Đạo diễn - NSƯT Hồ Ngọc Xum: Xúc động với kịch bản phim về thời niên thiếu của Bác Hồ

Bộ phim điện ảnh 'Vầng trăng thơ ấu' do hãng phim Giải Phóng sản xuất sẽ hé lộ một phần quan trọng trong cuộc đời của Bác Hồ khi còn là cậu bé Nguyễn Sinh Cung theo cha mẹ ra Huế sinh sống. Những thước phim được đạo diễn NSƯT Hồ Ngọc Xum chuyển thể dựa trên kịch bản của tác giả Đặng Thị Thanh Bình. Kịch bản phim từng giành giải Ba cuộc thi 'Sáng tác kịch bản phim truyện điện ảnh năm 2020' do Cục Điện ảnh, Bộ VH-TT&DL tổ chức.

- Phóng viên: Chào đạo diễn - NSƯT Hồ Ngọc Xum, ông có thể chia sẻ mối duyên đã đưa mình đến với bộ phim điện ảnh có ý nghĩa đặc biệt này không?

- Đạo diễn - NSƯT Hồ Ngọc Xum: Quả thật dự án phim này đến với tôi như một cơ duyên. Thời điểm đó, tôi đang thực hiện một dự án phim truyền hình khác thì được lãnh đạo Công ty CP phim Giải Phóng liên lạc nói về kịch bản phim “Vầng trăng thơ ấu”. Ban đầu tôi cũng chưa quyết định ngay, nhưng khi đọc xong kịch bản tôi đã rất xúc động với nhiều chi tiết được xây dựng, nhất là khi kể về giai đoạn Bác theo gia đình vào Huế. Trước khi nhận lời đảm nhận dự án phim, tôi quyết định đi Huế và Nghệ An một chuyến để tìm hiểu thực tế. Bởi nếu chỉ dựa vào chất liệu kịch bản ban đầu thì sẽ không có giai đoạn Bác và gia đình ở Nghệ An, thời lượng phim vì thế sẽ ngắn. Tôi trao đổi với lãnh đạo hãng phim về việc này để tìm thêm chất liệu làm dày cho câu chuyện.

- Đạo diễn có thể chia sẻ thêm về việc xây dựng hình ảnh thời niên thiếu của Bác trong phim không?

- “Vầng trăng thơ ấu” phác họa hình ảnh thời niên thiếu của Bác, hình ảnh một thiếu nhi hồn nhiên, bình thường với những trò chơi như bao bạn bè cùng trang lứa. Phim không đi theo hướng thần thánh hóa cuộc đời của Bác, nhưng chính từ những tình huống trong cuộc sống đời thường, chúng ta có thể thấy được sự thông minh, óc quan sát, tấm lòng hiếu thảo đã góp phần nuôi dưỡng những hạt mầm quý giá tạo nên tính cách, nhân cách của một vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc. Đây cũng chính là giai đoạn cậu bé Nguyễn Sinh Cung chứng kiến những bất công, đau xót của người dân bị mất nước, nhận ra sự thống trị tàn bạo của thực dân Pháp và cả sự bất lực của triều đình Huế.

Nỗi đau mất mẹ là khoảng thời gian khó khăn, nhưng cũng hình thành nên nhân cách của Bác về sau này. Những hình ảnh đó đã in sâu vào tâm trí và càng hun đúc, khơi dậy lòng yêu nước mãnh liệt của cậu trò nhỏ. Bên cạnh việc bám sát lịch sử với phần cố vấn của các chuyên gia, phim cũng sẽ có những chi tiết hư cấu, song đều dựa trên những tư liệu truyền khẩu. Đây là một dự án điện ảnh chứ không phải phim tiểu sử hay tài liệu lịch sử nói về Bác Hồ. Vì vậy sẽ có những chi tiết hư cấu để giúp phim hấp dẫn, dễ xem hơn đối với khán giả.

- Chuyến đi thực tế trước khi phim bấm máy chắc hẳn đã đóng góp không nhỏ trong việc thực hiện dự án phim đặc biệt này, thưa đạo diễn?

- Chuyến đi thực tế trước khi phim bấm máy chắc hẳn đã đóng góp không nhỏ trong việc thực hiện dự án phim đặc biệt này, thưa đạo diễn?

- Tôi cùng lãnh đạo Công ty CP phim Giải Phóng đã có chuyến đi khoảng 10 ngày đến Huế. Tại đây, chúng tôi đã gặp nhà sử học Nguyễn Đắc Xuân, người từng viết cuốn “Bút ký đi tìm dấu tích thời niên thiếu của Bác Hồ ở Huế”. Tiếp đó, khi đi khảo sát thực tế ở Nghệ An, chúng tôi có dịp tiếp xúc với nhiều cán bộ, nhân viên quản lý ở các khu di tích lịch sử, được nghe họ kể cho nghe nhiều câu chuyện truyền khẩu xúc động về Bác thời niên thiếu. Tôi đã thêm hiểu và rất xúc động với những câu chuyện về Bác. Tôi cũng xác định đây là dự án phim thiếu nhi về một cậu bé bình thường, nhưng những khí chất có sẵn cùng sự quan sát cuộc sống, với sự giáo dưỡng của cha mẹ, sau này dần hình thành một nhân cách lãnh tụ. Từ đó có sự chỉnh sửa lại cấu trúc kịch bản gồm 2 thời điểm chính để phù hợp hơn. Đó là khi nhân vật Nguyễn Sinh Cung còn là cậu bé giai đoạn từ 3 - 5 tuổi, sau đó theo gia đình vào Huế khi khoảng 8 - 10 tuổi.

