Đạo diễn Cao Trung Hiếu: 'Chúng tôi và đội ngũ Charlie Puth sẽ cùng nhau tạo nên kỳ quan thứ 8, một kỳ quan vô tận về cảm xúc'
Đạo diễn Cao Trung Hiếu sẽ là người đảm nhận vai trò đạo diễn cho lễ hội âm nhạc 8Wonder với sự góp mặt của Charlie Puth.
Nhắc đến những đạo diễn chương trình nổi tiếng, đa phần chúng ta đều có thể nhận ra ngay họ đều có những dấu ấn trứ danh trong các show diễn của mình. Với Cao Trung Hiếu, những dấu ấn đó gắn liền với tính nghệ thuật, những thể nghiệm đầy sáng tạo bằng âm nhạc, ánh sáng và hình ảnh. Là người đứng đằng sau sự thành công trong loạt concert của Hà Anh Tuấn, cũng là người đồng hành cùng Đen Vâu trong “Show Của Đen” tại Hà Nội, bên cạnh đó là vô số những đêm nhạc lớn nhỏ, với đầy tính chiêm nghiệm và màu sắc hàn lâm - Cao Trung Hiếu từ lâu đã trở thành một cái tên đầy sức nặng khi xuất hiện trong bất cứ một show diễn nào mà anh đứng vai trò đạo diễn.
Không bất ngờ khi Cao Trung Hiếu được công bố sẽ là đạo diễn cho festival âm nhạc 8Wonder vào tháng 7 này, với sự góp mặt của Charlie Puth. Nhưng sự hào hứng vẫn có chỗ cho những tò mò, bởi với một người đạo diễn vốn đã quá nổi tiếng với phong cách thâm trầm và đầy nghệ sĩ tính của mình, thì việc “giải đề bài” với một festival âm nhạc cần nhiều năng lượng sôi sục và bùng nổ - hẳn sẽ ẩn chứa đầy những bất ngờ.
Mới có nửa năm trôi qua thôi nhưng đó là nửa năm cực kỳ bận rộn của đạo diễn Cao Trung Hiếu! Đầu tiên hãy nói về những show diễn của anh trong suốt nửa năm vừa rồi đi. Cơ duyên nào đã đưa anh và Đen… đến với nhau trong “Show của Đen”, có phải là từ “Chân Trời Rực Rỡ”?
Tôi và Đen đã có một kỷ niệm với nhau trước cả “Chân Trời Rực Rỡ”, dù trước đó tôi và cậu ấy không có mối liên hệ nào trong nghề. Một ngày nọ, tôi thấy Đen chia sẻ một bức ảnh Đen chụp tại trường mẫu giáo ở Long Khánh (Đồng Nai), đó lại đúng là trường tôi đã từng học. Tôi vốn biết Đen là người Quảng Ninh nên thật sự bất ngờ khi biết Đen từng học ở mẫu giáo và cấp 2 tại miền Nam mà còn là đúng hai ngôi trường tôi từng học tại Long Khánh. Chúng tôi đã nhắn tin trò chuyện cả tối về bức ảnh, những con đường, hàng quán quen thuộc… Sự kết nối giữa tôi và Đen còn đến từ những chia sẻ về những chuyến đi trồng rừng, thả thú,… mà cả hai anh em đều đồng cảm!
Đen đến với “Chân Trời Rực Rỡ” từ lời mời của Hà Anh Tuấn. Nhưng suốt quá trình đấy, chúng tôi trò chuyện nhiều và tôi đã hiểu nhiều hơn về Đen và âm nhạc của cậu. Có lẽ từ một cái “chạm” nào đó, tôi nhận lời làm đạo diễn “Show Của Đen” tại Hà Nội vì lời mời rất “ngầu” và dễ mến từ Đen và ekip.
Chà, vậy là thời gian từ khi anh nhận lời đến lúc làm show là chỉ vỏn vẹn vài tháng!
