'Đạo diễn tỷ USD' Trần Tư Thành soán ngôi Châu Tinh Trì
Trần Tư Thành trở thành đạo diễn đầu tiên của điện ảnh Hoa ngữ có doanh thu phòng vé hơn 1,5 tỷ USD. Thành công của 'Thám tử phố Tàu' giúp anh vượt mặt Châu Tinh Trì.
Thám tử phố Tàu 3 là tác phẩm ăn khách ở phòng vé Trung Quốc trong dịp Tết Nguyên đán năm nay. Bộ phim do Vương Bảo Cường, Lưu Hạo Nhiên đóng chính đã vượt mốc 620 triệu USD sau 7 ngày công chiếu, xô đổ hàng loạt kỷ lục về doanh thu trong lịch sử điện ảnh Hoa ngữ.
Thành tích đại thắng về doanh số của Thám tử phố Tàu 3 giúp người đàn ông "nhào nặn" tác phẩm, tài tử Trần Tư Thành, trở thành đạo diễn đầu tiên trong ngành điện ảnh Hoa ngữ có tổng doanh thu phòng vé hơn 1,5 tỷ USD.
Anh vượt mặt các nam đạo diễn kỳ cựu trong showbiz Trung Quốc như Trương Nghệ Mưu, Trần Khải Ca, Lý An, Phùng Đạt, và đặc biệt là Châu Tinh Trì.
Sina dự đoán về một cuộc đổi ngôi của Trần Tư Thành trước "vua hài" với series phim có sức hút lớn Thám tử phố Tàu.
"Trần Tư Thành và Tinh Gia giống nhau đến lạ", Sina bình luận. "Con đường trở thành đạo diễn danh tiếng, tính cách ngạo đời, đời sống tình ái thị phi, và cả phong cách vài năm mới cho ra mắt một tác phẩm song đều gây tiếng vang lớn của họ, như cùng một khuôn đúc ra", QQ nhận xét.
Thành tích vượt mặt Châu Tinh Trì
Theo Toutiao, Trần Tư Thành bước chân vào ngành sản xuất phim muộn hơn lớp đạo diễn gạo cội vài thập kỷ. Ở lĩnh vực hài kịch, anh có thể nói là "tay mơ" so với Châu Tinh Trì. Xuất phát điểm của tài tử là diễn viên, chuyên đóng thể loại chính kịch trên màn ảnh.
Năm 2010, anh tập tành làm phim điện ảnh dưới sự hỗ trợ của Wanda Film and Television. Mãi đến năm 2015, nhận thấy tiềm năng của thị trường phim hài kịch, anh mới chuyển hướng sang mảnh đất màu mỡ này.
5 năm trở lại anh thành công, thậm chí trở thành đạo diễn ăn khách số một của điện ảnh Hoa ngữ.
“Trần Tư Thành là một hiện tượng. Anh ấy đại diện cho lớp đạo diễn trẻ, thành danh nhờ dòng phim thị trường. Nhìn vào thành tựu của nam nghệ sĩ, người ta không phủ nhận anh vừa có tài lại gặp thời”, Sina bình luận.
Chỉ cần 5 bộ phim Trần Tư Thành đã được mệnh danh là nam đạo diễn bạc tỷ.
Các tác phẩm mang về thành tích ấn tượng cho sao nam là Chuyện tình Bắc Kinh đạt 63 triệu USD, My Hometown and Me and a UFO falling from the sky có doanh thu 432 triệu USD, Thám tử phố Tàu 1 (2015) đạt doanh thu 128 triệu USD, Thám tử phố Tàu 2 (2018) đạt doanh thu 510 triệu USD và mới nhất là Thám tử phố Tàu 3 đã vượt mốc 620 triệu USD.
Toutiao bình luận xét về thành tích phim của Trần Tư Thành thu lãi không hề kém cạnh so với Châu Tinh Trì, thậm chí còn vượt mặt đàn anh, tính trong 5 năm trở lại đây. Doanh thu 3 phim Tết gần nhất của đạo diễn Hong Kong ngày một giảm như Mỹ nhân ngư (2016) đạt 553 triệu USD, Tây du ký: Mối tình ngoại truyện 2 (2017) thu 246 triệu USD và Tân vua hài kịch (2019) chỉ có doanh thu vỏn vẹn 92 triệu USD.
Nhìn vào con số thống kê, truyền thông nói về sự sa sút của Châu Tinh Trì và bàn về sự kế nhiệm của Trần Tư Thành.
