Đạo diễn Lương Đình Dũng: Quảng cáo, băng hài và 'cha cõng con'
Nếu hẹn Lương Đình Dũng ở quán cafe để nói vài ba chuyện 'tầm phào', sẽ được gặp một Dũng đầu húi cua, cổ đeo dây bạc nặng trĩu, quần bò áo thun ôm sát, lộ thân hình cơ bắp... Nghĩa là một Dũng giống tay 'anh chị', hơn là đạo diễn của một bộ phim đầy mềm mại, cảm xúc như 'Cha cõng con'.
Tuổi thơ dữ dội
Nếu như cậu bé Cá trong “Cha cõng con” có một tuổi thơ hồn nhiên, mơ về những “chú chim sắt lớn” biết bay, mơ về tòa nhà cao vút và chạm tay vào bầu trời… thì Lương Đình Dũng lại có một tuổi thơ dữ dội.
Sinh ra trong một gia đình có 4 anh em trai, ngay từ bé, Dũng đã bộc lộ khí chất ngang tàng. Vài lần bị đuổi học vì đánh nhau, thỉnh thoảng lại bỏ nhà “đi bụi” 1-2 tuần. Có nằm mơ, bố mẹ Dũng cũng không nghĩ thằng con ngỗ nghịch ngày ấy lại trở thành một đạo diễn phim chuyên nghiệp như ngày hôm nay.
Con đường nghệ thuật đến với Dũng bắt đầu từ năm 12 tuổi. Khi cô giáo ra bài tập tả một con thỏ, Dũng lại ngồi... làm thơ. Đọc xong bài thơ, cô cho 1 điểm với lời phê “đi chép thơ của người khác”. Tối về, Dũng khóc, kể lại nỗi oan ức với mẹ. Mẹ bảo “Nếu cô nói con chép thơ của người khác, nghĩa là thơ của con rất hay”. Thế rồi, với sự động viên của mẹ, Dũng làm thơ nhiều hơn, gửi đăng các báo và yêu cái việc viết lách như một lẽ tự nhiên.
Yêu đến nỗi, sau này, dù lăn lộn lên Cao Bằng, vào Nghệ An đào vàng, đá đỏ hay về Tuyên Quang làm công nhân 6-7 năm trời, trải qua đủ nghề thợ rèn, phụ xe, dạy võ, sửa xe, bốc vác, bảo vệ... Lương Đình Dũng vẫn dành thời gian để viết. Năm 1997, trong những ngày tháng làm công nhân bốc vác xi măng, Dũng đã xuất bản cuốn tiểu thuyết “Những cô gái vô chủ”. 5 năm sau, Dũng ra mắt tiếp tuyển tập “Con hãy đi về phía mặt trời” gồm 58 bài thơ và 24 truyện ngắn. Khác với vẻ ngoài xù xì, thô ráp và cuộc đời vất vả phong ba, những gì Dũng viết đều mềm mại, đầy tình yêu và tình người ấm áp.
Lang bạt hơn chục năm, khi mẹ bắt đầu ốm nặng, Dũng đã suy nghĩ và quyết định từ bỏ tất cả để trở về. Trong nhà, mẹ là người gần gũi, yêu thương và có ảnh hưởng đến Dũng nhiều nhất. 23 tuổi, Dũng đồng ý đi thi đại học để mẹ nhắm mắt yên lòng. “Bạn bè xui tôi thi vào Sân khấu Điện ảnh. Hồi đó, tôi khát vọng làm đạo diễn nhưng khi hỏi ra bài tập tốt nghiệp đạo diễn mất khoảng 5-7 triệu. Còn tốt nghiệp khoa Biên kịch không tốn đồng nào, thậm chí còn được cho 1,5 triệu. Thế là chọn Biên kịch”- Dũng nhớ lại bước ngoặt cuộc đời. Sau này, bài tập tốt nghiệp “Bánh đa bánh đúc” của Dũng còn kiếm thêm 4 triệu đồng nữa và được dựng thành phim truyền hình. Chính những năm tháng lăn lộn với đời đã cho anh những trải nghiệm, những chất liệu để đưa vào phim, vào truyện sau này.
