Đạo diễn Trần Vịnh: Làm phim chiến tranh để trả nợ những người đã ngã xuống

Nhắc đến Trần Vịnh, người ta nhớ đến những bộ phim về đề tài chiến tranh do ông đạo diễn, như: 'Ba lần và một lần', 'Bến đò xưa lặng lẽ','Vùng ven một thời con gái', 'Ninh Thạnh Lợi - đất và lửa', 'Món nợ miền Đông'; 'Huế mùa mai đỏ'... Với thôi thúc, làm phim chiến tranh để trả nợ những người đã ngã xuống, đạo diễn cũng còn mong muốn kể câu chuyện cổ tích có thật cho con cháu ghi nhớ về lịch sử cha ông.

Gia tài của đạo diễn, NSƯT Trần Vịnh ở tuổi gần 80 là 70 bộ phim về chiến tranh, gần 40 giải thưởng chuyên ngành điện ảnh và giải thưởng của Bộ Quốc phòng… Đặc biệt, năm 2014, NSƯT Trần Vịnh vinh dự được Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam phong tặng danh hiệu: "Người làm phim chiến tranh nhiều nhất Việt Nam!". Ở cái tuổi "xưa nay hiếm", song NSƯT Trần Vịnh vẫn cứ phong độ, hào sảng, đầy mẫn tiệp và vẫn tràn đầy khát vọng kể chuyện chiến tranh bằng ngôn ngữ điện ảnh. Nhân dịp vừa hoàn thành bộ phim chiến tranh "Đội du kích Đình Bảng", ông đã dành cho chúng tôi cuộc trò chuyện về đề tài mình đã đeo đuổi suốt cả cuộc đời.

Đao diễn, NSƯT Trần Vịnh nổi tiếng với gia tài 70 bộ phim về đề tài chiến tranh

Đao diễn, NSƯT Trần Vịnh nổi tiếng với gia tài 70 bộ phim về đề tài chiến tranh

+ Thưa NSƯT Trần Vịnh, vì sao ở tuổi 78, ông vẫn say sưa với đề tài phim về chiến tranh như vậy?

- Khát vọng làm phim của tôi là kể lại những câu chuyện cổ tích có thật cho con cháu chúng ta xem, để chúng hiểu được cha ông đã chiến đấu như thế nào mới có được ngày hôm nay. Để hiểu rằng, để lá cờ bay trên nền trời Tổ quốc là biết bao nhiêu người đã hy sinh. Và để cho những người đương thời chiêm nghiệm lại mình, xem mình có còn đi con đường ấy nữa không, hay là đã tạt ngang sang đường khác, phụ bạc những người đã nằm xuống. Có lẽ, mỗi lần thấy ông này ông kia bị vào tù, bị kỷ luật từ cấp cao đến cấp thấp thì chính những người cựu chiến binh như chúng tôi là buồn nhất. Và tôi nghĩ rằng, những chiến sĩ đã hy sinh họ cũng tủi nhất.

Cho nên tôi nghĩ rằng, chúng ta vẫn phải làm những phim chiến tranh cách mạng, để cho người đời chiêm nghiệm lại mình, để truyền lại ngọn lửa truyền thống cách mạng, không được quên, nếu bỏ qua điều này là có tội với người đã nằm xuống.

+ Ông từng nói ông làm phim đề tài chiến tranh vì cảm thấy mắc nợ đồng đội cũ của mình. Vì sao vậy?

- Hồi tôi ở Đoàn Văn công Trị Thiên - Huế, tôi hát, ngâm thơ, múa địch (đóng vai đối phương). Văn công Quân khu không khác gì chiến sĩ.

Chúng tôi gặp những người chiến sĩ đi từ Bắc vào Nam, từ nhiều miền quê. Có những lần biểu diễn xong, hai tiếng sau, chúng tôi nghe tin, những chiến sĩ xem mình biểu diễn đã chết, bị thương… Như thằng em ruột của tôi, nó xem tôi diễn, nửa tháng sau, tôi về bệnh viện đã thấy nó băng bó đầy người.