Chán làm diễn viên như Tinh Gia
Trần Tư Thành sinh năm 1978, trong một gia đình bề thế ở tại Liêu Ninh. Nghệ sĩ được nhận vào Học viện Nghệ thuật Điện ảnh và Truyền hình Tạ Tấn. Anh vượt qua hàng nghìn thí sinh để trở thành một trong 40 gương mặt xuất sắc đỗ vào trường khi mới 16 tuổi, là bạn cùng lớp với Triệu Vy .
Tuy nhiên, con đường nghệ thuật của Trần Tư Thành không bằng phẳng. Tính cách ngông nghênh, bốc đồng khiến anh trả giá đắt. Tại Học viện Sân khấu Thượng Hải, nam diễn viên tự xưng là "lão đại", "giang hồ trượng nghĩa", thường xuyên ra mặt giải quyết rắc rối cho bạn bè bằng nắm đấm.
Cuối năm nhất đại học, sao nam bị bắt vì đánh nhau với xã hội đen trong một nhà hàng. Vụ việc khiến Trần Tư Thành bị đuổi học, cấm tham gia kỳ thi tuyển sinh đại học trong 2 năm.
Trong lúc tuyệt vọng, cha Trần Tư Thành muốn đưa con ra nước ngoài du học, nhưng anh từ chối. Sau khi hoàn thành án phạt, nam diễn viên nộp đơn vào Học viện Điện ảnh Bắc Kinh, nhưng bị loại vì từng có án.
Anh tiếp tục nộp đơn vào Học viện Hý kịch Trung ương. Nhìn thấy tình cảnh khó khăn của học trò cũ, Giáo sư Lý Học Đồng đã viết thư giới thiệu Trần Tư Thành. Cuối cùng, sao nam trúng tuyển thủ khoa chuyên ngành biểu diễn của Học viện Hý kịch Trung ương.
"Trần Tư Thành là nam sinh huyền thoại của Học viện Hý kịch Trung ương. Thế hệ của chúng tôi gọi anh ấy là 'tài tử"', Cận Đông chia sẻ trên Sina.
Năm 2000, Trần Tư Thành bước chân vào showbiz với vai trò ca sĩ, người mẫu quảng cáo. Hai năm sau, anh nhận vai chính trong tác phẩm A Young Prisoner's Revenge.
Diễn viên trẻ lập tức gây chú ý nhờ cách thể hiện đầy cảm xúc, diễn xuất có chiều sâu. Thành công của A Young Prisoner's Revenge giúp anh giành giải Nam diễn viên mới xuất sắc tại Hoa Biểu và đề cử cho hạng mục Nam diễn viên chính xuất sắc ở nhiều giải thưởng điện ảnh danh giá.
Các tác phẩm ăn khách khác của Trần Tư Thành có thể kể đến Dân công, Soldiers Sortie, Thái cực quyền: Anh hùng bá đạo, The Man Behind the Courtyard House, A Chilling Cosplay.
Năm 2010, Trần Tư Thành dần rời xa ánh đèn máy quay. Chia sẻ về lý do bỏ diễn, trên Sohu, anh nói: "Làm diễn viên quá thụ động, không có chút quyền tự quyết. Lúc tham gia bộ phim Soldiers Sortie, tôi đã xin đạo diễn cho đóng vai Hứa Tam Đa. Trong lòng tôi chắc nịch vai diễn sẽ gây tiếng vang, nhưng ông ấy không đồng ý. Cuối cùng, người đóng vai này là Vương Bảo Cường nổi tiếng sau một phim. Con mắt của tôi không sai".
Sau vụ việc, anh hạ quyết tâm trở thành đạo diễn. "Tôi muốn trở thành người làm bánh, chứ không phải người đợi nhận bánh từ người khác. Tôi ghét việc trở thành con rối trong tay người khác", Trần Tư Thành chia sẻ.
Anh giống Châu Tinh Trì, giã từ sự nghiệp diễn xuất khi tuổi còn rất trẻ: người 46 tuổi, người 32 tuổi.
Cái khó của Trần Tư Thành
Phong cách hài của Trần Tư Thành có khuynh hướng Tây hóa văn hóa Trung Hoa, cụ thể là quốc tế hóa dòng truyện trinh thám nước nhà. Tiếng cười trong phim nam đạo diễn là tiếng cười xã hội, mang màu sắc tươi sáng, lạc quan về tương lai được biểu lộ thông qua hành động, lời ăn tiếng nói của nhân vật. Đây là màu sắc hài kịch phổ biến trong điện ảnh Hoa ngữ.
