Đạo diễn Phạm Ngọc Lân: Một thế giới phim tự do cần có đủ khuôn mặt

Phim 'Cu li không bao giờ khóc' của đạo diễn Phạm Ngọc Lân vừa đoạt giải quan trọng nhất – phim châu Á hay nhất - tại Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng (DANAFF II) vừa bế mạc đêm 6.7. Trước đó, phim đoạt giải thưởng Phim đầu tay xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Berlin 2024.

Đạo diễn Phạm Ngọc Lân đã trò chuyện với Người Đô Thị xung quanh bộ phim về một phụ nữ lớn tuổi giữ chặt mối dây liên hệ với quá khứ và hai người trẻ tuổi đứng trước quyết định hôn nhân. Đời sống hiện tại và những dư âm phức tạp của lịch sử Việt Nam đan xen trong góc nhìn trầm mặc, chiêm nghiệm và thi vị.

Ê-kíp phim Cu li không bao giờ khóc nhận giải thưởng Phim hay nhất hạng mục Phim châu Á dự thi. Ảnh:báo Đại biểu Nhân dân

Anh có kể vào khoảng năm 1997, đạo diễn người Pháp gốc Hoa - Đới Tư Kiệt có buổi ra mắt phim Người thừa tại Viện Pháp để tri ân đội ngũ Việt Nam giúp ông thực hiện bộ phim. Lúc đó anh mới 11 tuổi, ngồi trên ghế khán giả, còn quá bé để hiểu được nội dung. Tuy nhiên hình ảnh chiếu trên màn bạc lớn về một phụ nữ khóc với đôi mắt mở to, thất thần và hoang mang, đã đánh thức điều sâu kín nào đó bên trong anh. Sau này, khi biết đó là NSND, diễn viên Minh Châu, anh đã mời bà vào các dự án phim mình làm. Anh có phải là một đạo diễn cảm tính với lựa chọn của mình?

Cho đến giờ, các kinh nghiệm điện ảnh của tôi có thể gói gọn bằng việc cố gắng nắm bắt sức mạnh của một ánh nhìn đến với mình từ thơ ấu. Đây là cách tiếp cận riêng tư nhưng quan trọng. Bởi với tôi, nếu không có riêng tư sẽ khó có sáng tạo chân thành; và nếu không có sáng tạo chân thành, những dự án mình làm ra sẽ khó xâu chuỗi và khó mang sức nặng đặc biệt.

Về việc mời cô Minh Châu vào các vai diễn, tôi không cho rằng đây là lựa chọn cảm tính. Lựa chọn về diễn viên cần được kích hoạt bằng bản năng của đạo diễn; nếu phảng phất nỗi niềm riêng tư thì càng có lý do hơn nữa. Nhưng sau cùng, lựa chọn ấy vẫn cần được phân tích và suy xét dựa trên lý trí. Tôi cũng cần biết đủ nhiều và đủ thân với một diễn viên trước khi quyết định hợp tác.

Đạo diễn Phạm Ngọc Lân nhận giải thưởng Phim đầu tay xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Berlin 2024. Ảnh: Getty

Đạo diễn Phạm Ngọc Lân nhận giải thưởng Phim đầu tay xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Berlin 2024. Ảnh: Getty

Trong Cu li không bao giờ khóc, Hà Phương - được báo chí gọi là người mẫu khuyết tật đầu tiên của Việt Nam, đảm nhận vai nữ chính. Cơ duyên nào anh tìm được Hà Phương? Khi viết kịch bản này, anh có nghĩ việc tìm được một diễn viên khuyết tay là điều rất khó khăn?

Tôi gặp và mời Hà Phương thử vai sau lần tình cờ thấy các bức ảnh chụp em diễn thời trang. Kịch bản phim đã được hoàn thiện trước khi gặp Hà Phương, và sau khi chọn em, chúng tôi quyết định không chỉnh sửa kịch bản bởi tôi tin trong điện ảnh của mình, các nhân vật nên được đối xử một cách bình đẳng, tức là được chú trọng vào phần con người, tài năng, nhân bản chứ không phải phần khiếm khuyết.

Tôi thấy một thế giới phim tự do cần có đầy đủ các khuôn mặt, bao gồm cả những người thường bị lãng quên trong điện ảnh: người già, trẻ nhỏ, người khuyết tật và động vật... Trong đó, người già được dứt khỏi trách nhiệm với xã hội, trẻ nhỏ không cần đóng thay vai người lớn để nói những câu thoại của người lớn; còn người khuyết tật thì luôn được nhìn nhận ngang với những người may mắn hơn họ.

