suất nhỏ cũng có thể làm hỏng tất cả. Do đó, mọi sự cố gắng phải được duy trì cho đến tận phút cuối. Sau tất cả, điều giúp ê kíp đứng vững trên đôi chân của mình là tinh thần của những người đã hy sinh cho mảnh đất này. Khó khăn nối tiếp khó khăn, nhưng chính anh và ê kíp chưa bao giờ nghĩ đến bỏ cuộc. Bởi, nếu so sánh với khó khăn, gian khổ của các cô chú du kích Củ Chi năm xưa, thì không thấm vào đâu. Khó khăn luôn hiện hữu suốt quá trình làm phim, nhưng ê kíp chung một niềm tin rằng có thể thực hiện được và luôn có những lời giải cho bài toán khó.
Sau hơn 10 năm ấp ủ, Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối hoàn thiện sau 12 tháng chuẩn bị, 2 tháng quay và 12 tháng hậu kỳ.
Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên kể một chi tiết rất thú vị: "Tôi từng nghĩ đến việc đến nhà các bạn căng dây chỉ cao 1m để các bạn học cách chui qua nó mỗi ngày. Tất cả phải bò giống như trong địa đạo, không được phép đứng thẳng. Chính xác là luôn phải như thế. Lại có lúc, tôi nghĩ sẽ phát cho mỗi người một khẩu súng để có thể mang theo bên mình 24/24 giờ, khi ngủ cũng ôm súng".