Ra trường, có trong tay chút vốn, Dũng lập công ty truyền thông Tứ Vân Media, vốn liếng trong tay chỉ có 1,4 triệu đồng. Từ một công ty nhỏ, văn phòng là phòng ngủ của một người bạn cho mượn, vừa là giám đốc vừa là nhân viên, đến nay, công ty của Dũng đã có 40 người, có cả người nước ngoài, sản xuất phim chuyên nghiệp. Thời gian đi làm quảng cáo giúp cho anh thích nghi với sự khốc liệt và độ chuyên nghiệp cao. Quảng cáo cũng giúp Dũng được tiếp xúc với nhiều đối tác nước ngoài, mang đến cho anh nhiều kinh nghiệm làm phim.
Những tưởng an phận với nghề quảng cáo, thi thoảng còn thấy Lương Đình Dũng sản xuất đĩa hài kiếm bộn tiền, nhưng giấc mơ phim nhựa vẫn ấp ủ trong anh ngày đêm.
Chọn toàn diễn viên không chuyên
40 tuổi, chưa già nhưng cũng không còn nông nổi, Dũng bắt đầu làm phim nhựa đầu tay. Cảm xúc sau khi xem xong 2 phút trailer của “Cha cõng con” là ấn tượng. Những hình ảnh đẹp, chan chứa tình yêu thương của người cha với con nhỏ, những tò mò của đứa bé miền núi nghèo khổ, những cảnh quay khoáng đạt và công phu đều được truyền tải.
Một điều đặc biệt là từ vai chính 2 cha con đến dàn diễn viên phụ đều là những gương mặt không chuyên. “Tôi thích một chút mạo hiểm với diễn viên vì mang đến cảm giác mới lạ. Những đứa trẻ mồ côi có nét gì đó man mác buồn, nhưng trong đôi mắt chúng luôn ánh lên những ước mơ”, đó là lý do Dũng mời 5 đứa trẻ đến từ làng SOS vào vai 5 người con. Anh thích sự ngây thơ của những diễn viên nghiệp dư, thích họ bước vào khuôn hình một các tự nhiên và để họ diễn với đúng cảm xúc thật.
Dự án “Cha cõng con” được khởi quay từ năm 2013 tại Bắc Mê (Hà Giang), nhưng đang quay dở thì Hà Giang gặp lũ lớn. Vẫn khăng khăng nói không với kỹ xảo, Lương Đình Dũng chấp nhận gác lại dự án, 2 năm sau mới tiếp tục quay. Và lần này, bất chấp nhiều lời can ngăn, Dũng đã đưa ê-kíp lên Hà Giang đúng vào giữa mùa mưa bão để tiếp tục dự án dang dở. Một lựa chọn vô cùng mạo hiểm. “Có hôm cách chỗ chúng tôi quay mấy chục cây, có tin sét đánh chết mấy chục con trâu, anh em trong đoàn vứt hết bộ đàm, điện thoại thật xa vì sợ sét. Ban ngày đi trên suối không sao thế mà tối về ngập đến cổ. Có những ngày lũ lên cao gần 5m cô lập bà con xung quanh, nhưng 2h chiều lại rút và đoàn lại vào quay. Cả đoàn trăm người và trẻ con ngày ngày leo lên đồi cheo leo. Cảnh sông nước cũng nguy hiểm vô cùng. Có thời điểm sông Gâm mỗi ngày nước dâng cao 1m, chúng tôi nhấc dần ngôi nhà gỗ lên và nước lại đuổi theo”.
Đôi khi, để có được vài phút phim đẹp đúng ý, phù hợp với nội dung kịch bản, Lương Đình Dũng sẵn sàng đưa máy móc lên một ngọn đồi hiểm trở cao cả trăm mét. Đã trót đặt niềm tin, cả đoàn phim chỉ còn biết cầu trời khấn phật phù hộ cho những ý tưởng táo bạo, có phần “điên rồ” của vị đạo diễn. Điều kỳ lạ: chỉ 2 ngày sau khi đoàn phim rút, người ở địa phương gọi báo tin cho Dũng cả thung lũng đã chìm trong trận lũ lịch sử, hồi cuối tháng 8/2015 vừa qua.
Người ta bảo Dũng liều, Dũng ngông mà không biết rằng, đằng sau sự liều lĩnh đó là những tính toán kỹ lưỡng đến từng li từng tí. Dũng chọn cho mình một ê-kip đồng hành chuyên nghiệp: Giám đốc hình ảnh (DOP) Lý Thái Dũng, nhà quay phim hàng đầu Việt Nam hiện nay; nghệ sĩ người Pháp Julie Beziau và Phạm Thị Hảo những người dựng phim được giới làm phim độc lập Việt Nam tin cậy; nhạc sĩ Hàn Quốc Lee Dong-jun, người từng làm nhạc phim cho những bộ phim nổi tiếng như Cờ bay phấp phới, Điều kì diệu của phòng giam số 7... Khi đọc kịch bản phim “Cha cõng con”, nhà biên kịch nổi tiếng của Hollywood là Pilar Alessandra đã xúc động và quyết định biên tập miễn phí cho anh.
