Đạo diễn Mai Thu Huyền: Nếu không đạt doanh số trăm tỷ, 'Kiều' không đủ hòa vốn
'Tôi không dám kỳ vọng 'Kiều' sẽ vượt qua được 'Bố già' vì mỗi bộ phim có đặc trưng khác nhau và cơ hội khác nhau. Cá nhân tôi cho rằng, nếu 'Bố già' không ra rạp thời điểm vừa rồi thì chưa chắc đã thắng như thế. Nên dù sao cũng còn phụ thuộc yếu tố may rủi nữa', đạo diễn Mai Thu Huyền chia sẻ.
"Tôi lo lắng nhất là những nhà Kiều học có thể sẽ không hoàn toàn ủng hộ"
Sau 2 ngày ra mắt phim điện ảnh "Kiều", hiệu ứng chị nhận được thế nào?
- Tôi và cả ê-kíp rất vui vì sau 2 buổi chiếu đặc biệt đã nhận được hiệu ứng tích cực từ khán giả, thậm chí nhiều rạp tỉnh đã full suất chiếu những ngày đầu công chiếu, ví dụ như rạp Hà Tĩnh - quê hương đại thi hào Nguyễn Du - 2 suất chiếu sớm nhanh chóng hết vé.
Thú thật, khi phim ra rạp, điều khiến tôi lo lắng nhất là những nhà Kiều học có thể sẽ không hoàn toàn ủng hộ bộ phim nhưng may mắn họ - những nhà Kiều học có tư duy rất mới, rất ủng hộ sự sáng tạo. Đến giờ tôi có phần an tâm về hướng đi mình chọn.
Về phía chuyên gia như thế, nhưng thực tế về phía khán giả, có rất nhiều ý kiến cho rằng phim sáng tạo quá mức, cải biên ngây ngô, thậm chí "Kiều" bị đánh giá là phá nát danh tác của Đại thi hào Nguyễn Du. Chị nghĩ sao về những nhận xét này?
- Đó là lý do vì sao chúng tôi không dùng từ "chuyển thể" mà là "lấy cảm hứng". Ngay từ đầu quan điểm của ê-kíp thực hiện bộ phim là làm theo chiều hướng sáng tạo. Nhưng thách thức lớn nhất làm phim "Kiều" là khán giả biết quá rõ về tác phẩm nên nếu không sáng tạo, làm mới tôi thiết nghĩ, nhiều khán giả sẽ chẳng cần xem phim mà ở nhà mở "Truyện Kiều" của cụ Nguyễn Du ra đọc.
Và vì không phải phim chuyển thể nên với thời lượng 90 phút điện ảnh, chúng tôi không mang cả cuộc đời nàng Kiều lên màn ảnh mà chọn giai đoạn Kiều bị đẩy vào lầu xanh và cuộc tình tay ba trái ngang với Thúc Sinh - chồng của Hoạn Thư để khéo léo truyền tải thông điệp nhân sinh quan, khát vọng tự do, khát khao quyền được sống, được yêu của người phụ nữ trong xã hội phong kiến.
Trong phim điện ảnh "Kiều", bất cứ một vai diễn nào cũng chứa đựng những tầng ý nghĩa khác nhau về số phận và góc khuất tâm lý, đều không được tự do: Thúc Sinh, Hoạn Thư, Hoạn Bà. Đặc biệt là Kiều - bị đẩy vào lầu xanh, mất tự do, bị vùi dập thân xác nên cô ấy mạnh mẽ thoát ra khỏi đó. Nhân vật Đạm Tiên góp phần làm nổi bật lên tính cách của Kiều.
Chị nghĩ sao khi có ý kiến cho rằng vì sáng tạo quá mà phim điện ảnh "Kiều" bị biến thành "tình người duyên ma" với sự đeo bám dai dẳng của Đạm Tiên dành cho Kiều?
- Tôi thừa nhận sáng tạo của phim nằm ở nhân vật Đạm Tiên. Đó là nhân vật có thật trong Truyện Kiều nhưng chỉ xuất hiện trong đoạn Kiều đi tảo mộ hay đoạn báo mộng sông Tiền Đường. Chính vì thế, trong phim "Kiều", chúng tôi chọn sáng tạo hồn ma Đạm Tiên - nhân vật chỉ có duy nhất Kiều nhìn thấy. Đây được cho là cách đối thoại nội tâm của Kiều hay nói cách khác hồn ma Đạm Tiên chính là Kiều.
Trong con người chúng ta đều có thiện - ác. Khi ghen tuông, một phần trong chúng ta muốn giết ngay tình địch nhưng con người thật không làm được điều đó. Phân đoạn cuối phim, Kiều đau đớn nhưng cô ấy nhận thấy mình có lỗi, đâu phải người có thể hận thù và đâm Hoạn Thư. Với điều này tôi đã dùng hình ảnh hồn ma Đạm Tiên để nói lên đấu tranh nội tâm của Kiều. Mục đích Đạm Tiên là như thế.
Nhưng không phải ai cũng chấp nhận những sáng tạo đó. Chắc chị chưa đọc hết những bình luận về phim?
- Thú thật, tôi chưa có thời gian để theo dõi các bình luận từ khán giả bởi lịch trình ra mắt của đoàn phim khá bận rộn. Tôi chưa đọc được hết nhưng tôi hoàn toàn tôn trọng những ý kiến khán giả vì mỗi người có cảm nhận khác nhau.
