Đạo diễn Lê Thế Song gắn kết tinh hoa di sản tại 'Linh thiêng nguồn cội- Đất Tổ Hùng Vương'

Các di sản ngàn năm của cha ông với những điểm nổi bật nhất đã được phô diễn và đan cài, lột tả rất rõ nét và đầy đủ một cách hoàn chỉnh toàn bộ những nét đẹp và những tinh hoa của di sản trên sân khấu chương trình 'Linh thiêng nguồn cội - Đất Tổ Hùng Vương'.

Tinh hoa di sản trên sân khấu Linh thiêng nguồn cội (ảnh BTC).

Tinh hoa di sản trên sân khấu Linh thiêng nguồn cội (ảnh BTC).

Chương trình nghệ thuật độc đáo khai mạc Lễ hội Đền Hùng, Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ năm 2023, Kỷ niệm 20 năm thực hiện công ước 2003 của UNESCO về bảo tồn di sản, liên hoan thực hành di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO ghi danh, vừa được tổ chức trang trọng tại Quảng trường Hùng Vương, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Chương trình với 3 phần: Linh thiêng nguồn cội – Đất tổ Hùng Vương, Tinh hoa di sản, Khát vọng Lạc Hồng do nhà biên kịch, thạc sỹ Lê Thế Song làm Tổng đạo diễn cùng ekip đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả.

Trước khi vào phần lễ là màn khai từ nghệ thuật với chủ đề Linh thiêng nguồn cội. Từ ý tưởng và khai diễn trên sân khấu, Đạo diễn đã khéo léo khắc họa được câu chuyện về Con Rồng Cháu Tiên, về bản sắc văn hóa của người Việt cổ. Lịch sử hình thành, cội nguồn dân tộc được khắc họa sáng tạo với các tổ hợp múa tạo hình rồng trên nền trống đồng Đông Sơn và cánh chim Lạc. Âm nhạc thôi thúc, trầm hùng, hào sảng trên chất liệu của Xoan kết hợp ánh sáng lung linh, huyền ảo miêu tả sự giao hòa của đất trời khi Lạc Long Quân gặp Âu Cơ đã ngay lập tức hấp dẫn khán giả đi vào một câu chuyện lịch sử, văn hóa theo suốt chiều dài đất nước.

12 di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam đã được UNESCO ghi danh được kết nối khéo léo (ảnh BTC).

12 di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam đã được UNESCO ghi danh được kết nối khéo léo (ảnh BTC).

Sự tích trăm trứng được thể hiện tinh tế với sự sáng tạo của visual art là khi Mẹ Âu Cơ sinh ra bọc 100 trứng với linh khí của trời đất đã tạo ra được năm mươi người con để lên rừng và năm mươi người con xuống biển. Để miêu tả năm mươi người con lên rừng và năm mươi người con xuống biển, Tổng đạo diễn đã chỉ đạo thực hiện bằng đạo cụ lá cọ và lưới đầy tính ước lệ và sáng tạo. Kết thúc phần Khai Từ chính là sự ngưỡng vọng của muôn dân dưới triều đại của 18 đời vua Hùng Vương để từ đó đã hình thành nên một miền di sản: tín ngưỡng thờ Hùng Vương

Phần nghệ thuật chính của chương trình được mở đầu bằng liên khúc ba bài : Phong Châu mở hội, địa khúc giao hòa, Linh thiêng một cõi Tiên Rồng với nền nhạc thể hiện tinh thần hùng tráng, tự hào, là sự hòa quyện tinh tế giữa âm nhạc dân gian và đương đại. Hình ảnh sống động về núi Nghĩa Lĩnh, nơi các Vua Hùng cùng quân thần vẫn đến để thỉnh nguyện thần Lúa, thần Nước và các vị thần linh cầu cho mưa thuận gió hòa, muôn dân an lạc, sinh sôi. Màn múa hát kết hợp diễn ca ba làn điệu Xoan Phú Thọ là sự kết hợp hài hòa của các nghệ nhân dân gian miêu tả một lễ hội truyền thống hát Xoan với những sắc thái vừa trữ tình, vừa thanh thoát, vừa rộn ràng tươi vui, vừa mang đậm bản sắc của di sản văn hóa: hát Xoan.

Qua chương trình, Tổng đạo diễn Lê Thế Song đã khắc họa được câu chuyện về Con Rồng Cháu Tiên, về bản sắc văn hóa của người Việt cổ (ảnh Hà An)

Qua chương trình, Tổng đạo diễn Lê Thế Song đã khắc họa được câu chuyện về Con Rồng Cháu Tiên, về bản sắc văn hóa của người Việt cổ (ảnh Hà An)

Phần tinh hoa di sản cũng được tổng đạo diễn Lê Thế Song thể hiện rất rõ nét và hấp dẫn, nêu bật được giá trị tinh hoa của mỗi loại hình di sản bởi chính các nghệ nhân của các vùng miền sở hữu di sản thể hiện. Đó là thể điệu hát then Trăng lên bản Giốc kể lại truyền thuyết về cây đàn trời (đàn tính) và sự tích 12 nàng tiên trên thiên giới giáng trần xuống Thác Bản Giốc huyền thoại để trao truyền những làn điệu Then cho chàng trai bản Giốc, lưu truyền hậu thế. Đó là câu chuyện về cây đàn Đáy cùng ca nương vương vấn những tiếng lòng sâu kín và những câu ca lay động lòng người. Hay đó là câu chuyện của những liền anh liền chị sau những canh hát giao duyên lại lưu luyến nhớ về bến sông trăng với bóng hình ai ngồi tựa mạn thuyền….

12 di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam đã được UNESCO ghi danh được kết nối khéo léo, đặc biệt làm nổi bật giá trị các di sản văn hóa của Việt Nam, niềm tự hào của người dân Việt: Hát Xoan, Hát Then, Ca Trù, nghệ thuật xòe Thái, Dân ca quan họ Bắc Ninh, Dân ca Ví- Giặm Nghệ Tĩnh, Nhã nhạc cung đình Huế, Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt, nghệ thuật Bài Chòi, Đờn ca tài tử, Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên…. Các trình thức di sản được biểu diễn xuyên suốt trên sân khấu qua sự dàn dựng tổng đạo diễn và ê kíp sáng tạo, bằng thiết kế của sân khấu ba chiều, hình ảnh đồ họa 3D, âm nhạc được hòa âm phối khí tinh tế... làm tôn lên những giá trị tinh tế, tinh hoa nhất của mỗi di sản.

Chương trình gửi gắm thông điệp, mỗi người Việt Nam đều là con cháu Vua Hùng, mỗi dân tộc Việt Nam dù đa dạng bản sắc nhưng thống nhất trong sự phát triển, cùng xây dựng một đất nước tươi đẹp, hòa bình, có sức sống hàng ngàn đời, có bản sắc văn hóa đặc sắc hiếm quốc gia có được.

Hà An

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/dao-dien-le-the-song-gan-ket-tinh-hoa-di-san-tai-linh-thieng-nguon-coi-dat-to-hung-vuong-post473719.html