Đã vài tháng khi Cu li không bao giờ khóc được xướng tên tại Liên hoan phim Berlin, cảm giác của anh bây giờ thế nào?

Giải thưởng phim đầu tay xuất sắc nhất là một giải thưởng quan trọng cho dự án và con đường làm phim, nhưng chưa chắc tốt cho cách sống của tôi. Bởi giải thưởng làm mọi người biết đến khuôn mặt, và cũng thay đổi cách nhìn. Để tập trung làm sáng tạo, tôi chỉ muốn tác phẩm để lại dấu ấn, còn bản thân cứ vô danh.

Từng tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành quy hoạch và thiết kế đô thị, nếu không tự học làm phim thì giờ này có thể hình dung Phạm Ngọc Lân đang làm nghề gì? Việt Nam và những vấn đề đô thị rối ren không giữ chân được anh?

Khó có thể hình dung mọi thứ sẽ ra sao. Tôi ra trường hai năm thì nghĩ đến chuyển việc. Đó là những năm tháng khủng hoảng kinh tế, và tôi thấy cần đổ công vào vài điều riêng tư hơn là các dự án quy hoạch, do khủng hoảng mà có lẽ không thể thành hình. Tôi không muốn mình ảo tưởng. Có lẽ ngành xây dựng cũng chưa cần quá một tôi như chị nghĩ. Vào thời gian các lựa chọn đang quy dần về điện ảnh, tôi vẫn chưa có sự nghiệp. Khi ấy, cuộc đời vẫn là một rong chơi lớn. Tôi thấy may mắn vì mình chưa có gánh nặng nào cả.

Khi giải thưởng tại Liên hoan phim Berlin được trao, anh từng nói đích đến của mình không phải là Liên hoan phim Berlin mà là rạp chiếu phim trong nước, dành cho người Việt. Thực tế dù muốn dù không, phải thừa nhận các phim nghệ thuật được đánh giá và có giải thưởng quốc tế hầu như không được đón nhận mặn mà tại thị trường trong nước. Anh chuẩn bị tâm thế nào cho sự kiện ra mắt phim tại Việt Nam, một thị trường phim với doanh thu khủng thuộc về những bộ phim dành cho số đông như Mai, Lật mặt…?

Cu li không bao giờ khóc là bộ phim làm về những phần văn hóa không thể diễn dịch trọn vẹn sang văn hóa khác. Có những điều nằm ngoài và sâu sắc hơn phạm vi câu chuyện và ngôn ngữ điện ảnh - thứ mà các liên hoan phim hay khán giả ngoại quốc có thể đọc. Trên góc độ này, sẽ thật vô nghĩa nếu phim không thể tiếp cận khán giả trong nước.

Đây là bộ phim được thực hiện từ nguồn hỗ trợ không hoàn trả đến từ 4 quốc gia phát triển, và đến từ một nhà đầu tư trong nước rất tin tưởng vào tầm nhìn nghệ thuật của dự án. Chúng tôi không bị đặt nặng vấn đề phải kiếm thật nhiều tiền cho các đối tác; cũng vì vậy, có nhiều tự do tổ chức phát hành hơn so với các phim thương mại.

Diễn viên Hà Phương và Xuân An trong phim Cu li không bao giờ khóc. Ảnh đoàn phim cung cấp

Dạo gần đây, mọi người hay nói với nhau về sự mở lòng của khán giả: có một thế hệ khán giả Việt mới ngày càng rộng lượng và chấp nhận nhiều dạng “gu” nghệ thuật khác nhau. Không chỉ với điện ảnh mà với cả các ngành nghệ thuật khác. Thế nhưng hệ thống hạ tầng và truyền thông dành cho phát hành phim ở Việt Nam chưa theo kịp. Chúng ta chỉ còn một mô hình rạp phim thương mại, cùng một hệ thống PR dành cho các phim giải trí. Điều này, đi kèm cơ chế kiểm duyệt hiện có, đã trực tiếp loại bỏ nhiều bộ phim có góc nhìn độc đáo.

Chúng tôi muốn tìm hướng tiếp cận phát hành khác dựa trên các điểm mạnh của bộ phim. Đây là một dự án đặc biệt: bộ phim có góc nhìn trung dung và hòa ái về các vấn đề xã hội và lịch sử, có quan điểm cởi mở và tiến bộ về nhiều nhóm yếu thế trong xã hội. Vậy nên giai đoạn phát hành mở ra cơ hội để chúng tôi hợp tác với nhiều bên: khối truyền thông sáng tạo trong lĩnh vực văn hóa - lịch sử - nghệ thuật, các tổ chức văn hóa quốc tế tại Việt Nam, các tổ chức công tác xã hội dành cho các nhóm yếu thế và các nhóm làm nghệ-thuật-mới.

