Đạo diễn Vũ Huân: Chấp nhận sống chậm để làm 'bức tường' cho các nghệ sĩ nghèo nương tựa
Dẫu có một sự nghiệp ổn định, một mái ấm tràn ngập hạnh phúc nhưng trái tim đạo diễn Vũ Huân vẫn luôn trăn trở khi chứng kiến những khổ đau, bệnh tật của các nghệ sĩ khác. Nhìn các nghệ sĩ tên tuổi một thời lận đận, anh chấp nhận sống chậm lại, san sẻ nhiều hơn bằng những việc làm thiết thực.
Từ diễn viên có ngoại hình lạ đến đạo diễn máu lửa trên phim trường
Với nhiều vai diễn gai góc, anh được các đạo diễn chú ý và sự nghiệp diễn xuất đang thăng hoa. Tại sao anh lại chọn học lại từ đầu với nghề đạo diễn?
Sau thành công của vai diễn Thịnh “bò” trong phim Hướng nghiệp, tôi được các đạo diễn chú ý và mời đóng hàng loạt vai chính, thứ chính. Thế nhưng, tôi lại có đam mê vô cùng tận với công việc dàn dựng, chỉ đạo của nghề đạo diễn. Thế là, tôi chọn quay lại trường Sân khấu điện ảnh để theo học lớp đào tạo đạo diễn.
Với lại, tôi tự nhận thấy bản thân có ngoại hình lạ, chứ không phải ngoại hình đẹp. Ngoại hình của tôi rất khó đóng, hóa thân vào nhiều dạng vai diễn. Tôi chỉ phù hợp với các vai hành động. Khoảng thời gian đó, tôi tham gia nhiều vai hành động, bị té trầy xước mặt mày, chấn thương nhiều chỗ. Vợ của tôi lo lắng nên cũng khuyên chuyển qua học đạo diễn.
Vừa học đạo diễn, tôi vừa xin làm phó đạo diễn cho đạo diễn Hồ Ngọc Xum, Xuân Cường,… để vừa học hỏi kinh nghiệm vừa kiếm tiền đóng học phí.
Tốt nghiệp xong, tôi có làm một số phim ngắn. Phim đầu tiên, tôi được cố đạo diễn Châu Huế ưu ái hỗ trợ cho đứng tên đồng đạo diễn. Tôi nhớ, đó là bộ phim Hoàng tử xấu trai.
Lúc này, sức khỏe của chú Châu Huế cũng đã yếu. Thế nên, chú muốn có một đạo diễn trẻ cùng chung tay xây dựng một bộ phim. Được có tên trên phim, tôi cảm thấy rất vui. Tôi làm việc rất máu lửa, nhiệt tình, làm đêm làm ngày. Mỗi sáng, tôi đều sang nhà chở chú đi làm, chiều chở về.
Từ sau phim đó, nhiều nhà sản xuất mời tôi làm tiếp các phim Đồng tiền muôn mặt, Cô nàng bất đắc dĩ, Lối thoát nghiệt ngã…
Có sự khác biệt nào giữa áp lực mà một diễn viên phải chịu đựng với một đạo diễn phải đảm đương không, thưa anh?
Có chứ, diễn viên chỉ chịu áp lực từ đạo diễn nhưng đạo diễn lại chịu áp lực từ nhiều phía. Đạo diễn chịu nhiều áp lực hơn, áp lực lớn nhất phải kể đến từ nhà sản xuất về tiến độ làm phim. Hồi xưa, làm phim không bị ép tiến độ, còn bây giờ việc ép tiến độ ghê gớm lắm, bởi một ngày quay mất rất nhiều chi phí. Một bộ phim chỉ được quay trong vòng từ 50 - 55 ngày.
Anh nghĩ sao về nhận định, đạo diễn phải chịu trách nhiệm về sự thành công hay thất bại của một chương trình, một bộ phim?
Tôi nghĩ nhận định đó hoàn toàn chính xác. Nhà sản xuất đã giao thì thành công của vở diễn, đêm nhạc, bộ phim hoàn toàn phụ thuộc vào tài năng của đạo diễn. Bởi, đạo diễn có quyền điều phối tất cả bộ phận. Một tiếng nói của đạo diễn có thể quyết định thành công hay thất bại của một bộ phim, một chương trình.
Dẫu biết vẫn có chuyện nhà sản xuất ép buộc phải thế này thế kia nhưng quyền quyết định vẫn thuộc về đạo diễn. Phim thành công hay phim thất bại, khung hình đẹp hay xấu đều do đạo diễn. Vinh quang khi phim thành công, diễn viên được hưởng lợi đầu tiên nhưng thất bại, đạo diễn sẽ được nhắc đến nhiều nhất.