Khi đồng hành cùng “Show Của Đen”, tôi biết cả ekip đã chuẩn bị từ rất lâu, có lẽ là từ sau đêm diễn rất thành công tại Sài Gòn. Vỏn vẹn thời gian làm việc cùng nhau là 3 tháng nhưng vui lắm, anh em hẹn gặp nhau ở Sài Gòn rồi Hà Nội, có những cuộc họp đến tận khuya, chẳng căng thẳng gì cả mà vui như họp mặt anh em bạn bè thân thiết. Chúng tôi nghe nhạc và ý tưởng tuôn trào.
Khi làm việc với Đen, tôi thấy rất tự do và thoải mái. Các bạn đã có sẵn chất liệu về âm nhạc, tôi chỉ tìm cách kể câu chuyện âm nhạc đó trên sân khấu, đặc biệt là phải bật lên rõ nhất tính cách của Đen. Và như mọi người đã thấy, đó là một show diễn không có màn led visual, hoàn toàn là cuộc chơi của âm nhạc và ánh sáng.
Có một chuyện vui là bài “Nấu ăn cho em” ra đời cực kỳ ngẫu nhiên. Trong lúc trò chuyện, Đen kể rằng bạn đang nuôi cơm cho mấy em nhỏ vùng cao. Tôi ngạc nhiên vì trước giờ bạn không nhắc gì cả, tôi lại rất muốn kể câu chuyện này trong show diễn! Đen chần chừ vì cậu ngại ồn ào. Nhưng tôi thuyết phục Đen bằng được vì tôi tin rằng khán giả cần được thấy thêm những điều tốt đẹp nữa ở con người này. Vậy là Đen đồng ý và rủ Phương Vũ lên đường đi quay. Trên chuyến đi đó, Đen mới sáng tác bài “Nấu ăn cho em”… Sự xuất hiện của các em bé Điện Biên tại “Show Của Đen” ở Cung Điền Kinh sẽ là khoảnh khắc đẹp khó quên của chính bản thân tôi trong công việc đạo diễn sân khấu.
Cám ơn sự theo dõi của bạn. Sau “Chân trời rực rỡ”, tôi tiếp tục hành trình trải nghiệm của mình với những đêm diễn hoàn toàn khác nhau về phong cách âm nhạc. “Bống Là Ai” tại Nhà Hát Lớn Hà Nội là một thử thách bởi đây là đêm nhạc chị Hồng Nhung hát nhạc Trịnh Công Sơn hoàn toàn theo phong cách blues jazz. Lần đầu tiên, toàn bộ band nhạc là những nghệ sĩ đến từ các quốc gia khác nhau và concept sân khấu, visual, ánh sáng chỉ sử dụng hai màu đen - trắng… “Nửa Thế Kỷ Phiêu Bạt” của chú Trần Tiến tại Trung Tâm Hội Nghị Quốc Gia lại là một màu sắc và câu chuyện âm nhạc khác. Chỉ trong vài tháng mà được thử thách bản thân, 4 show diễn với 4 concept khác nhau, nhận được sự tin tưởng, tôi thấy mình thật may mắn và hạnh phúc!
Làm thế nào để anh đảm bảo sự sáng tạo của mình luân chuyển trong 4 show diễn đó?
Tôi nghĩ, giá trị cốt lõi là bởi con người tôi vốn rất yêu âm nhạc. Mỗi khi nghe nhạc, tôi nhận định được rằng với chất liệu âm nhạc đó thì mình cần làm gì? Tôi không nhìn một show diễn như một màn trình diễn hình thức mà luôn nhìn về chúng qua góc nhìn của âm nhạc. Từ âm nhạc sẽ ra mọi câu trả lời, mọi hướng đi khác nhau về concept, không gian và sự thưởng thức. Điều quan trọng với âm nhạc là bạn phải thật sự quan tâm đến người thưởng thức là ai.
