Đạo diễn không sợ khán giả chê khi 'xem thơ' Xuân Quỳnh kiểu Broadway
NSƯT Ngọc Ánh cho biết trong chương trình 'Trời biếc thu sang', khán giả sẽ được 'xem thơ' chứ không còn chỉ có 'nghe thơ' như cách thông thường. 'Tôi không ngại bị chê, nếu có bị chê tôi cảm thấy vui', chị nói.
Lấy cảm hứng từ những áng thơ tình bất hủ của nữ thi sĩ Xuân Quỳnh, ngày 24/10, Nhà hát Tuổi trẻ sẽ cho ra mắt chương trình nghệ thuật Trời biếc thu sang. Đạo diễn, NSƯT Ngọc Ánh - Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ cho biết, chương trình sẽ dựng theo kiểu sân khấu Broadway, khán giả "xem thơ" chứ không còn chỉ có "nghe thơ" như cách thông thường.
Thay đổi thói quen thưởng thức nghệ thuật
- Có thể hình dung cách "xem thơ" trong 'Trời biếc thu sang' sẽ như thế nào thưa chị?
Năm nào Nhà hát Tuổi trẻ cũng thực hiện tháng kịch Lưu Quang Vũ và năm nay cũng vậy. Nhưng tôi chợt nghĩ tại sao mình cứ khai thác tác phẩm của Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh mà không nói về họ hoặc nói về cuộc đời của họ, cuộc đời đẹp đẽ để tạo nên những vần thơ hay chứ không phải bi kịch cuộc đời. Đọc thơ Xuân Quỳnh, tôi thấy yêu thơ và yêu con người của nữ thi sĩ.
Chương trình xoay quanh cảm xúc, ký ức của một họa sĩ phút giao mùa cuối thu sang đông, người họa sĩ đi tìm lại những vần thơ đã mất, hoài niệm về tình yêu đã xa. Miền ký ức dần hiện lên qua nét phác họa của bức tranh mùa thu, qua giai điệu âm nhạc và lời thơ dâng tràn cảm xúc…
Tình yêu ấy của họa sĩ đã nảy nở vào mùa thu, chất chứa bao đam mê mãnh liệt của tuổi trẻ, cùng trải qua những phút nhớ nhung da diết, những phút giận hờn vu vơ, những ngày chưa giông bão và ngậm ngùi khi mùa đông tới.
Những cung bậc tình yêu của nhân vật được đạo diễn chuyển tải qua sự kết nối khoảng 20 tác phẩm thi ca, múa, hội họa và âm nhạc. Trong đó, có 4 bài bài thơ nổi tiếng của thi sĩ Xuân Quỳnh Trời trở rét, Thơ tình cuối mùa thu, Lại bắt đầu, Hoa cỏ may và Ngược lối thu sang (Bùi Kim Anh).
Tôi hướng tới thể loại Broadway - kết hợp ca khúc, lời thoại, diễn xuất và nhảy múa, bởi thế mà sự đa năng của các diễn viên sẽ được khai thác tối đa. Chẳng hạn, ca sĩ Lê Việt Anh trong chương trình vừa là ca sĩ thể hiện hai ca khúc Si mê và Tình nhân, vừa là chàng trai lãng tử với những hoài niệm tình yêu (bằng thơ). Anh cũng đồng thời là nhân vật chính trong kịch thơ Trời trở rét của đạo diễn Sĩ Tiến.
Nghệ sĩ, họa sĩ Lê Vi cũng vậy. Cô vừa là họa sĩ vẽ màu nước, vừa chơi Cello giai điệu bài Thơ tình cuối mùa thu, đồng thời cũng chính là nhân vật nữ chính trong câu chuyện của Trời biếc thu sang.
Tôi sẽ làm mới theo phong cách đương đại, mang hơi thở cuộc sống một cách nhẹ nhàng. Cái mới đó chiếm 40% toàn bộ chương trình. Ví dụ như 2 bài hát của nhạc sĩ Phú Quang là Đâu phải bởi mùa thu, Khúc mùa thu tôi sẽ hướng tới cách hát không quằn quại, giằng xé mà nhẹ nhàng hơn. Chương trình sẽ kiểu như sân khấu Broadway.
- Với cách dàn dựng mới, chị tin tưởng rằng định hướng sân khấu thời đại 4.0 sẽ theo kiểu sân khấu Broadway của thế giới?
Trước kia, tôi luôn muốn dựng các tác phẩm nghệ thuật theo thể loại Broadway. Khi được Nhà hát cử đi học ở Nhật 4 tháng, niềm yêu thích đó càng được nhân lên và tôi có thêm kiến thức để có thể thực hiện ước mơ đó. Tôi định hình rằng có thể đến lúc về về hưu cũng chưa thể dựng được Broadway như ở Mỹ hay ở Anh nhưng chắc chắn tiệm cận được gần đích đó.
