Đạo diễn Đặng Tất Bình: Điện ảnh Việt cần chủ động trong hội nhập quốc tế
Theo đạo diễn, NSƯT Đặng Tất Bình, nguyên Giám đốc Hãng phim truyện 1 Việt Nam, nếu chúng ta không tích cực chủ động, không tích cực tìm ra những ý tưởng mới lạ để thu hút các bạn làm điện ảnh nước ngoài thì chúng ta vẫn cứ dậm chân tại chỗ mà thôi.
Sau một tuần diễn ra với nhiều hoạt động, Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng lần thứ 1 với chủ đề "Mang châu Á đến Đà Nẵng - mang Đà Nẵng đến châu Á" đã khép lại với nhiều dư âm tốt đẹp. Nhiều nhà làm phim, đạo diễn, biên kịch, nghệ sĩ cũng như khán giả trong và ngoài nước đến tham dự Liên hoan phim, mở ra nhiều cơ hội và thách thức của Việt Nam trong việc thu hút các đoàn làm phim quốc tế.
Phóng viên VOV.VN đã có cuộc trò chuyện với đạo diễn, NSƯT Đặng Tất Bình, nguyên Giám đốc Hãng phim truyện 1 Việt Nam về tiềm năng phát triển của điện ảnh Việt Nam sau Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng lần 1.
PV: Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng ra mắt lần đầu tiên nhưng tiệm cận được với mô hình của nhiều Liên hoan phim quốc tế trên thế giới về các chương trình và tính chất, quy mô của Liên hoan phim, được kỳ vọng sẽ trở thành điểm hẹn mới của điện ảnh Việt Nam và châu Á. Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng và cơ hội phát triển của điện ảnh Việt Nam sau mỗi kỳ Liên hoan phim quốc tế được tổ chức?
Đạo diễn Đặng Tất Bình: Với tư cách là người đã từng tham gia vào những dự án hợp tác với nhiều nước, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Pháp, Mỹ, tôi nghĩ cơ hội để giúp các nhà làm phim Việt Nam trưởng thành hơn nữa, tiếp cận xu hướng làm phim của quốc tế nhiều hơn nữa thì không có con đường nào khác ngoài con đường tìm kiếm, phát triển những cơ hội hợp tác với điện ảnh nước ngoài.
Tôi nghĩ nước nào cũng vậy thôi, ngay cả những nước có nền công nghiệp điện ảnh rất mạnh, họ cũng muốn hợp tác với Việt Nam, bởi vì ở chúng ta có nhiều điều hay mà kho đề tài của họ có thể chưa có. Thì đây là cái mà chúng ta có thể giúp họ. Ngược lại, họ có thể giúp chúng ta về quy trình làm phim ở trong công nghệ kỹ thuật số hiện đại như hiện nay.
PV: Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng lần thứ 1 cũng mở ra cơ hội để điện ảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng quốc tế. Để thu hút các đoàn làm phim, chúng ta cần phải làm những gì, thưa ông?
Đạo diễn Đặng Tất Bình: Cách đây 30 năm, chúng ta có các bộ phim nước ngoài quay ở Việt Nam như “Người tình”, “Đông Dương”. Thời điểm đó, để đưa các bạn điện ảnh nước ngoài vào Việt Nam, bản thân tôi mất 6 tháng để lo các thủ tục hành chính. So với thời đó thì bây giờ thủ tục đã dễ dàng hơn rất nhiều. Với những quy định mới trong Luật Điện ảnh thì càng cởi mở hơn trong việc cấp phép cho đoàn làm phim nước ngoài tại Việt Nam. Họ chịu trách nhiệm sản phẩm đầu ra của mình, trong quá trình ý tưởng đầu vào, quá trình làm phim chúng ta không can thiệp. Đây là điều khác hoàn toàn với ngày xưa.
Tôi nghĩ điều chúng ta cần làm bây giờ là tích cực quảng bá, mạnh dạn tìm kiếm để trình bày với các bạn nước ngoài những dự án, ý tưởng hay của chúng ta.
Trong lĩnh vực này, tôi rất khâm phục những đồng nghiệp, các thế hệ đạo diễn đi sau chúng tôi như Bùi Thạc Chuyên, Phan Đăng Di. Họ là những người cực kỳ dũng cảm. Cách đây 15 năm, họ có nói với tôi về những ý tưởng, với tư cách là người làm nghề tôi rất ủng hộ, nhưng với tư cách là người quản lý thật sự tôi lo cho họ. Nhưng không ngờ mười mấy năm trôi qua họ thành công.
Bằng chứng là thời gian gần đây, phim của nhóm đạo diễn làm phim độc lập ấy chắc chắn gây cho chúng ta nhiều ấn tượng. Tôi không nói đến chuyện doanh thu.
PV: Kinh nghiệm ông rút ra được khi hợp tác làm phim với nước ngoài?