Chiến sĩ chết trên tay chúng tôi không phải ít. Suốt đời mình, tôi không làm sao quên được anh lính tên Sang, người Hà Nội nhà ở Văn Miếu, bị thương nặng, nhưng không muốn "phiền" đồng đội cáng mình ra Bắc… Cả đoàn chúng tôi đã hát, ngâm thơ cho một mình Sang xem. Mấy ngày sau Sang mất.

Hồi ở biên giới Tây Nam, biểu diễn thời đó còn khó hơn biểu diễn trong thời chiến tranh chống Mỹ, vì Khmer Đỏ đánh du kích kinh khủng lắm… Chúng tôi biểu diễn ở Tây Ninh, đi ngang sân đá bóng, mỗi sáng ra, chúng tôi lại thấy sân bóng có thêm những ngôi mộ mới, toàn những người lính 17, 18, 20 tuổi, từ các tỉnh… Cho nên nói mắc nợ là mắc nợ những người đã nằm xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc…

Từ trái qua phải: Bộ phim "Huế mùa mai đỏ" và "Đội du kích Đình Bảng"- bộ phim mới nhất của đạo diễn Trần Vịnh

Từ trái qua phải: Bộ phim "Huế mùa mai đỏ" và "Đội du kích Đình Bảng"- bộ phim mới nhất của đạo diễn Trần Vịnh

+ Làm nhiều phim chiến tranh, ông có buồn không khi có ý kiến cho rằng phim chiến tranh khó hấp dẫn khán giả?

- Tôi vẫn tin phim chiến tranh hấp dẫn khán giả. Đến nay, tôi đã làm phim cho 40 tỉnh, thành, hầu hết vận động tiền để làm phim chứ không phải tiền nhà nước rót xuống. 54 phim của tôi có một số phim làm cho truyền hình Việt Nam, hoặc vài đài, còn thì hầu hết là tiền vận động của các tỉnh để làm phim về địa phương ấy. Đừng nói người dân thờ ơ với phim chiến tranh, không phải đâu. Mỗi lần phim của tôi chiếu ra thì hàng loạt cựu chiến binh xem, họ thấy ấm lòng khi nhắc lại những câu chuyện lịch sử. Chúng ta cứ nói phim chiến tranh ít người xem, "đổ tội" rằng ít người xem là để có cớ làm việc khác.

Tôi khảo sát các đài truyền hình, tôi nói rất thật rằng, Đài truyền hình từ trung ương đến các địa phương đều là công cụ truyền thông của Đảng, Nhà nước, cần phải dành thời lượng cho việc tuyên truyền, giáo dục truyền thống, lịch sử. Đừng chạy theo kinh doanh, bán sóng quá mức. Họ nói với tôi nhiều phim rất hay, rất thích nhưng họ phải kiếm sống, nuôi anh em. Truyền hình sẽ giáo dục gì cho người dân khi mở ra là đánh đấm, là hiếp dâm, bỏ nhau… Có lẽ không mang lại lợi đâu, có thể thu lợi về kinh tế, thu hàng chục tỉ tiền quảng cáo, nhưng cái hại là đạo đức, văn hóa, tư tưởng. Chúng ta cố gắng làm phim hay, đầu tư vào kịch bản, đầu tư mười mấy tỉ để làm phim "cúng cụ" xong rồi cất. Phải bỏ từng đó tiền nữa để quảng bá, để chiếu phim.

Các đài cũng nên trăm hoa đua nở, mỗi năm làm 1-2 bộ phim về chiến tranh, lấy thu bù chi đi, lấy lãi của phim đời thường bù cho phim chiến tranh đi. Giáo dục về tư tưởng mới là cái lãi của phim chiến tranh. Tôi làm phim chiến tranh mỗi lần phim của tôi được chiếu thì đều nhận được rất nhiều tin nhắn, điện thoại của các cựu chiến binh, những người lính năm xưa.

Tuy nhiên, tôi nghĩ, cần có sự hỗ trợ từ nhà nước để làm dòng phim chiến tranh, cũng như các nghệ thuật truyền thống như tuồng, chèo, cải lương… nếu muốn giữ gìn bản sắc thì phải có kinh phí nhà nước chứ nếu họ tự kiếm ăn thì sẽ phải biến tấu đi chứ. Cũng như Đài truyền hình, nhà nước bỏ hàng chục, hàng trăm tỉ để xây dựng 1 Đài truyền hình nhưng họ chỉ chiếu những phim giải trí, phim đánh đấm này khác thì tính giáo dục ở đâu. Mình không nói xem phim đó xong thì thành tội phạm, nhưng tội phạm ở đâu, khi xem mãi cái kiểu phim mà người ta được học phạm tội, cái buồn của tôi là cái đó, còn tôi làm phim xong tôi không tin là ít người xem.

