Đạo diễn phim 'Bắc Kim Thang' chưa học hết cấp ba, từng chạy bàn, giao hàng

'Tôi từng làm chạy bàn, nhân viên giao hàng, pha chế rồi mới gia nhập vào lĩnh vực quảng cáo và sau này là phim ảnh' - đạo diễn Trần Hữu Tấn nói.

Hơn nửa năm sau thành công của bộ phim Bắc Kim Thang, đạo diễn Trần Hữu Tấn lại khiến khán giả “đứng ngồi không yên” khi giới thiệu phim sinh tồn đầu tiên chiếu rạp của điện ảnh Việt là Tà Năng Phan Dũng. Nhắc tới đứa con tinh thần thứ 2 này, anh không khỏi xúc động khi nhìn lại quá trình thực hiện gian khổ cũng như hi vọng những điều tích cực sẽ được lan tỏa sau khi phim ra mắt.

Đạo diễn Trần Hữu Tấn.

Đạo diễn Trần Hữu Tấn.

Khóc nấc khi xem bản dựng

- Đến bây giờ, khi phim đã đóng máy và có những bản dựng đầu tiên, cảm giác của anh thế nào?

Tôi rất hài lòng và cảm thấy không uổng công với những cố gắng mà anh em ê-kíp dành cho phim. Tôi tin anh em trong đoàn sẽ cảm thấy những tháng ngày gian nan được bồi đắp xứng đáng.

- Nghe nói anh đã khóc sau khi xem xong bản dựng đầu tiên, vì sao vậy?

Phim thật sự mang lại cho tôi rất nhiều cảm xúc. Không phải vì tôi là đạo diễn bộ phim này mà trả lời chủ quan như thế. Ngay khi màn hình vừa tắt đi, tôi khóc nấc như một đứa trẻ bởi câu chuyện, bởi phim làm sống lại những chuyến đi trước đây của tôi và bởi hình ảnh của những nhân vật mà tôi không bao giờ quên được.

- Vì sao anh dám “ép” hơn 100 con người sống cực khổ không điện, không nước, không liên lạc thế giới bên ngoài, không phương tiện di chuyển khi làm phim này? Dự án có quá mạo hiểm về mặt sản xuất không?

Phải nói rằng đến khi ra set quay ngày đầu tiên, thấy anh em ê-kíp dàn dựng hiện trường vất vả, tôi mới tự hỏi mình: “Mày đang làm gì vậy? Sao lại gan thế? Quay phim ở Tà Năng – Phan Dũng, điên rồi à?”. Đến khi đóng máy, tôi vẫn không tin được mình đã trải qua 36 ngày quay ở nơi có thể gọi là tách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Dự án thật sự rất mạo hiểm nhưng cuối cùng chúng tôi đã làm được. Tôi tin, nếu cho chọn lại, không chỉ tôi mà cả ê-kíp cũng sẽ không từ chối khoảng thời gian cực khổ vừa qua. Cực nhưng đáng.

Đạo diễn Trần Hữu Tấn khi làm phim "Tà Năng Phan Dũng".

Đạo diễn Trần Hữu Tấn khi làm phim "Tà Năng Phan Dũng".

Không tự ti về quá khứ

- Làm phim "Tà Năng Phan Dũng" là sự lựa chọn dũng cảm khi khai phá con đường rất mới, và để đi được đường dài thì cần có vốn sống, vốn văn hóa và hiểu biết về du lịch khá dày. Anh chuẩn bị thế nào cho các chặng sắp tới trong sự nghiệp?

Tôi chỉ làm phim do mình viết kịch bản hoặc những kịch bản tôi được tham gia sửa chính. Tất cả những câu chuyện, yếu tố, chất liệu từ phim tôi làm đều lấy từ trải nghiệm của cuộc đời mình. Khi làm phim, tôi không nghĩ mình cần chuẩn bị gì cả. Mình sống như thế nào, tiếp xúc với ai hay làm việc gì… tất cả những yếu tố đó đều có thể trở thành một phần câu chuyện trong phim. Tôi quan niệm, không quan trọng vốn sống của bạn nhiều hay ít, cái chính là góc nhìn của bạn có khác người ta hay không.

- Anh trẻ về tuổi nghề làm phim nhưng không trẻ về tuổi đời, đó có phải là bất lợi?

Tôi nghĩ đó là lợi thế, tuổi tác càng nhiều thì càng có sự điềm tĩnh hơn trong mọi quyết định, nhất là với vai trò đạo diễn.

- Một thông tin thú vị là anh chưa từng học hết cấp 3 và từng làm đủ nghề từ bảo vệ cho tới những công việc phổ thông khác. Bạn có thể chia sẻ cụ thể hơn?

Tôi từng làm chạy bàn, nhân viên giao hàng, pha chế rượu rồi mới gia nhập vào lĩnh vực quảng cáo và sau này là phim ảnh.

Nghề nào cũng là nghề, tôi không thấy tiếc nuối hay tự ti với những công việc trước đây.