Bản thân tôi cho rằng việc đưa phim ra rạp không nên chỉ có một mục đích duy nhất là kiếm tiền mà cũng nên là cơ hội để cả ê kíp làm phim thực thi trách nhiệm xã hội của mình với sự tử tế sẵn có. Là đạo diễn, tôi không đứng ngoài công việc phát hành phim. Chúng tôi muốn đóng góp vào việc xây dựng một thói quen nghe - nhìn đa dạng; qua đó mở rộng cánh cửa để khán giả đại chúng đến gần hơn một số hoạt động văn nghệ - xã hội khác.

Với bộ phim, anh từng cho rằng mình muốn lan tỏa một cách nhìn khác về Việt Nam từ bên trong chứ không phải là cách nhìn về Việt Nam như truyền thông phương Tây nhìn nhận. Nhưng liệu rằng chọn cách kể về Việt Nam từ bên trong sẽ khiến phim mất đi sức hấp dẫn, sự khác biệt, yếu tố “lạ lẫm” mà phương Tây thường nhìn về Việt Nam?

Sau Covid-19, tôi không còn nhiều bận tâm tới những đặc điểm - mà theo cách dùng từ của chị, mang màu sắc “khác biệt” và “lạ lẫm”. Một thế hệ lớn tuổi đang biến mất, đi kèm những phần văn hóa và lịch sử. Bây giờ, cái đẹp trầm mặc, mong manh và dễ tổn thương, đôi khi ít được chú ý lại hấp dẫn tôi hơn bao giờ hết.

Có người hỏi, tại sao chúng tôi chọn chủ đề và đường đi khó. Nhưng có những câu chuyện nếu chúng tôi không kể, sẽ chẳng ai kể.

Chị nhìn xem: phim thương mại quan tâm đến việc thu về thật nhiều tiền, phim nhà nước quan tâm lan tỏa những đại tự sự. Quy trình làm phim thương mại có xu hướng chẻ nhỏ thực tế để biến chúng thành sản phẩm tiêu dùng; còn quy trình duyệt và sản xuất phim nhà nước lại có xu hướng gom chặt thực tế qua một lăng kính để biến thành những lý tưởng xa vời.

Đoàn phim tại Liên hoan phim Berlin, tháng 2.2024(Hàng sau, từ trái: diễn viên Hà Phương, NSND Minh Châu, đạo diễn Phạm Ngọc Lân). Ảnh: TLNV

Đoàn phim tại Liên hoan phim Berlin, tháng 2.2024(Hàng sau, từ trái: diễn viên Hà Phương, NSND Minh Châu, đạo diễn Phạm Ngọc Lân). Ảnh: TLNV

Có những khoảng trống ở xung quanh hai cách thức làm phim ấy và cũng không thuộc phạm vi mà người ta muốn những người ở bên ngoài nền văn hóa nhìn vào. Nó nhỏ, nhưng cần thiết cho xã hội. Tôi hiểu điều chị đang băn khoăn. Đúng là tính ngoại lai và hương xa dễ đập vào mắt người xem ngoại quốc hơn. Nhưng, có vài khoảng trống cần được lấp, bằng lòng dũng cảm.

Nếu phải giới thiệu một chút về bộ phim của mình, Phạm Ngọc Lân sẽ nói gì?

Đây là một bộ phim về dì và cháu cùng khoảng cách thế hệ. Một bộ phim giản dị được thực hiện kỹ lưỡng, có câu chuyện được thiết kế tối giản nhằm trượt qua tâm trí người xem như một giấc mơ.

Đây là bộ phim mang đậm tính cách Bắc bộ, nơi ký ức cá nhân giao thoa với ký ức cộng đồng. Ý tưởng bộ phim xuất phát từ những kỷ niệm riêng tư trong gia đình tôi, nhưng hướng tới người xem thông qua cách triển khai tình huống có tính phổ quát đối với người Việt.

Đây cũng là bộ phim có nhịp điệu thơ ca rất riêng. Nhịp phim được định hình và dẫn dắt nhiều bởi âm nhạc: những bài hát yêu nước, những bài hát tiền chiến và cả những bài hát trẻ.