Đạo diễn Trần Vịnh: Làm phim chiến tranh là kể câu chuyện cổ tích có thật cho con cháu ghi nhớ về lịch sử cha ông

Đạo diễn Trần Vịnh: Làm phim chiến tranh là kể câu chuyện cổ tích có thật cho con cháu ghi nhớ về lịch sử cha ông

+ Bằng kinh nghiệm của mình, ông nhận thấy điều khó nhất ở thể loại phim chiến tranh là gì?

- Đầu tư công sức rất lớn. Về kỹ thuật, làm phim về chiến tranh trong bối cảnh hiện nay vô cùng khó! Tôi luôn nhắc tôi rằng, khi đạo diễn làm phim chiến tranh, chỉ huy quả nổ, nếu không cẩn thận, là "cầm chìa khóa vào nhà tù", bởi lẽ, nếu anh không cẩn thận, gây thương vong, thương tật, anh là người đầu tiên phải đền, phải đi tù. Hầu hết phim tôi làm, tôi chỉ nhờ chuyên viên buộc, đặt thuốc nổ, còn tôi là người kiểm tra, trực tiếp đánh nổ.

Để làm được phim chiến tranh cho đến hôm nay, đầu tiên tôi cảm ơn là Trường Nghệ thuật Quân đội, thứ đến là nơi tôi "đắm mình" trong cuộc chiến - Đoàn Văn công giải phóng Trị Thiên - Huế; sau nữa là Đoàn Kịch Tổng cục Chính trị…

+ Ông có chia sẻ gì với thế hệ đạo diễn trẻ tiếp nối đề tài phim chiến tranh?

- Tôi mừng vì đề tài chiến tranh vẫn được những đạo diễn trẻ tiếp nối và mong rằng, xã hội sẽ tiếp tục ủng hộ.

Bản thân tôi đã trải qua chiến tranh, là một cựu binh nên có thể hiểu về chiến tranh và làm phim chiến tranh là lợi thế. Với các bạn trẻ, tôi mong họ sẽ tìm hiểu kỹ lưỡng mỗi giai đoạn, mỗi trận chiến mà họ đề cập.

Nếu chỉ nói về chuyện các nhà làm phim Việt đã nói về ba cuộc chiến tranh đất nước chúng ta trải qua trong vòng hơn 50 năm qua, thì chúng ta chưa kể, chưa thể hiện hết đâu! Thứ nhất vì chúng ta, nói thẳng, là kém tài, thứ hai không có kinh tế, thứ ba là diễn viên không chuyển tải được; nhiều đạo diễn cũng chưa hiểu hết vấn để được…

Khi làm phim, tôi luôn cố gắng tìm hiểu, có được thông tin đủ, chính xác ở mức nhiều nhất có thể có được. Ví dụ liên quan tới phim chiến tranh thứ 70 của tôi - "Huế, mùa mai đỏ", trước khi làm phim, cuối năm 2012, đầu năm 2013, chúng tôi tham dự hai cuộc hội thảo về trận Mậu Thân 1968 ở Huế. Việc chuẩn bị làm phim này chúng tôi thực hiện rất cẩn thận…

Thiếu tự nhiên và kém duyên, theo tôi, là hai điểm yếu của diễn viên Việt Nam khi diễn xuất. Xem một số phim chiến tranh, có những nam diễn viên được mời đóng nhân vật là bộ đội đặc công nhưng không thể giấu cái bụng "bia" của mình, hay nữ thì điệu đà quá. Tìm lấy gương mặt diễn viên mộc mạc như thời xưa rất khó. Đó là lý do vì sao tôi cũng không chọn diễn viên ngôi sao cho phim của mình.

+ Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Hà An (thực hiện)

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/dao-dien-tran-vinh-lam-phim-chien-tranh-de-tra-no-nhung-nguoi-da-nga-xuong-20210101175700697.htm