Đạo diễn Trần Hữu Tấn

Mỗi công việc đều cho tôi nhiều trải nghiệm khác nhau, đó là những chất liệu quý giá để củng cố và làm chân thật hơn cho những bộ phim của tôi.

Làm "Bắc Kim Thang", tôi mất nhiều bạn bè

- Thành công của "Bắc Kim Thang" có mang lại cho bạn “thất bại” nào không?

Tôi nói thật nhé, phim Bắc Kim Thang có thể được xem là thành công đầu tay của tôi nhưng cũng vì bộ phim này mà tôi thất bại với nhiều mối quan hệ, cụ thể ở đây là bạn bè. Trước khi làm phim, tôi có nhiều người bạn có thể gọi là anh em. Nhưng sau phim, chúng tôi dần có khoảng cách. Tôi không hiểu lý do, nhưng chắc cũng nhờ vậy mà tôi biết được ai thật sự là người tốt, là bạn bè quanh mình.

- "Tà Năng Phan Dũng" là dự án đang được quan tâm sau thành công của anh với "Bắc Kim Thang". Bỗng dưng được quan tâm để ý quá nhiều, bạn có khớp hay ngạc nhiên không?

Tôi là người không thoải mái trước đám đông. Tôi không muốn được quan tâm quá nhiều và cũng chưa quen lắm với việc được để ý, vì bản tính vốn thích sự yên tĩnh.

- "Bắc Kim Thang" từng tham dự Liên hoan phim quốc tế Busan, còn "Tà Năng Phan Dũng" thì sao?

Sắp tới Tà Năng – Phan Dũng cũng sẽ được gửi đi Pusan tham dự Liên hoan phim quốc tế Busan và một số liên hoan phim khác. Đây là bước nằm trong kế hoạch của tôi và đội ngũ sản xuất.

- Cung đường Tà Năng - Phan Dũng tăng lượng khách du lịch thấy rõ sau khi bộ phim được quảng bá rầm rộ. Khi nhận được thông tin này, anh nghĩ gì?

Tôi cảm thấy vui và hào hứng vì ít nhiều mình đã làm được điều gì đó cho cung đường Tà Năng – Phan Dũng nói riêng và tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận nói chung. Hi vọng rằng, hiệu quả của phim sẽ còn vươn xa hơn ở thị trường nước ngoài, qua đó góp phần đưa cung đường trekking này sánh ngang với những địa danh nổi tiếng trên thế giới chuyên dành cho các phượt thủ.

- Những bộ phim như "Tà Năng Phan Dũng" nếu làm thành công có thể thúc đẩy phát triển một địa danh, vùng miền. Anh chờ đợi hiệu quả mà bộ phim mang lại cho "Tà Năng Phan Dũng" thế nào?

Trước mắt là người dân ở khu vực này sẽ được hưởng lợi về mặt kinh tế, sau đó là ngành du lịch, nhất là ở mảng du lịch mạo hiểm. Không gì tuyệt vời hơn khi thấy tác phẩm của mình tạo ra giá trị tích cực cho xã hội.

- Giả sử phim thành công và cung đường đó đông nghẹt khách du lịch, dân phượt và trekking lên tiếng trách móc đòi trả lại sự yên tĩnh cho Tà Năng - Phan Dũng thì anh sẽ nói gì?

Lúc đầu tôi cũng có suy nghĩ như thế, nhưng sau thì nhận ra rằng, cảnh vật thiên nhiên mà tạo hóa ban tặng là dành cho tất cả chúng ta chứ không phải cho riêng ai. Quan trọng là cách chúng ta trân trọng những địa điểm đấy thế nào, làm sao để dù đông người biết đến nhưng vẻ đẹp nguyên thủy của nơi đó vẫn không mất đi.

 Poster phim "Tà Năng Phan Dũng".

Poster phim "Tà Năng Phan Dũng".

- "Tà Năng Phan Dũng" được quay hoàn toàn trong điều kiện nguy hiểm. Có điều gì khiến sau khi phim hoàn tất, bạn thờ phào nhẹ nhõm theo kiểu "may quá không ai bị làm sao"?

Nơi đây không chỉ nguy hiểm về địa hình, địa thế mà còn khiến nhiều thành viên lo lắng về mặt tâm linh. Trong lúc quay, không lúc nào tôi không lo lắng. Nhưng may mắn nhờ sự kỷ luật của đoàn, sự chu đáo trong việc quản lý ê-kíp mà dự án đã hoàn thành suôn sẻ, đúng tiến độ. Phim đóng máy được hơn 1 tháng, tôi mới thật sự thấy nhẹ người.

- Dự án tiếp theo của bạn là gì?

Sẽ là bộ phim kinh dị với cách làm rất mới, có thể nói là lần đầu tiên được thực hiện trên màn ảnh rộng của Việt Nam. Phim đó có thể ít nhiều gây tranh cãi, tuy nhiên tôi tin khán giả sẽ đón nhận.

Mai Lan

Nguồn VTC: https://vtc.vn/dao-dien-phim-bac-kim-thang-chua-hoc-het-cap-ba-tung-chay-ban-giao-hang-ar557797.html