Một nhân vật khá hấp dẫn khi xuất hiện trong poster và trailer của phim, đó là con cu li. Bạn có thể chia sẻ một chút về quá trình ra đời của con cu li trông rất thật này?

Hiện tại, điều này vẫn nên là một bí mật. Tôi muốn hẹn trả lời câu hỏi của chị khi phim chiếu rạp trọn một tuần.

Đạo diễn Phạm Ngọc Lân sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, hiếm khi rời bỏ thành phố của mình (cả trong thực tế và trong tưởng tượng) cho đến khi bước chân qua ngưỡng cửa đại học.

Anh tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành quy hoạch - thiết kế đô thị năm 2009 và tự học làm phim năm 27 tuổi. Các tác phẩm của anh được trình chiếu ở một số bảo tàng và liên hoan phim quan trọng.

Anh trở thành đạo diễn người Việt đầu tiên có phim ngắn được đề cử giải Gấu Vàng vào các năm 2016 và 2019; nhận giải thưởng Phim đầu tay xuất sắc nhất Liên hoan phim Berlin lần thứ 74 với bộ phim Cu li không bao giờ khóc (2024). Bộ phim cũng mang về giải diễn viên nữ xuất sắc nhất (NSND Minh Châu) tại Liên hoan phim quốc tế Las Palmas de Gran Canaria 2024; phim hay nhất tại Liên hoan phim quốc tế Jeonju 2024...

Một vài nhận định về bộ phim

“Nhân vật trong phim như một dạng huyền thoại địa phương nay hiện ra trong ánh sáng của điện ảnh kinh điển. Lân và "đồng bọn" hơn cả làm phim, họ đang làm một lưu trữ khổng lồ về những lấp lánh nay có lẽ đã thành di sản” - đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp

“Pha trộn quá khứ, ước mơ và khao khát qua những cú máy đen trắng di chuyển như thôi miên, bạn sẽ có một trong những bộ phim mê hoặc nhất của năm” - Thành viên hội đồng Josh Siegel khi lựa chọn phim công chiếu tại Bắc Mỹ

"Trong một thế giới thường bị chia cắt bởi ngôn ngữ và văn hóa, điện ảnh vẫn là phương tiện biểu đạt và giao tiếp phổ quát. Cu li không bao giờ khóc với sự khám phá gợi mở về cảm xúc con người và sự phức tạp của hành trình cuộc sống, như một lời nhắc nhở về sức mạnh kết nối của điện ảnh - giữa các châu lục và giữa những trải nghiệm khác nhau. Giải thưởng tại Berlinale sẽ là nguồn cảm hứng cho các nhà làm phim trẻ ở khắp mọi nơi, và là minh chứng rằng một câu chuyện tuyệt vời thì không có ranh giới" - BNN Breaking

“Ngồi trong phòng chiếu với 3/4 người nước ngoài, mình tự hỏi làm sao họ có thể hiểu được những sắc thái vi tế trong bộ phim nói tiếng Việt này: cái ý tứ ẩn tàng trong các mối quan hệ phản ánh ngay từ những đại từ nhân xưng (“tớ - cậu”, “cô - em”…), cái trào phúng về những lễ nghi xưa nay quen thuộc và nghiễm nhiên với chúng ta mà không nhận ra nó ít nhiều kệch cỡm, hay sâu hơn là sự lạc lõng của con người trong bối cảnh xã hội Việt Nam thời quá độ. Tất nhiên, một bộ phim hay thì vẫn mang ngôn ngữ phổ quát, nên mình cũng không quá lo về khả năng đọc hiểu bộ phim của các khán giả, nhưng nếu / khi có cơ hội xem bộ phim này, mình nghĩ bạn sẽ thấy nhiều dấu vết, yếu tố mà những người sống ở thời đại này, ở đất nước này, mới có thể hiểu, và cách suy tư của ta về những vấn đề trong bộ phim cũng chắc hẳn không giống với phần còn lại của thế giới...” - Khán giả Ngân Tuyết Nguyễn tại Liên hoan phim Berlin.

“Người xem được đưa vào một không gian mơ hồ giữa quá khứ và hiện tại, được nhìn tận mắt văn hóa Việt Nam qua nhiều lăng kính khác nhau. Tất cả tạo nên hình ảnh tổng thể về một đất nước liên tục bị mắc kẹt giữa quá khứ đầy nhọc nhằn và tương lai hứa hẹn” - Nhà báo Matthew Joseph Jenner của trang ICS.

Trâm Anh

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/mot-the-gioi-phim-tu-do-can-co-du-khuon-mat-44247.html