Đạo diễn Đặng Tất Bình: Năm 2015 tôi cùng hợp tác với đạo diễn Nhật Bản Kazuki Ohomori để làm phim “Hòa cùng làn gió Việt”. Rất tiếc khi phải nói bộ phim chưa thật sự thành công về mặt nghệ thuật. Tuy nhiên đây cũng là cơ hội rất hay. Tôi nghĩ chúng ta phải chủ động, phải “chạy” thôi. Cũng có những người bạn nước ngoài họ rất yêu Việt Nam và họ tìm đến chúng ta. Nhưng tôi nghĩ chúng ta vẫn phải chủ động trước. Nếu chúng ta không tích cực chủ động, không tích cực tìm ra những ý tưởng mới lạ để thu hút các bạn làm điện ảnh nước ngoài thì chúng ta vẫn cứ dậm chân tại chỗ mà thôi.
Tôi rất ngạc nhiên khi làm việc với các bạn điện ảnh Nhật Bản. Ngay từ đầu cả 2 bên đã cùng tư duy về ý tưởng nên làm việc rất rất nhanh. Mặc dù là 2 dân tộc có 2 nền văn hóa hoàn toàn khác nhau, nhưng không hiểu sao ngồi vào bàn làm việc, cả tôi và NSND Đặng Nhật Minh đều rất ngạc nhiên bởi suy nghĩ của họ rất giống mình. Đây là cái thuận lợi cho chúng ta.
Nền điện ảnh của đất nước nào cũng sẽ phải cố gắng tìm kiếm ra những cái mới lạ để có thể phát triển nền điện ảnh nước nhà và thu hút khán giả. Tôi nghĩ Việt Nam là đất nước có nhiều cái lạ, không chỉ về phong cảnh, về bối cảnh, mà còn lạ ở ở suy nghĩ.
Đó là những cái hấp dẫn để họ đến với mình. Chưa kể là chi phí làm phim ở Việt Nam quá rẻ, ai làm phim mà chẳng muốn rẻ. Giá thành càng rẻ doanh thu càng cao thì lợi nhuận càng lớn.
PV: Theo ông, điều cần thiết nhất để điện ảnh của chúng ta phát triển trong giai đoạn hiện nay là gì?
Đạo diễn Đặng Tất Bình: Điện ảnh là nền công nghiệp giải trí, nếu chúng ta cứ tuân thủ theo con đường mòn thì không thể phát triển được. Tôi rất vui khi chúng ta có rất nhiều phong cách làm phim khác nhau. Nhưng cuối cùng, phim phải hướng đến khán giả, tôi cho đấy là điều cần nhất.
Chẳng hạn, đến bây giờ chúng ta vẫn cần phải có những bộ phim tuyên truyền về lịch sử cách mạng. Nhưng hãy nói đến lịch sử theo cách mà khán giả hiện nay người ta muốn nghe, đừng nói theo cách mình bắt người ta phải nghe. Tôi nghĩ nếu cứ như vậy thì chúng ta sẽ phát triển mặc dù tôi nhìn thấy chông gai cũng không ít.
PV: Từ thành công của Liên hoan phim châu Á lần 1, chúng ta hy vọng rằng Việt Nam sẽ là điểm đến của nhiều Liên hoan phim với quy mô châu lục hay quốc tế. Ông có tự tin chúng ta làm tốt công tác chủ nhà?
Đạo diễn Đặng Tất Bình: Tôi nghĩ rằng để tổ chức một liên hoan phim, bất kỳ địa phương nào cũng muốn làm thật tốt, thật hoành tráng, thật ân tình và chu đáo để gây tiếng vang cho quảng bá du lịch. Còn làm được hay không thì phụ thuộc vào đội ngũ cán bộ.
Các địa phương nếu muốn tạo ra sự ganh đua trong tổ chức Liên hoan phim thì nên mời một số chuyên gia có kinh nghiệm trong việc tổ chức sự kiện. Việc quảng bá, giới thiệu cho địa phương thế nào thì nên có chuyên gia thì sẽ tốt hơn. Nếu địa phương có ý thức, lãnh đạo có uy tín và có lòng tin với doanh nghiệp thì việc tổ chức Liên hoan phim không khó. Một doanh nghiệp không lo nổi, nhưng 100 doanh nghiệp cùng chung tay thì điều này không khó. Đây là cái tài của địa phương đó.
PV: Những ồn ào liên quan đến đời tư của nghệ sĩ liệu có làm ảnh hưởng đến việc tham dự Liên hoan phim hay không?
Đạo diễn Đặng Tất Bình: Không chỉ là một người làm nghề chuyên môn mà tôi đã từng là quan chức của ngành điện ảnh. Tôi nghĩ cái gì cần phải chấn chỉnh, cái gì cần phải ban bố nhà nước cứ ban bố, đó là việc của cơ quan công quyền. Bản thân người nghệ sĩ cũng nên tự xây cho mình một bộ quy tắc ứng xử, không nên đợi văn bản nào cả. Nếu tạo scandal để đánh bóng tên tuổi thì tôi nghĩ cũng chẳng cần đến quy tắc của Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch mà khán giả người ta cũng tẩy chay.
PV: Xin cảm ơn ông!./.