Đạo diễn họ Trần khẳng định nền văn hóa lâu đời của Trung Hoa chính là nguồn cảm hứng làm phim của anh nhiều năm qua. "Sau Bao Thanh Thiên, Địch Nhân Kiệt, dòng phim trinh thám, phá án của Trung Quốc dần suy kiệt khiến hình ảnh người thám tử Trung Hoa thời kỳ hiện đại gần như mất hút trên màn ảnh. Chính vì vậy, tôi đã sản xuất series Thám tử phố Tàu để vực dậy dòng phim này", anh chia sẻ trên Ifeng.
Trong khi đó, dòng phim hài nhảm với lối chọc cười khoa trương, lời thoại giễu nhại và phi logic, hình ảnh phóng đại trào phúng, không chỉ trở thành thương hiệu riêng của Tinh Gia mà còn có ảnh hưởng sâu sắc đến văn hóa đại chúng.
Chưa kể, Châu Tinh Trì tự hình thành phong cách diễn xuất riêng biệt, khó bắt chước: vô li đầu. Các tình tiết thoạt trông có vẻ vụng vặt, không liên quan đến nhau nhưng kết hợp lại tạo ra sự thú vị và hài hước một cách kỳ lạ.
"Phim của Trần Tư Thành chỉ ở mức khá và xem ổn, cái thiếu lớn nhất của anh là nội hàm cho một tác phẩm. Châu Tinh Trì dùng hài kịch để nói chuyện bi kịch, khiến khán giả bật cười ngay tức thì, nhưng càng ngẫm nghĩ càng thấm thía. Ông dùng chuyện đời để kể chuyện phim. Xem phim Châu Tinh Trì người ta thấy bản ngã, thấy cuộc đời của chính mình. Đó là điều mấy ai có thể làm được như ông", Sohu bình luận.
Sina cũng có quan điểm: "Vài năm qua, chất lượng phim và thành tích phòng vé của 'vua hài' đúng là không mấy ấn tượng, nhưng mảng miếng hài trải đời trong phim của ông khó có thể tìm thấy ở phim khác. Thám tử phố Tàu dù ăn khách song chỉ mang tiếng cười thương mại. Cái hay của Trần Tư Thành là đưa hình ảnh Trung Hoa đến gần thị trường quốc tế thông qua phim ảnh như cách Trương Nghệ Mưu hay Lý An từng làm".
Bằng chứng là Thám tử phố Tàu 3 của Trần Tư Thành dù đại thắng về doanh thu phòng vé, song lại khiếm khuyết về nội dung.
Phim của tài tử 43 tuổi chỉ nhận được 5,6/10 điểm trên trang đánh giá Douban. Điểm chất lượng rất thấp nếu so với 8,3 điểm của Xin chào, Lý Hoán Anh. So với hai phần trước của series, Trần Tư Thành xuống tay, Sina nhận xét.
Tác phẩm bị nhận xét có cốt truyện quá cũ xoay quanh một vụ án trong phòng kín, tình tiết không liền mạch về mặt logic. Chưa kể, cách xây dựng tính cách nhân vật của Trần Tư Thành ở phần 3 còn khiến khán giả khó chịu.
Vương Bảo Cường kém duyên với lối chọc cười lố lăng, tầm thường. Lưu Hạo Nhiên so với hai phần trước không còn giữ được nét tự nhiên, trở nên bóng bẩy và tự phụ. Ngoài ra, màn"tỏ tình" của người đẹp Nhật Bản - Anna Kobayashi cũng bị chê phản cảm quá đà khiến tổng thể tác phẩm trở nên kém sang.
"Doanh thu phòng vé cao chưa chắc phim thành công", Ngô Kinh phát biểu sau khi Chiến lang 2 của anh lập kỷ lục mới trong làng điện ảnh Hoa ngữ với doanh thu về 877 triệu USD. Câu này đúng với trường hợp của Trần Tư Thành. Phim của anh lép vế hơn hẳn so với một kịch bản chặt chẽ, có tiếng cười sâu sắc và chứa đựng tính nhân văn về tình mẫu tử của Xin chào, Lý Hoán Anh.
Trên Sina, nam đạo diễn thừa nhận: "Sáng tạo nghệ thuật là không ngừng lắng nghe tiếng nói của mọi người, để tạo ra nhiều tác phẩm hay hơn nữa. Có lẽ lần này tôi đã nêm nếm gia vị hơi quá tay. Khán giả không sai, là tôi sai và tôi chấp nhận mọi lời chê bai. Thám tử phố Tàu 4 - tôi sẽ trở lại với kịch bản chất lượng như hai phần đầu, tôi hứa".