Khi diễn viên thủ vai nhân vật Cá, vốn đã được chọn và đào tạo kỹ càng từ cách đây 4 năm, nay đã lớn và không còn phù hợp với độ tuổi nhân vật, Lương Đình Dũng quyết định bắt đầu lại, ròng rã đặt chân đến mấy chục tỉnh thành để tìm được một nhân vật Cá ưng ý.
Quần áo nhân vật trong phim đều do Dũng tự tay chọn vải, chọn mẫu. Trong phim của Dũng, người Việt Nam nghèo khó nhưng tuyệt đối sạch sẽ.
Suốt gần 6 năm ấy, không tính nổi vị đạo diễn ấy đã bao nhiêu lần lên Hà Giang để kiểm tra bối cảnh, đi tìm cảm giác của mình trong câu chuyện và cứ thế thăng trầm theo đuổi bộ phim. Để có được triền cỏ xanh tươi hàng nghìn mét như trong phim, Dũng không ngại chi tiền thuê lại đất sản xuất nông nghiệp của bà con, thuê người trồng cỏ và trông nom trong gần 4 tháng liền. Thậm chí lo xuồng nhỏ không đủ độ an toàn và kịp thời để đưa ê kíp vượt dòng sông Gâm tới bối cảnh chính, anh yêu cầu đóng hẳn hai chiếc thuyền lớn để đi lại chỉ trong vài tuần quay phim. Thậm chí, Lương Đình Dũng nhất quyết bay vào Sài Gòn chỉ để quay duy nhất một cảnh sau khi “thám hiểm” mỏi chân các tòa cao ốc ở Hà Nội chẳng nơi nào ưng ý.
Dũng bảo trường sân khấu điện ảnh đã đưa mình từ “một thằng cù bơ cù bất” thành một người làm phim tử tế, nhưng cái may hơn nữa chính là anh đã không học đạo diễn, không bị gò vào những nguyên tắc, giới hạn. Thế nên, Dũng cứ làm phim một cách hồn nhiên, tự nhiên, như viết cái bài thơ hồi 12 tuổi ấy.
Bộ phim “Cha cõng con” được chọn chiếu và tranh giải chính thức tại nhiều liên hoan phim lớn trên thế giới và đã giành được một số giải thưởng. Bộ phim cũng có mặt trong bảng 19 phim đề cử của giải Cánh Diều Vàng 2016. “Cha cõng con” sẽ chính thức ra rạp vào ngày 5/4/2017.
Ý tưởng phim “Cha cõng con” đến từ ước mơ của mẹ
Ít người biết rằng ý tưởng của bộ phim “Cha cõng con” lại đến từ ước mơ của mẹ Dũng. “Mẹ tôi là người hiền lành, giản dị. Bà từng ao ước sau này gia đình giàu có, sẽ đưa chúng tôi đi máy bay để biết cảm giác bay trên bầu trời như thế nào. Cái ước vọng bầu trời ấy cứ luôn ám ảnh tôi, theo tôi đi vào Cha cõng con. Cảm hứng này càng rõ nét hơn khi tôi nhìn thấy ánh mắt trong veo, háo hức của những đứa trẻ mỗi khi nhìn lên bầu trời. Khi ngước mắt hướng lên bầu trời, là khi những ước mơ được sinh ra. Cha cõng con ra đời từ những ám ảnh đó”, Lương Đình Dũng chia sẻ.
Dũng viết, viết về một cậu bé luôn mơ ước được chạm vào những đám mây bay và một người cha cả đời quanh quẩn đánh cá bên bờ sông, chỉ biết kể cho con nghe những câu chuyện tưởng tượng về vùng đất tràn ngập ánh sáng mà ông chưa bao giờ được đặt chân đến. Cậu mơ ước một ngày lớn lên sẽ được đến nơi tràn ngập ánh sáng ấy. Nhưng Cá đã không còn thời gian để đợi mình lớn lên, cũng không thể đợi bố bắt đủ hàng triệu con cá để chữa bệnh cho mình. Và người cha cõng con đi, đi mãi cho con nhìn thấy cuộc đời trước khi không thể...