Đạo diễn Phạm Hoàng Giang mang hơi thở thời đại đến cho các lễ hội
Cuối tuần qua, người dân Thủ đô và du khách đã chứng kiến Lễ hội Áo dài Du lịch Hà Nội 2023 được tổ chức công phu, với các hoạt động quy mô lớn và đa dạng diễn ra liên tục trong 3 ngày tại khu vực hồ Hoàn Kiếm.
Lễ hội Áo dài Du lịch Hà Nội 2023 khai mạc tối 27/10 với chủ đề “Khám phá nét son Hà Nội” đã để lại ấn tượng mạnh với khán giả, du khách bởi cách trình diễn áo dài mới mẻ, giàu cảm xúc trên sân khấu nhưng lại gần gũi với mỗi người Hà Nội, hấp dẫn với du khách muốn tìm hiểu văn hóa, vẻ đẹp Hà Nội.
Không gian sân khấu khai mạc được thiết kế như một chuyến tàu thời gian nối dài từ quá khứ - hiện tại - tương lai, đưa khán giả ngược dòng lịch sử chiêm ngưỡng những thôn nữ chân phương trong chiếc áo tứ thân đượm hồn dân tộc, trồng dâu nuôi tằm, quay tơ dệt lụa đến những áo the khăn xếp và âu phục cùng xuất hiện trên sân khấu, những chuyển động nhẹ nhàng mang sắc thái thanh lịch của người dân Hà Thành một thuở, cuối cùng chìm đắm trong sắc màu mới với những thiếu nữ mặc áo dài duyên dáng bên các công trình đặc trưng của Hà Nội như Nhà hát Lớn, cầu Long Biên được tạo dựng đầy chân thật.
Hình ảnh áo dài hội nhập ở phần kết mang đầy ý nghĩa: từ khắp các cung đường, đổ về những thiếu nữ trong trang phục áo dài. Phía sau họ là không gian của Paris, London, Nhật Bản, Hàn Quốc... và ở đâu tà áo dài cũng tôn vinh vẻ đẹp Việt giản đơn mà thân thương hồn hậu. Trên sân khấu ấy, các bộ sưu tập áo dài tuyệt đẹp của các nhà thiết kế, các thương hiệu áo dài đến từ khắp mọi miền tổ quốc được trình diễn lãng mạn như những bài thơ mùa thu Hà Nội.
Chương trình do đạo diễn Minh Trí là người chắp bút cho phần ý tưởng văn học, còn đạo diễn Phạm Hoàng Giang là người tính toán về mặt dàn dựng. Hai đạo diễn đều cùng quan điểm rằng không dàn dựng theo hướng một fashion show áo dài mà xác định làm theo cách kể một câu chuyện và gắn nó với đời sống, làm như vậy khán giả sẽ thấy gần gũi với mình hơn, từ đó sẽ cảm thấy yêu áo dài hơn. Đồng thời khắc họa được tiêu chí và mục đích của chương trình là thể hiện được nét đẹp của áo dài, nhưng làm sao phải toát lên được và giới thiệu được về du lịch Hà Nội để thu hút khách trong nước, quốc tế đến Hà Nội. Cách “kể” của hai vị đạo diễn giúp tà áo dài hiện lên chân thực, gần gũi với nhiều tầng lớp và lứa tuổi.
Đứng trên vai trò Tổng đạo diễn, Phạm Hoàng Giang cho biết anh đã dành rất nhiều thời gian, tâm huyết cho sự kiện quan trọng này. Với những festival khối lượng công việc nhiều như Lễ hội Áo dài Du lịch Hà Nội 2023 với gần 20 hoạt động diễn ra, anh và ê-kíp gần như ngày nào cũng làm việc 15-16 tiếng/ ngày. Tuy nhiên, Phạm Hoàng Giang tự hào khi được đóng góp vào một hoạt động ý nghĩa của Hà Nội, nơi anh yêu và gắn bó. Năm nay, Lễ hội Áo dài Du lịch Hà Nội năm 2023 được đánh giá là hấp dẫn, có những “đột phá” như chương trình lễ khai mạc, thu hút đông đảo sự quan tâm theo dõi của người dân, du khách trong và ngoài nước.
Trước Lễ hội Áo dài Du lịch Hà Nội 2023, Phạm Hoàng Giang đã đảm nhận vai trò Tổng đạo diễn của hàng loạt lễ hội lớn ở khắp các vùng miền trên cả nước như khai mạc Lễ hội Hoa Ban năm 2021, 2023, Lễ kỷ niệm 1055 năm nhà nước Đại Cồ Việt, Lễ kỷ niệm 125 năm thành lập tỉnh Phú Thọ, Tuần Văn hóa và Du lịch tỉnh Hòa Bình. Theo anh, lễ hội cần được đổi mới và đi đúng vào mục đích cũng như cách thể hiện làm sao khán giả dễ hiểu những thông điệp mà Ban tổ chức hướng tới. Các chương trình cần được thay đổi về hình thức, không thể cứ mãi sử dụng lời bình để giải quyết cho ý tưởng văn học và nội dung, hay sử dụng màn hình LED như trình chiếu một bộ phim được. Cần đưa các công cụ đó về đúng công năng để đạt được hiệu quả.
Ngay cả việc chọn lựa nghệ sĩ biểu diễn trong các chương trình lễ hội cũng là sự tính toán tỉ mỉ của Phạm Hoàng Giang. Người nghệ sĩ đó không chỉ trở thành một phần hòa quyện cùng kể những câu chuyện trong chương trình, mà phải là những người biết cách làm cho tiết mục họ đảm nhận tỏa sáng và trở thành những tác phẩm ghi dấu ấn ở mỗi sự kiện. Phạm Hoàng Giang rất kỹ tính, để làm nổi bật thông điệp của lễ hội mình thực hiện, anh luôn đặt hàng các nhạc sĩ viết các tác phẩm mới phù hợp với nội dung chương trình, đồng thời cũng là cách để anh tri ân địa phương và người dân nơi thực hiện lễ hội. Điều thú vị là nhiều tác phẩm đã trở thành những bài hát quen thuộc tại địa phương đó như "Đêm hội Thanh Thủy" do Tùng Dương biểu diễn, "Việt Trì đón bình minh" do nhóm OPlus biểu diễn, "Vũ khúc samba Hạ Long" của nhạc sĩ Tuấn Nghĩa.
Là một đạo diễn "đắt show" từ các lễ hội văn hóa đến các chương trình ca nhạc lớn, bí quyết thành công của Phạm Hoàng Giang đơn giản là dồn hết sức lực, say mê tận cùng với từng chương trình, bảo vệ những điều đúng đắn, tôn trọng, không làm sai lệch tính lịch sử cũng như văn hóa. “Mỗi chương trình diễn ra tôi luôn có những khoảng lặng và đặt ra nhiều hướng đi cho kịch bản. Mạch chảy nào tôi hứng thú nhất tôi sẽ quyết định đi theo mạch chảy kịch bản đó, điều đó sẽ cho tôi sức sáng tạo cũng như dành tâm huyết cho nó” - anh tâm sự.