Đúng vậy. Mỗi show diễn đều mang đến cho tôi một trải nghiệm và giúp tôi học thêm được nhiều thứ từ chất liệu của những show diễn đó. Tôi thường tự hỏi mình có thật sự vui không khi làm xong một show diễn, đó mới là điều cần thiết với một người làm sáng tạo. Sáng tạo để tất cả mọi người cùng sống trong một khoảnh khắc thật vui. Nếu “Chân Trời Rực Rỡ” với sự kết hợp giữa Hà Anh Tuấn và Kitaro là một “món quà” đầy ý nghĩa và hạnh phúc thì “Show Của Đen” là một niềm vui nhiều năng lượng tích cực… Lần đầu tiên làm show mà tôi cảm thấy như quay trở lại thời sinh viên, cứ nghe nhạc là không ngại ngần đứng lên nhún nhảy, nhảy đến toát mồ hôi! Tôi đã được sống trong một không khí với năng lượng tuổi trẻ vô cùng tuyệt vời!
Một trong những công việc của đạo diễn sân khấu khi tổ chức 1 chương trình là mỗi tiết mục trên sân khấu đều phải mới nhất, ấn tượng nhất, sáng tạo nhất. Anh có nghĩ đây là áp lực của mình không?
Khi mới bắt đầu làm công việc này, tôi có suy nghĩ đó. Nhưng giờ lại không. Ngành làm về sáng tạo sân khấu là sự tổng hòa, nó cần đến từ phần nhìn, phần nghe, năng lượng của nghệ sĩ biểu diễn và cảm giác của khán giả khi bước chân vào một không gian biểu diễn. Là người tổ chức nên chúng ta thường nghĩ rằng khán giả có mưu cầu đón nhận những điều chưa từng có, nhưng nếu đặt mình vào khán giả, ta sẽ hiểu rằng chỉ cần tạo ra được một cảm xúc, một ký ức, khơi gợi nên một rung động - là đã thành công rồi. Để làm được điều đó đòi hỏi sự nhạy cảm và ta phải lựa chọn yếu tố nào thật sự cần thiết dành cho khán giả. Đối với công nghệ biểu diễn dù đang phát triển nhưng còn “trẻ” như Việt Nam thì ta hoàn toàn phụ thuộc vào những thứ kỹ thuật mình có trong tay. Không thể làm một thứ chưa từng có trên đời.
Tôi nghĩ nó nằm ở cách kết nối, cách kể chuyện và cách cùng nhau thưởng thức. Công nghệ và kỹ thuật chỉ là phương tiện. Với một đêm nhạc, khán giả ra về cảm thấy rung động và yêu đời, có cảm xúc tươi mới - đó chính là cái mới!
Cảm giác họ mong muốn nhưng không nói ra được. Chẳng hạn, như show diễn Trần Tiến có rất nhiều khán giả lớn tuổi đến xem. Họ không quan tâm người biểu diễn là ai, họ chỉ quan tâm đó là đêm nhạc của Trần Tiến, với sự xuất hiện của Trần Tiến. Tôi và anh Đức Trí đã mang đến một list nhạc kéo dài đến hơn 12h đêm, vậy mà không một khán giả nào đi về. Cả khán giả và chính nhạc sĩ đều khen đêm nhạc hay quá, lạ quá! Tôi nghĩ cảm giác đó đến từ sự rung động của ký ức mà chương trình khơi gợi được. Tôi mang gần 200 cây guitar thùng treo trên sân khấu. Anh Đức Trí mang nhạc cụ dân tộc kết hợp dàn nhạc giao hưởng… “Lạ” ở cảm giác khi được nghe “thanh âm cũ” trong sự sắp đặt của thứ “ánh sáng mới”.
Mỗi khi bắt đầu chuẩn bị cho một show diễn thì thách thức lớn nhất của anh trong quá trình chuẩn bị là gì? Khi nhận một đề bài chẳng hạn?