Thử thách bản thân bằng cách làm việc với diễn viên trẻ
Nhân việc anh nói, một số nhà sản xuất hay đưa ra điều kiện hoặc ép buộc đạo diễn làm theo ý của họ. Vậy anh nghĩ sao khi nhà sản xuất yêu cầu anh chọn diễn viên trẻ, chưa có nghề tham gia phim do anh đạo diễn?
Tôi có gặp nhiều trường hợp như vậy và thường sẽ đồng ý làm theo đề nghị của nhà sản xuất. Tôi nghĩ đề nghị khắc nghiệt này đòi hỏi khả năng, thử thách tài năng của người đạo diễn. Tôi sẵn sàng nhận và đào tạo diễn viên trẻ, chưa có tên tuổi. Việc làm một bộ phim thành công với các diễn viên thành danh rất đơn giản nhưng để từ một bộ phim làm bật lên tên tuổi của một diễn viên trẻ lại rất khó. Đạo diễn hơn nhau ở chỗ đó.
Nghĩ lại, trước đây, khi còn trẻ, tôi cũng được nhiều người giúp đỡ. Vậy tại sao tôi không giúp cho các em có một môi trường thuận lợi để trau dồi nghề nghiệp.
Hiện nay, nhiều đạo diễn gây được tiếng vang khi tạo nên những bộ phim điện ảnh chiếu rạp với doanh thu trăm tỷ. Sao anh chưa góp mặt vào “đấu trường” khốc liệt này?
Tôi còn đang vướng bận rất nhiều dự án, chứ ai cũng muốn làm phim chiếu rạp, ai cũng muốn làm ra tiền. Tiền mà, ai lại không thích. Thế nhưng, tôi lại nghĩ, tiền rất quan trọng nhưng mục đích của tôi cần lại khác. Tôi thích làm một tác phẩm hay. Làm được tác phẩm hay, bản thân mình thấy thú vị lắm, còn làm để kiếm tiền dễ lắm. Muốn kiếm tiền thì đi làm bất động sản, có phải dễ hơn không, nhưng tôi lại thấy những việc làm đó không có ý nghĩa cuộc sống. Làm nghề nhưng phải thể hiện được mục đích, ý nghĩa cuộc sống của mình thì tôi mới làm. Ví như, vợ chồng tôi đang dồn hết tâm sức để làm chương trình thiện nguyện Bức tường nghệ sĩ nhằm giúp đỡ các nghệ sĩ khó khăn, bệnh tật, giúp các nghệ sĩ trẻ có nơi để biểu diễn, thể hiện tài năng…
Phải chăng bản thân anh đã chứng kiến quá nhiều bạc bẽo của nghề nên anh càng có quyết tâm làm gì đó cho nghề?
Đương thời, các nghệ sĩ nổi tiếng, có rất nhiều hào quang vây quanh nhưng khi về chiều, khán giả không nhớ đến họ nữa. Họ đã vậy thì huống hồ những người làm hậu đài, âm thanh, ánh sáng… ai biết đến mà nhớ.
Lúc làm diễn viên, phó đạo diễn, đạo diễn, tôi ngồi nhìn những nghệ sĩ đổ mồ hôi để làm nghề mà không khỏi xót xa. Sau đó, tôi nghe tin hàng loạt nghệ sĩ nổi tiếng như Mai Phương, Lê Bình, Mạc Can… bị bệnh. Tôi mới ngẫm, khi đứng trên sân khấu, phim ảnh thật hào nhoáng, làm ông hoàng bà chúa, nhà giàu, kép đẹp… nhưng khi về nhà, người nghệ sĩ vẫn khép kín, vẫn có hỉ nộ ái ố, bệnh tật thường tình.
Một lần, tôi ngồi cà phê thì nhận tin NSND Giang Châu mắc bệnh hiểm nghèo. Trước đó khoảng 10 năm, tôi từng làm việc với chú nên nghe tin, tôi rất buồn. Tôi rủ mấy thêm vài anh em doanh nhân đến chung tay giúp chú.