Làm mới chấp nhận khen chê
- Diễn viên của Việt Nam hiện tại có đáp ứng được cách dàn dựng mới kiểu Broadway?
Tôi không dám nói tới diễn viên của nhà hát khác nhưng với Nhà hát của chúng tôi, khi các em về, chúng tôi đều phải đào tạo lại. Hiện nay, đào tạo của chúng ta chỉ đơn môn, múa thì chỉ học múa, dù có học thêm kỹ thuật biểu diễn nhưng chỉ lướt qua. Ca sĩ chỉ học thanh nhạc, hiện nay các bạn có bộ môn nhảy múa nhưng họ chưa cảm thấy là thực sự cần thiết. Nói chung các bạn được đào tạo chuyên ngành gì chỉ chú trọng chuyên ngành đó, coi các thứ khác là phụ. Hình thức Broadway rất phát triển ở nước ngoài, diễn viên tự học thêm rất nhiều, diễn viên múa học thêm sân khấu, họ đa-zi-năng có thể nhảy múa, hát, diễn kịch...
Chẳng hạn chương trình Trời biếc thu sang, tôi muốn các nghệ sĩ ở Nhà hát Tuổi trẻ phải đa năng, vừa múa, đọc thơ, hát, diễn… tôi đào tạo qua các chương trình, không đáp ứng được phải cất công đi tìm kiếm. Đây là vở xã hội hóa, tôi có toàn quyền nếu diễn viên Nhà hát không đáp ứng, tôi có thể tuyển diễn viên khác. Cho nên diễn viên muốn phát triển và nhiều cơ hội thì không còn cách gì khác là phải tự học thêm rất nhiều thứ.
Chương trình này tôi đã phải mời tới biên đạo múa đương đại nổi tiếng Lê Vi - ngoài thể hiện khả năng múa, Lê Vi là họa sĩ vẽ màu nước rất đẹp, chơi được đàn hay như ca sĩ Hà Lê - người làm mới nhạc Trịnh và được công chúng đón nhận.
- Làm mới, chị lường trước được những khen chê?
Với tôi nghệ thuật phải có sự sáng tạo, nhất là vai trò của đạo diễn, nếu cứ lặp lại chính mình đã là dậm chân tại chỗ, không thể phát triển. Đương nhiên những sự thử nghiệm có thể thành công hoặc chưa nhưng chúng ta cũng lấy đó là bài học để chúng ta có sự điều chỉnh. Tất nhiên chúng ta không thể lấy khán giả để thử nghiệm mà phải đo đếm sự sáng tạo tiếp cận khán giả ra sao.
Tôi không ngại bị chê, nếu có bị chê cảm thấy vui vì được mọi người quan tâm tới sản phẩm của tôi. Nếu khán giả không khen không chê mới đáng sợ vì như thế là sản phẩm nhờ nhờ, thiếu dấu ấn.
Tôi trân trọng những bạn trẻ nghiên cứu tìm hiểu về văn hóa Việt Nam. Nhạc Trịnh cũng là một phần văn hóa Việt Nam, Hà Lê đi được đi học ở nước ngoài nhưng nghiên cứu văn hóa Việt Nam và phát triển nó. Tôi thích làm mới và tôi nghĩ mọi người cũng thích cái mới, quan trọng là mình có làm mới tới được với khán giả hay không. Việc tôi mời Hà Lê là tôi trân trọng sự dám làm mới của Hà Lê - nhất là mảng làm mới nhạc Trịnh. Chương trình có mảng ca khúc về Hà Nội thì tôi rất muốn khán giả nghe Hà Nội qua Hà Lê vẫn rất Hà Nội và rất mới.
- Thực tế hiện tại ít người thích thơ, hội họa thì kén khán giả, kịch rơi vào cảnh "tối đèn", chị xoay sở thế nào để có thể ra vở?
Đây là điều luôn khiến các nhà sáng tạo dè chừng, họ luôn có tâm hồn sáng tạo bay bổng nhưng thực tế có câu hỏi luôn quẩn quanh trong đầu là "vé bán được không". Thế là sáng tạo lại như bị co lại. Ngay từ đầu tự tôi cảnh báo là chương trình khó bán vé, là bởi những người yêu thơ không có tiền nhưng tôi vẫn phải làm bởi có nhiều người yêu thơ.
Chương trình này tôi kết hợp với Quỹ Thiện Nhân - vé bán được sẽ trích ra 2 ca phẫu thuật cho trẻ em khiếm khuyết bộ phận sinh dục. Tôi xác định lỗ, không có tiền cho việc đạo diễn và dàn dựng kịch bản nhưng tôi được làm điều mình thích. Mong là khán giả khi xem chương trình những đau đớn, dằn vặt sẽ trôi hết đi, bỏ tham sân si, yêu đời, bắt đầu lại từ đầu.