Ngay từ thời chúng ta còn đi học, cô giáo dạy Văn hay, truyền cảm hứng thì học sinh yêu tác phẩm, yêu Kiều và cũng ngược lại. Phim cũng vậy! Tôi không dám kỳ vọng tất cả phản hồi tích cực về "Kiều", chỉ mong số lượng người thích phim sẽ nhiều hơn số lượng người không thích.
"Vượt qua "Bố già" thì khó quá!"
Có lẽ nội dung phim vẫn là câu chuyện dài để tranh cãi, thế còn về chi phí sản xuất, chị có thể tiết lộ một con số?
- Nhiều lắm! Chúng tôi đã đầu tư rất nhiều cho bộ phim này. Đắt nhất là bối cảnh. Đến nay, phim điện ảnh cổ trang Việt vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc tìm bối cảnh khi chưa có một phim trường chuyên nghiệp nào đáp ứng được các yêu cầu sản xuất. Chúng tôi hiểu, một bối cảnh kém chỉn chu sẽ không thể thổi hồn cho yếu tố văn hóa lịch sử mang tính thời gian và không gian của một bộ phim điện ảnh cổ trang. Thêm vào đó, ngay từ đầu tôi đã muốn giới thiệu phim Kiều ra nước ngoài, đó là lý do chúng tôi "chịu chơi" khi quyết định bấm máy bộ phim ở 6 tỉnh thành trải dài khắp cả nước gồm: Huế, Cao Bằng, Phú Thọ, Quảng Bình, Quảng Trị và TPHCM. Có như thế mới có thể để đảm bảo bối cảnh phim, đồng thời giới thiệu cảnh đẹp Việt Nam ra thế giới.
Chưa kể những khoản đầu tư phục trang cầu kỳ hay những chiếc thuyền trong một cảnh quay mấy phút cũng được đóng và đưa từ Hà Nội vào Huế...Đến nay, con số chính xác thì tôi không thể công bố nhưng khoảng hàng chục tỷ và hơn thế rất nhiều.
Chính vì thế doanh thu bây giờ cũng là một bài toán đau đầu. Phim thành công hay thất bại đều không hối hận vì những cố gắng của cả ê-kíp, nhưng thú thật phim phải đạt doanh thu hàng trăm tỷ mới hòa vốn được, chưa đến số trăm tỷ thì chưa đủ hòa vốn.
Nói như thế, chị có kỳ vọng phim vượt mặt doanh thu "Bố già" không?
- Không! Vượt qua "Bố già" thì khó quá! Đó được coi là kỷ lục của phim điện ảnh Việt Nam. Thành công của "Bố già" là bất ngờ của nhiều người từ nhà sản xuất, đạo diễn, nhà phát hành... Tôi không dám kỳ vọng như vậy vì mỗi bộ phim có đặc trưng khác nhau và cơ hội khác nhau. Cá nhân tôi cho rằng, nếu "Bố già" không ra rạp thời điểm vừa rồi thì chưa chắc đã thắng như thế. Nên dù sao cũng còn phụ thuộc yếu tố may rủi nữa.
Hơn nữa, thời điểm này "Kiều" đang gặp áp lực lớn vì trong tháng 4 có quá nhiều phim hay như: "Lật mặt", "Trạng Tí", "Thiên thần hộ mệnh"... Nhưng tôi tin rằng những khán giả yêu mến "Kiều" sẽ vẫn ra rạp để ủng hộ. Tôi khá cảm động vì nhiều người khi biết tôi làm phim đã chủ động liên hệ đặt vé số lượng lớn. Đó là tín hiệu mừng của "Kiều".
Vậy chị nói sao về việc "Kiều" dán nhãn C18 được cho là chiêu trò câu view?
- Cá nhân tôi là người chưa bao giờ thích cảnh "nóng". Mọi người xem các phim tôi từng đóng, 30 bộ phim mà chưa bao giờ thấy cảnh nóng, ngay cả cảnh trong "Lạc giới" cũng là cascadeur. Là một nhà làm phim tôi hiểu, cảnh nóng mà làm không tới thì rất phản cảm, đó là con dao hai lưỡi. Nên với "Kiều", tôi suy nghĩ nhiều và tham vấn ý kiến nhiều người.
Tôi không mong muốn "Kiều" bị dán nhãn 18+ nhưng vì đấy là quy định của Cục điện ảnh thì buộc phải tuân thủ. Và quả thực, khi làm phim về tình tay ba thì không tránh khỏi những cảnh nóng. Nhưng tôi không lạm dụng mà mỗi cảnh nóng luôn có nội dung, có thông điệp. Nếu Hoạn Thư không chứng kiến cảnh ân ái của Kiều và Thúc Sinh thì cô ấy có đánh ghen ghê gớm ở cảnh sau không? Cô ấy lặp lại với Kiều hình ảnh như chính điều mình bị đối xử?
- Tất nhiên xem phim thì 5 người 10 ý. Có người nói chưa đã, có người lại bảo nhiều quá. Nhưng chắc chắn, cái mà khán giả cảm nhận là sự chân thật của các diễn viên, đặc biệt là 3 diễn viên chính. Rất thật! Dù còn trẻ nhưng họ không sợ, không e ngại.
Lúc tập cảnh, Mỹ Duyên (vai Kiều) và Anh Huy (Thúc Sinh) cũng sợ vì chưa diễn cảnh nóng bao giờ, lại chưa gặp nhau. Nhưng khi diễn thật, cr 3 diễn 1 đúp ăn ngay vì cảm xúc lần đầu là cảm xúc chân thật nhất. Có thể quan điểm của mỗi người khác nhau nhưng nếu được chọn lại tôi vẫn sẽ chọn những diễn viên này.
Cảm ơn chia sẻ của đạo diễn Mai Thu Huyền!