Tôi nghĩ, cái khó nhất là khi tôi tự hỏi bản thân: Mình muốn thể hiện điều gì trong show diễn này? Thể hiện cho ai? Cho chính mình hay cho một ai đó, cho khán giả? Giống như tôi đã từng trả lời rất nhiều lần, cuộc đối thoại khó nhất là tôi vật lộn với bản thân, khi biết rằng xung quanh mình có thật nhiều người đang tin tưởng. Đó là cái khó nhất. Tôi buộc phải gợi lại những thứ mình đã từng trăn trở, những điều mình từng yêu mến, những ước mơ mình đã từng nung nấu trong suốt khoảng thời gian mình lớn lên. Khi đã tìm ra câu trả lời thì cũng có nghĩa là tôi đã tìm ra cách kết nối mọi người để làm được những gì mình đưa ra.
Tôi thấy, những show diễn mang tên Cao Trung Hiếu thường có một điểm chung là tạo ra một bầu không khí rất nghệ thuật, đôi khi hàn lâm. Đó là sở trường của anh, cũng là dấu ấn khiến anh khó trộn lẫn với những đạo diễn khác. Nhưng ví dụ, đặt anh vào một đề bài cần sự sôi động, giải trí, thị trường… thì sao? Đó có phải là một bài toán khó, một lãnh địa không thuộc về phạm trù của anh?
Tôi cũng đã từng nghĩ nhiều về những đêm diễn cần sự sôi động và tính giải trí, liệu chúng có thật sự phù hợp với tính cách của tôi không. Nhưng khi đã được thử sức với những event, lễ hội âm nhạc với sự chuyển động không ngừng của âm nhạc và vũ đạo, tôi lại cảm thấy phấn khích - bởi tôi luôn thích khám phá âm nhạc, khám phá sự sáng tạo của các nghệ sĩ trẻ khi họ chọn âm nhạc giải trí làm phong cách. Âm nhạc dù có hàn lâm, nhẹ nhàng hay hiện đại, sôi động, cảm xúc là thứ quyết định tất cả. “Show Của Đen” là một ví dụ!
Tôi nghĩ cái sự “tĩnh” và “động” tưởng như không liên quan nhưng lại khá giống nhau. Giữa tiếng thiên nhiên lá xây xào xạc, gió hú hay tiếng chim ríu rít, có người cảm thấy yên tĩnh những cũng có người cảm thấy ồn ã. Âm nhạc cũng vậy. Nếu bạn cảm thụ được màu sắc của âm thanh, tiết tấu của âm nhạc cho dù nó là thể loại nhạc upbeat sôi động, bạn cũng có thể “go with the flow”… “Tĩnh” không phải hoàn toàn im lặng và “Động” không hẳn là những thanh ồn ào. Cảm nhận được điều đó bạn có thể “thiền” với một bài nhạc Electro hay Hip Hop.
Với sân khấu biểu diễn, tôi luôn làm việc trực tiếp với nghệ sĩ trình diễn và music producer để có thể hiểu rõ các phong cách âm nhạc và đưa ra gợi ý của mình để âm nhạc được vang lên một cách dễ cảm thụ nhất! Ông đạo diễn có thể nhún nhảy theo nhạc thì không có cớ gì khán giả sẽ đứng yên, đúng không?
Nói về tĩnh và động cũng là để nói về chuyện anh sẽ là đạo diễn cho đại nhạc hội 8Wonder sắp tới! Anh có gặp khó khăn gì với đề bài lần này không?
Tôi thấy vui khi 8Wonder mời tôi làm đạo diễn. Vui vì đây là một Music Festival theo chuẩn quốc tế đầu tiên có mặt tại Việt Nam. Chúng tôi xây dựng concept cùng một đội ngũ sáng tạo quốc tế từ vài tháng trước và mong muốn mang đến một Lễ hội Âm nhạc mùa hè thật nhiều niềm vui cho khán giả Việt Nam và quốc tế có thể ghé thăm và du lịch Việt Nam, đặc biệt là Nha Trang.