Những thước phim do đạo diễn Hồ Ngọc Xum dàn dựng dựa trên kịch bản của tác giả Đặng Thị Thanh Bình, lấy bối cảnh từ năm 1895 đến năm 1901 khi Bác Hồ (tên thời thơ ấu là Nguyễn Sinh Cung) cùng cha mẹ là ông Nguyễn Sinh Sắc, bà Hoàng Thị Loan và anh trai Nguyễn Sinh Khiêm lần đầu tiên vào Huế. Tham gia diễn xuất trong phim là dàn diễn viên tài năng: Trần Việt Bắc, Ngô Lệ Quyên, Phạm Hữu Đại, Lưu Văn An, Bạch Công Khanh, Nguyễn Ngọc Kim Ngân, Ali Quang Khải, Bùi Nguyễn Hoàng Phúc, Nguyễn Hồ Nhật Minh, Trần Đức Tuấn Hùng...

- Hình như ông và đoàn phim cũng kết hợp tuyển diễn viên trong thời gian thực hiện chuyến khảo sát này. Việc chọn những gương mặt phù hợp tham gia có lẽ cũng không dễ, thưa đạo diễn?

- Chúng tôi kết hợp việc tìm kiếm diễn viên trong chuyến đi khảo sát thứ hai đến Nghệ An. Cũng bởi đặc thù riêng là các nhân vật phải nói tiếng địa phương để đáp ứng yêu cầu thu thanh trực tiếp. Đây là những tiêu chí khiến đoàn phim khá đau đầu khi tiến hành khâu tuyển diễn viên. Trước đó, chúng tôi đã có quá trình chọn và cũng có gần 300 gương mặt từ các trường học, đơn vị nghệ thuật đến ứng tuyển, nhưng chưa tìm ra được ai phù hợp. Vì vậy, hãng và ê-kíp sản xuất quyết định tìm diễn viên ngay tại quê Bác.

Bộ phim phác họa hình ảnh chân thực về thời niên thiếu của Bác Hồ

Bộ phim phác họa hình ảnh chân thực về thời niên thiếu của Bác Hồ

Tôi xác định đây cũng là nhiệm vụ trong chuyến khảo sát. Ngoài 2 diễn viên Trần Việt Bắc (đảm nhận vai ông Nguyễn Sinh Sắc) và Ngô Lệ Quyên (đảm nhận vai bà Hoàng Thị Loan) đều có liên quan đến nghệ thuật và nói được tiếng địa phương, thì 5 thiếu nhi được tuyển từ các trường phổ thông là Phạm Hữu Đại (vai Nguyễn Sinh Cung), Lưu Văn An (vai Nguyễn Sinh Khiêm), Nguyễn Ngọc Kim Ngân (vai Anh Thư), Bùi Nguyễn Hoàng Phúc (vai Kiệt), Nguyễn Hồ Nhật Minh (vai Hào) đều lần đầu tiên đóng phim.

- Quá trình sản xuất và hoàn thiện bộ phim, ông và ê-kíp có gặp phải khó khăn gì không?

- Áp lực đầu tiên phải kể đến là bối cảnh, dàn diễn viên và khí hậu khi quay bộ phim này. Phim được bấm máy vào đúng thời điểm mưa bão và ở Huế thì chịu ảnh hưởng nên bị ngập lụt kéo dài, mưa liên tục, lũ kéo về rất nhanh. Ngoài đường có lúc nước ngập sâu tới cả mét, những ngày quay ở cổng thành nội, đoàn phim còn bắt được cá. Vì vậy, thời gian quay tại đây kéo dài tới 2 tháng. Tuy nhiên, đoàn phim rất may mắn là quay ở địa điểm nào cũng nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ rất nhiệt tình của lãnh đạo địa phương.

Các bảo tàng ở Huế, Nghệ An cũng tạo điều kiện tối đa khi cho ê-kíp quay bối cảnh nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh nằm trong cụm di tích lưu niệm về Người ở làng Dương Nỗ, xã Phú Dương, huyện Phú Vang (nay thuộc thành phố Huế), hay di tích lưu niệm ngôi nhà bên quê ngoại làng Hoàng Trù tại Nghệ An. Đặc biệt là đoàn được quay gần hết bối cảnh của thành nội Huế, chỉ trừ điện Kiến Trung và điện Thái Hòa do thời gian đó đang trong quá trình tu sửa. Những bối cảnh chân thực này đã góp phần giúp các diễn viên có được cảm xúc diễn, bám sát kịch bản, tái hiện phần nào thực tế lịch sử cùng những câu chuyện về cậu bé Nguyễn Sinh Cung. Ngoài ra, đoàn phim cũng phục dựng một số bối cảnh như khu chợ nhỏ ở làng cổ Phước Tích, đàn Nam Giao, miếu Âm Hồn, cảnh sinh hoạt trong kinh thành.

- Xin cảm ơn những chia sẻ của đạo diễn!

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/dao-dien-nsut-ho-ngoc-xum-xuc-dong-voi-kich-ban-phim-ve-thoi-nien-thieu-cua-bac-ho-post583532.antd