Đạo diễn, NSƯT Trần Vịnh: Người gắn tên mình vào ký ức chiến tranh
Đã đôi lần về với mảnh đất Quảng Nam rồi cũng đôi lần tính toán những thước phim đề tài chiến tranh cách mạng trên mảnh đất này nhưng vẫn chưa thành... Đây là tâm sự của đạo diễn NSƯT Trần Vịnh khi đích thân một mình ông về Quảng Nam để tặng cho Đài PT-TH tỉnh 37 bộ phim đề tài chiến tranh cách mạng, với gần 400 tập phim để Đài khai thác, phát sóng cho người dân... Động thái này được xem như là một cách truyền lại ngọn lửa, kể lại câu chuyện cổ tích có thật cho con cháu ghi nhớ về lịch sử cha ông.
* NSƯT Trần Vịnh là học viên Trường Văn hóa Nghệ thuật Quân đội khóa I, đến năm 1967 tham gia Đoàn Văn công Quân Giải phóng Trị - Thiên - Huế, năm 1974 làm Phó đoàn kịch nói Tổng cục Chính trị, năm 1984 chuyển ngành. Ông từng tham gia đóng trên 50 bộ phim nhựa, sau đó chuyển sang vai trò đạo diễn.
Có thờ ơ với phim chiến tranh không?
Lần đầu tiên về thăm khu Tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH), rồi bảo tàng các Mẹ VNAH tại Tam Kỳ, đạo diễn Trần Vịnh rưng rưng xúc động. Ông chắp tay vái lạy và cầu mong các mẹ phù hộ cho ông được thỏa nguyện gắn tên mình với những bộ phim chiến tranh cách mạng xứ Quảng như một nghĩa cử tri ân quá khứ, những hy sinh mất mát vô bờ bến của những người mẹ VNAH, những người con xứ Quảng kiên trung.
Ở tuổi 79, Trần Vịnh nói vui ông sẽ làm việc cật lực đến tuổi 85 và có buông xuôi thì phải là 97. Niềm đam mê làm phim về đề tài chiến tranh cách mạng mà ông đã thủy chung gần sáu thập kỷ qua vẫn còn nguyên vẹn. Đến thời điểm này, đạo diễn Trần Vịnh đã làm phim cho 40 tỉnh, thành trong cả nước. Tiếc là với Quảng Nam ông vẫn còn mắc nợ. Một món nợ với quá khứ mà ông mong muốn thời gian tới đây địa phương và ông sẽ cùng nhau bắt tay để trả. Ông tâm sự: “Đừng nói người dân thờ ơ với phim chiến tranh, không đâu. Mỗi lần phim của tôi chiếu ra thì hàng loạt cựu chiến binh xem, họ thấy ấm lòng khi nhắc lại những câu chuyện lịch sử. Chúng ta nói phim chiến tranh ít người xem, “đổ tội” rằng ít người xem là để có cớ làm việc khác”.
Những bộ phim gắn liền tên tuổi đạo diễn Trần Vịnh, mỗi khi nhắc đến ông là không thể không nhớ: “Ba lần và một lần”, “Bến đò xưa lặng lẽ”, “Vùng ven một thời con gái”, “Huế mùa mai đỏ”, “Ninh Thạnh Lợi - đất và lửa”… Đạo diễn bộc bạch, từng là người lính đi qua chiến tranh, bản thân ông thấm đến tận cùng nỗi đau thương mất mát của người lính, mỗi một số phận đi qua chiến tranh. Chính những trải nghiệm quý giá đó đã thôi thúc ông kể lại những câu chuyện chiến tranh thông qua ngôn ngữ điện ảnh một cách chân thật, sâu lắng. Năm 2014, đạo diễn Trần Vinh vinh dự được Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam phong tặng danh hiệu: “Người làm phim chiến tranh nhiều nhất Việt Nam”. Gia tài của đạo diễn Trần Vịnh ở tuổi gần 80 là 70 bộ phim về chiến tranh, gần 40 giải thưởng chuyên ngành điện ảnh và giải thưởng của Bộ Quốc phòng…
Vài tâm sự sẻ chia
Theo đạo diễn Trần Vịnh, để có phim đề tài chiến tranh cách mạng ở xứ Quảng chất liệu không ở đâu xa lạ mà đó chính là tác phẩm của những nhà văn xứ Quảng, những nhà văn viết về xứ Quảng. Không ai hiểu hơn họ về mảnh đất con người nơi họ gắn bó, đó là chưa nói có nhà văn chính là người trong cuộc của những câu chuyện về những năm tháng trận mạc hào hùng và không thiếu đau thương mất mát. Lấy dẫn chứng về những vụ thảm sát tập thể hàng chục người rồi hàng trăm người ở Quảng Nam cũng cho thấy một sự thật lịch sử đầy bi tráng trên mảnh đất trung dũng kiên cường đi đầu diệt Mỹ. Chất liệu cho kịch bản đó còn là những câu chuyện kể của những chiến binh, ký ức của chính mình và đồng đội.
Chắc chắn những câu chuyện ấy sẽ lắng lại xúc cảm chân thành, nhiều điều mới mẻ mà chúng ta chưa từng biết đến, như là những ẩn số chiến tranh. Song để có một kịch bản phim hay thì còn phải cật lực lao động. Đạo diễn Trần Vịnh thẳng thắn nêu ba lý do về những bộ phim làm về chiến tranh chưa tới, chưa đi vào lòng người. Thứ nhất là kém tài, thứ hai không có kinh tế, thứ ba là diễn viên không chuyển tải được… Thêm nữa, nhiều đạo diễn vẫn chưa thấu hiểu hết đề tài này, nhất là những đạo diễn trẻ, chưa đi qua chiến tranh. Chính bản thân ông, đã từng khước từ để không thực hiện đạo diễn một bộ phim theo lời mời của một đơn vị khi đọc xong kịch bản. “Kịch bản thế này thì vứt, mà vứt thật”. Dở mà sai sự thật thì không thể chấp nhận được. Để có kịch bản phim hay, đạo diễn Trần Vịnh bảo có những phim ông đã phải tự bỏ tiền túi ra lo chi phí cho biên kịch đi thực tế để viết…
Thiếu tự nhiên và kém duyên, theo đạo diễn Trần Vịnh là hai điểm yếu của diễn viên Việt Nam khi diễn xuất. Xem một số phim chiến tranh, có những nam diễn viên được mời đóng nhân vật là bộ đội đặc công nhưng không thể giấu cái bụng "bia" của mình, hay nữ thì điệu đà quá. Tìm lấy gương mặt diễn viên mộc mạc như thời xưa rất khó. Đó là lý do vì sao Trần Vịnh không chọn diễn viên ngôi sao cho phim của mình.
Một tâm sự không lấy làm vui, có đài truyền hình đạo diễn NSƯT Trần Vịnh nhã ý đến tặng phim khi liên lạc họ nói không có nhu cầu. Nhọc công ông đi tìm hiểu mới vỡ lẽ do họ chạy theo kinh doanh, bán sóng quá mức vì mục đích chạy theo cơm áo. Phải nhìn nhận lại rằng, các đài truyền hình, từ trung ương đến địa phương đều là công cụ truyền thông của Đảng, Nhà nước, cần phải dành thời lượng cho việc tuyên truyền, giáo dục truyền thống, lịch sử. Phải đặt vấn đề, giáo dục về tư tưởng mới là cái lãi của phim chiến tranh- Đạo diễn NSƯT Trần Vịnh nói.