Nhiệm vụ của đạo diễn không chỉ là dàn dựng sân khấu mà còn là người có thể kết nối được âm nhạc Việt Nam và quốc tế trong một đêm diễn nhiều màu sắc. Tôi nghĩ sự kết nối đó phải truyền được cảm hứng cho cả ekip như cách mà tôi được truyền cảm hứng từ Charlie Puth hay các nghệ sĩ trong dàn line up Việt Nam. Tôi nhận ra họ có điểm chung là sự phóng khoáng và tự do trong âm nhạc. Tôi hi vọng khán giả cảm nhận được năng lượng tích cực này từ các nghệ sĩ và một chút tham vọng là xóa nhòa ranh giới âm nhạc Việt Nam và quốc tế!
Ngoài phần kỹ thuật, đó là thử thách lớn nhất của tôi khi đảm nhận vai trò đạo diễn cho 8Wonder.
Tôi nghĩ là sự đối thoại. Đối thoại rất quan trọng. Nếu ta chỉ đối thoại dựa trên công việc, với những hợp đồng, bằng kỹ thuật trình diễn, bằng công nghệ… thì sẽ rất khó để chạm đến nhau. Chúng tôi đối thoại với ekip của Charlie Puth bằng cả concept sân khấu, bằng tinh thần và ý nghĩa của chương trình. Vì sao VinWonder lại làm festival này? Nó mang mục đích và ý nghĩa gì? Nghệ sĩ Việt Nam họ là ai? Chúng tôi đã giới thiệu rất kỹ để ekip của một người bạn quốc tế về đây có thể đồng cảm được. Họ khá bất ngờ trước concept sân khấu và sự chuẩn bị đạt chuẩn quốc tế từ phía BTC Việt Nam.
Đối với một ngôi sao âm nhạc đang được yêu mến như Charlie Puth, khó nhất là đáp ứng được những yêu cầu về kỹ thuật nhưng bằng kinh nghiệm làm việc với nhiều ngôi sao quốc tế đến Việt Nam thời gian qua, ekip Viet Vision chúng tôi đã có sự chuẩn bị chu đáo và kỹ càng. Tôi thật sự thán phục sự “chịu chơi” của VinWonder, bạn thử tưởng tượng xem, với 75 phút trình diễn trên sân khấu tại Nha Trang, có thể xem đây là màn biểu diễn chào sân đầu tiên của Charlie Puth trước khi bắt đầu tour diễn Châu Á của anh. Thật là một niềm vui lớn cho khán giả yêu nhạc không chỉ ở Việt Nam mà cho khán giả Châu Á có dịp thưởng thức âm nhạc của anh tại bờ biển lễ hội đẹp như Vin Pearl.
VinWonder kỳ vọng đây là một concept festival âm nhạc quốc tế thường niên lần đầu có mặt tại Việt Nam, do chính người Việt Nam tổ chức! Trong 6 tháng qua, họ đã cùng làm việc với ekip chúng tôi và một đội ngũ nước ngoài để tạo ra concept “8Wonder - kỳ quan thứ 8”, cũng có thể gọi là một kỳ quan infinity - vô tận về cảm xúc. Nếu hôm đó bạn có mặt, bạn sẽ thấy một diện mạo rất “điên”, một thứ decor rất riêng dành cho 8Wonder lần này. Bây giờ, cái khó nhất với tôi là cần sắp xếp tiết mục của nghệ sĩ Việt Nam với nghệ sĩ quốc tế để có được một cảm xúc chung. Chúng tôi cũng có những set up phức tạp về kỹ thuật, sân khấu và sự xuất hiện để khiến không chỉ khán giả, mà chính ca sĩ Việt Nam và cả Charlie Puth cũng sẽ tận hưởng thời gian trình diễn của mình.