Đạo diễn Lê Hoàng: Chấp nhận mặt trái của mạng xã hội như kiểu 'ăn trứng phải đập vỡ vỏ'

Đạo diễn Lê Hoàng cho rằng không nên đổ hết lỗi cho mạng xã hội mà quan trọng là thái độ và sự tỉnh táo của người sử dụng: 'Chúng ta phải nhìn mạng xã hội với sự biết ơn vì những gì nó mang lại và chấp nhận mặt trái của nó, không thể 'ăn trứng mà không đập vỡ vỏ'. Mỗi người phải tự xây dựng bản lĩnh chịu đựng trước bất công vì có những thứ rất khó phân định đúng sai'.

Nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về việc tiếp nhận và xử lý thông tin trên mạng xã hội (MXH) một cách hiểu biết và khôn ngoan, qua đó gửi thông điệp cảnh tỉnh cộng đồng đừng trở thành nạn nhân bị giật dây của vấn nạn vu khống trục lợi có chủ đích, công ty Sparkling khởi xướng chiến dịch “Nói không với nạn vu khống trục lợi trên mạng xã hội” và mong muốn cộng đồng hưởng ứng rộng rãi, chung tay xây dựng môi trường mạng lành mạnh, hiệu quả.

Chiến dịch gồm các hoạt động trên mạng xã hội, các bộ truyện tranh đăng tải trên mạng để thu hút cộng đồng.

Bên cạnh đó là một tọa đàm tổ chức tại báo Thanh Niên với sự tham dự của đại diện cơ quan quản lý (Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM), những người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội (KOL), các chuyên gia về pháp luật, đại diện đơn vị đào tạo về báo chí và truyền thông (Khoa Báo chí truyền thông, ĐH KHXHNV TP.HCM); nạn nhân từng bị vu vạ, bị tổn thương tinh thần trước những thông tin được tung ra trên mạng xã hội.

Một hình ảnh trích trong bộ tranh của chiến dịch.

Một hình ảnh trích trong bộ tranh của chiến dịch.

Buổi tọa đàm được tổ chức nhằm nhận diện động cơ tiêu biểu của hành vi vu khống trục lợi của một số người dùng mạng xã hội; các hình thức thông tin mang tính ác ngôn tiêu cực, vu vạ, nhân danh bóc “phốt” nhằm mục tiêu gây tổn hại người khác; cảnh tỉnh vấn nạn tin giả (fake news) và hậu quả; cảnh tỉnh cộng đồng mạng...

Một cuộc thăm dò ý kiến, được mở ra trong tháng 10 trên Thanh Niên với câu hỏi dành cho bạn đọc: “Bạn đánh giá thế nào về mạng xã hội hiện nay” cho thấy, 17% độc giả đánh giá mạng xã hội lan tỏa những giá trị tốt đẹp; 14% đánh giá mạng xã hội kết nối cộng đồng; 15% đánh giá mạng xã hội “Phát sinh nhiều tiêu cực”, 20% đánh giá “Bị một số người lợi dụng”; 15% đánh giá “Nhiều tin thất thiệt”; 13% đánh giá “Nhiều thông tin chính xác” và 5% bày tỏ “Ý kiến khác”.

Mới đây, trong một báo cáo về việc thực hiện tiêu chuẩn cộng đồng, Facebook thừa nhận gặp khá nhiều khó khăn trong việc quản lý những nội dung xấu điển hình như đe dọa, xúc phạm tấn công cá nhân người khác.

Tháng 5.2019, Facebook công bố bản báo cáo thực hiện Tiêu chuẩn cộng đồng - bộ quy tắc nêu ra những điều được và không được phép để quản lý và ngăn chặn lạm dụng nội dung trên nền tảng này. Chỉ trong 3 tháng đầu năm 2019, Facebook đã tìm ra và xóa bỏ hơn 2,19 tỉ tài khoản giả, cùng 1,96 tỉ nội dung spam.

Trong hầu hết các trường hợp, đội ngũ của Mark Zuckerberg có thể thực thi các tiêu chuẩn và phát hiện từ 90% đến hơn 99% các vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng. Nhưng con số đó thấp hơn nhiều đối với các nội dung bắt nạt hay xúc phạm, với tỷ lệ mà đội ngũ kiểm duyệt của Facebook tự phát hiện lần lượt là 14% và 65,4% so với tổng số hàng triệu nội dung bị người dùng báo cáo”.

Hoa hậu Thế giới người Việt năm 2010 Diễm Hương tâm sự từ khi trở thành hoa hậu cô bị trầm cảm và nhiều khi nghĩ đến tự tử. "Khi đang mang bầu, tôi vướng phải một scandal. Cộng đồng mạng đã mang cả con tôi ra để hạ nhục. Giai đoạn đó tôi cảm thấy rất bất an và bị động thai", Diễm Hương nhớ lại.

Hoa hậu Diễm Hương chia sẻ mình từng bị trầm cảm vì mạng xã hội. Ảnh: N.D

Hoa hậu Diễm Hương chia sẻ mình từng bị trầm cảm vì mạng xã hội. Ảnh: N.D

Chia sẻ với những tổn thương của Diễm Hương nhưng đạo diễn Lê Hoàng cho rằng không nên vì thế mà đổ hết lỗi cho MXH. Ông cho rằng nhờ có MXH mà hàng chục triệu người yếu thế được bày tỏ ý nghĩ của mình. Theo đạo diễn Lê Hoàng nếu đổ hết lỗi lên MXH sẽ hạn chế quyền tự do sử dụng sự tiến bộ của công nghệ. Quan trọng là thái độ và sự tỉnh táo của người sử dụng.

"Chúng ta phải nhìn MXH với sự biết ơn vì những gì nó mang lại và chấp nhận mặt trái của nó, không thể 'ăn trứng mà không đập vỡ vỏ'. Mỗi người phải tự xây dựng bản lĩnh chịu đựng trước bất công vì có những thứ rất khó phân định đúng sai", ông Hoàng nhận định.

Ông Vũ Phi Long, nguyên Phó chánh tòa hình sự TAND TP.HCM, cho biết từ khi các thông tin trên mạng xã hội được công nhận là dữ liệu điện tử vào năm 2018 và được dùng như chứng cứ trong các vụ án, TP.HCM đã có 5-7 vụ kiện. Người lĩnh án nhẹ thì 6 tháng, nặng thì 1,5-2 năm tù.

Ông Long gợi ý 4 hình thức xử lý khi bị vu khống trên MXH. Một là gửi yêu cầu xin lỗi đến chủ thể vu khống. Hai là yêu cầu xử lý vi phạm hành chính. Ba là kiện ra tòa dân sự, yêu cầu bồi thường thiệt hại tổn thất danh dự nhân phẩm. Và cuối cùng là yêu cầu khởi tố vụ án hình sự.

Trâm Anh

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/noi-khong-voi-vu-khong-truc-loi-tren-mang-xa-hoi-21302.html