Đạo diễn Đinh Đức Liêm: Làm nghề tâm huyết và tử tế

Mấy năm gần đây, đạo diễn Đinh Đức Liêm vắng bóng trên màn ảnh nhỏ. Hỏi ra mới biết, anh tập trung vào dự án kinh doanh căn hộ cho thuê của gia đình và cũng bởi sự chán nản trước thực trạng phim truyền hình mấy năm về trước. Nhưng, cuối cùng anh đã trở lại, bởi phim ảnh mới thực sự là đam mê, muốn theo đuổi đến cùng.

Giữ lửa đam mê

Sự tạm ngưng ấy có thể coi là “trạm nghỉ” trên hành trình làm phim mấy mươi năm với rất nhiều nghị lực, quyết tâm. Xuôi tàu vào Nam sau khi tốt nghiệp đạo diễn năm 1988, anh bươn chải đủ nghề. Ngay cả với công việc đạo diễn, giai đoạn đầu cũng lắm chật vật, thậm chí trắng tay sau phim điện ảnh Thời đại đàn bà con gái (1993). Những trải nghiệm rất đời ấy góp phần làm nên tên tuổi của anh gắn liền với những tác phẩm đề tài xã hội. Hiện thực cuộc sống ngồn ngộn chất liệu với nhiều đề tài nóng bỏng, sâu sắc luôn là cảm hứng bất tận. Vậy nên, sự trở lại của anh với Ngày em đến (đang phát sóng 14 giờ thứ bảy và chủ nhật trên VTV3) thuộc dòng phim xưa, vừa bất ngờ vừa quen thuộc.

Đạo diễn Đinh Đức Liêm trên phim trường Ngày em đến

Ngày em đến đặt ra thử thách cho đạo diễn Đinh Đức Liêm: dung hòa về mặt thể loại và phong cách cá nhân. Phim xưa thường có tiết tấu chậm, trong khi các phim của anh luôn khá dồn dập. Cứ làm theo mô típ quen thuộc đó, anh cho rằng không tạo được sự hấp dẫn. Nếu theo dõi diễn tiến của bộ phim sẽ thấy, Ngày em đến vẫn mang những nét đặc trưng tiêu biểu của dòng phim xưa khi ê kíp đã nỗ lực “liệu cơm gắp mắm” để vượt qua khó khăn về bối cảnh, phục trang, đạo cụ… Nhưng nó đã được thổi hồn để tạo nên những tươi mới trong cách thể hiện. Từ cách kể chuyện kết hợp màu sắc bi - hài, lời thoại trau chuốt và đặc biệt xây dựng tình huống nhanh, mạch lạc. Quan trọng hơn, dù khoác áo phim xưa nhưng các vấn đề phim phản ánh vẫn vẹn nguyên tính thời sự: quan hệ mẹ chồng - nàng dâu, mẹ ghẻ - con chồng, giành giật tài sản, thủ đoạn tranh quyền, đoạt lợi…

Theo dõi các phim của đạo diễn Đinh Đức Liêm, 3 nhận diện thương hiệu đã được hòa trộn khá nhuần nhuyễn trong Ngày em đến. Đầu tiên là cái duyên với những thân phận phụ nữ. Anh khẳng định: “Tôi luôn thích đề cao nữ quyền, sự bình đẳng, khả năng vươn lên mạnh mẽ, vượt qua nghịch cảnh của phụ nữ, không chấp nhận sự hiền lành, an phận, nhu nhược, thụ động trước hoàn cảnh”. Mẹ con Trà (Lê Hạ Anh) trong phim đã chuyển tải sứ mệnh ấy trọn vẹn. Nhưng anh cũng “tự bào chữa” rằng, những: Huy (Quyền Linh), Toàn (Chi Bảo) trong Đồng tiền xương máu; Phát (Trương Minh Quốc Thái) trong Người đàn bà yếu đuối; Phúc (Lương Thế Thành), Lợi (Thanh Phương) trong Miền đất phúc… đều là những nhân vật nam ấn tượng.

Thứ hai, là khả năng phát hiện diễn viên trẻ. Theo anh, dù phải vất vả hơn trên hiện trường để phân tích tâm lý, hướng dẫn hành động, nhưng nó là cơ hội để anh tạo nên sự tươi mới, chân thật trong diễn xuất. Những: Bạch Công Khanh, Lê Hạ Anh, Dũng Bino… trong Ngày em đến đều được anh “bẻ lái” nhuần nhuyễn hơn trong diễn xuất để thoát khỏi cái bóng một vài vai diễn trước đó.