Thế nhưng, tôi nghĩ thêm, công ty của mình nhỏ bé, mình sẽ làm những việc nhỏ bé. Trái tim rất bao la nhưng vòng tay của tôi lại rất nhỏ bé. Cho nên, tôi đã nghĩ cách nối các vòng tay khác lại với nhau. Tôi cần lan tỏa câu chuyện của các nghệ sĩ gặp khó khăn để cộng đồng biết đến. Thông qua chương trình Bức tường nghệ sĩ, nhiều nhà hảo tâm sẽ tìm đến giúp đỡ các nghệ sĩ nghèo.
Khát vọng làm một “bức tường” cho nghệ sĩ dựa vào
Anh có gặp nhiều khó khăn khi làm một chương trình từ thiện, giúp đỡ cho các nghệ sĩ?
Khó khăn nhiều lắm. Lúc đầu, con gái của chú Giang Châu không cho chúng tôi quay phim chụp hình. Cô ấy nói, rất nhiều công ty đến nhà quay phim chụp hình để kêu gọi nhưng giúp được vài triệu rồi thôi, nói làm chương trình giúp đỡ nhưng cũng không thấy gì.
Tôi mới lấy danh dự, tư cách của một người đạo diễn, hứa với gia đình chú Giang Châu sẽ làm một chương trình thực sự. Tôi rất ức, tôi tự hỏi tại sao có người làm từ thiện mà để cho người khác phải lên tiếng như thế. Tôi tức đến mức nói với Thảo: “Anh hứa với gia đình một chuyện, nếu anh không làm được cho chú Châu, anh không làm nghề nữa”.
Lúc đầu, chúng tôi kêu gọi tài trợ để làm chương trình từ thiện cực kỳ khó. Tôi nói ra mà bạn bè còn bảo khó lắm đừng làm. Tôi vẫn khẳng định, có khó tôi vẫn làm.
Thêm một động lực khác, khi tôi gặp NSƯT Trịnh Kim Chi, chị nói: “Chị thích hát lắm, giờ em làm chương trình, chị hát không lấy tiền”. Vậy là, tôi thấy có thêm tay thêm chân.
Tưởng làm việc khó vợ sẽ can ngăn, không ngờ vợ tôi nói: “Bằng mọi giá anh phải làm chương trình này cho em”.
Vậy là, ngày 9/11/2018, chương trình Bức tường nghệ sĩ số đầu tiên giúp cho cố NSND Giang Châu và 21 nghệ sĩ ở khu dưỡng lão quận 8 ra đời.
Chương trình được làm thường niên, một năm 4 lần. Với mỗi mùa tổ chức, chương trình sẽ hỗ trợ nghệ sĩ cả trước và sau chương trình. Trước chương trình, sẽ giúp một ít, sau chương trình, chúng tôi quyên góp được bao nhiêu sẽ giúp bấy nhiêu.
Tất cả nghệ sĩ đến hát, tôi đều gửi phí hỗ trợ tương đối. Riêng với chị Trịnh Kim Chi, chị không lấy tiền hỗ trợ mà còn ủng hộ thêm.
Qua ba lần tổ chức, chương trình đã làm được gì cho các nghệ sĩ, thưa anh?
Mùa 1, chương trình giúp đỡ cho NSND Giang Châu và 21 nghệ sĩ khác ở Viện dưỡng lão quận 8. Mùa 2, chương trình giúp đỡ cho nghệ sĩ hài Vũ Đức, NSƯT Hùng Minh và 9 nghệ sĩ do báo Sân khấu TP.HCM cung cấp. Mùa 3, chương trình hỗ trợ cho NSƯT Diệu Hiền và 10 nghệ sĩ khác, ngoài ra còn trích một phần hỗ trợ cho nghệ sĩ Hoàng Lan. Mùa 4 này, cũng là đêm Gala kỷ niệm một năm chương trình Bức tường nghệ sĩ, chúng tôi sẽ hỗ trợ cho nghệ sĩ Hoàng Lan, Diễm Trinh, Phan Văn Sáng…
Tại sao chương trình có tên Bức tường nghệ sĩ, thưa anh?
Trong lúc loay hoay tìm một cái tên cho chương trình, tôi tình cờ đi ngang qua một ngôi nhà đang xây dựng. Tôi đứng lại nhìn. Ngày hôm sau, tôi lại đi ngang đó và thấy các anh thợ đã xây nên một bức tường gạch mới, ngôi nhà đã có một diện mạo mới. Từ những viên gạch nhỏ xây nên bức tường vững chắc, chúng tôi sẽ tạo nên một bức tường cho các nghệ sĩ neo đơn, khó khăn, bệnh tật, các nghệ sĩ trẻ dựa vào.
Xin cảm ơn anh về buổi trò chuyện đầy ý nghĩa này!