Và cuối cùng, sự kết hợp giữa các yếu tố bi, hài. “Tôi không thích phong cách làm phim chính kịch, thuần bi kịch hay hài kịch. Tôi rất thích phim mình làm kiểu trong hài có bi, trong bi có hài. Khán giả xem vậy cũng nhẹ nhõm, đỡ nặng đầu, thấy hấp dẫn hơn”, anh khẳng định. Để làm được hài sâu lắng, hài hiện thực đòi hỏi sự thông minh, tinh tế của người sáng tác, sự duyên dáng thật sự của diễn viên, thay vì kiểu tấu hài vô tội vạ, hài nhảm.

Cần cái nhìn cởi mở với phim Việt

Với một người làm nghề tâm huyết và tử tế, nhìn phim truyền hình rơi vào cảnh thoái trào, “chợ chiều”, sự chán nản là điều tất yếu. Những trăn trở đó càng dễ hiểu, bởi trong nghề, anh nổi tiếng là người cầu toàn, chỉn chu. Nhìn vào danh sách những bộ phim anh từng đảm nhận vai trò đạo diễn khi còn cộng tác với Hãng phim Đài Truyền hình TPHCM (TFS): Đồng tiền xương máu, Giã từ dĩ vãng, Miền đất phúc, Người đàn bà yếu đuối, Cuộc chiến hoa hồng… đã nói lên tất cả.

Không phải đến thời điểm này, suốt mấy mươi năm làm nghề, chưa khi nào đạo diễn Đinh Đức Liêm thôi những trăn trở về thực trạng phim truyền hình. Theo anh, nhu cầu thưởng ngoạn của khán giả không bao giờ hết, vì đó là phương tiện giải trí phổ biến, lại không phải trả tiền. Tuy nhiên, anh nhìn nhận khán giả Việt vốn có tính vọng ngoại, thấy cái gì của nước ngoài cũng đánh giá cao hơn, thích hơn của bản xứ.

Anh phân tích: “Các tác phẩm của nước ngoài hiện ngập tràn trên truyền hình, trên các nền tảng trực tuyến cả chính thống, phim lậu nên khán giả có quá nhiều cái để xem, so sánh. Nhưng họ không hiểu được rằng, điều kiện làm phim, vốn đầu tư, sự không hạn chế đề tài, chế độ kiểm duyệt còn chặt chẽ nên phim của nước ngoài rất phong phú. Nhưng đó cũng chỉ là một số ít thành công trong số lượng phim sản xuất gấp nhiều lần như thế ở xứ họ. Các phim đó cũng đã được khán giả bản xứ công nhận, rồi mới phổ biến ra xứ khác, chứ không phải tất cả phim họ làm ra đều hay, đều thành công”.

Đó là lý do anh mong khán giả có cái nhìn cởi mở, cổ vũ, thay vì khắt khe, soi mói, phủ nhận phim Việt. Sự hiểu biết, văn minh của khán giả chính là động lực để người làm phim phải cố gắng làm tốt hơn công việc của mình. Ở chiều ngược lại, nó sẽ khiến nhà làm phim chán nản, buông xuôi. Tất nhiên, để thuyết phục khán giả, cách duy nhất là làm hay, làm nhiều phim với đề tài mới lạ, phong cách đa dạng qua bàn tay của những nhà làm phim giỏi.

Nhưng, để phim truyền hình cất cánh, không thể không nhắc đến vai trò của các đơn vị sản xuất, nhà đài. Việc cần làm là tăng cường đầu tư, mở rộng đề tài, thể loại phim cho phong phú, tạo nên những tác phẩm không cũ kỹ, nhàm chán. Theo đạo diễn, quan trọng hơn chính là chế độ khuyến khích dành cho biên kịch, đạo diễn, diễn viên… nhằm tạo động lực cần thiết, động viên người làm nghề trau dồi tài năng.

Anh hy vọng: “Chỉ có sự thay đổi từ những vấn đề vĩ mô đến vi mô của ngành, của người làm nghề mới có được sự thu hút tích cực đối với người xem. Và năm 2021, hy vọng mọi vấn đề đó đều có chuyển biến tốt để phim truyền hình thực sự là món ăn tinh thần ngon, phong phú, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khán giả”.

HẢI DUY

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/dao-dien-dinh-duc-liem-lam-nghe-tam-huyet-va-tu-te-717280.html