Đạo đức báo chí trong kỷ nguyên AI

Trí tuệ nhân tạo (AI) vừa là động lực thúc đẩy báo chí phát triển, vừa là thách thức lớn đối với báo chí.

Trong quản lý hoạt động báo chí của tòa soạn, có những khó khăn, sức ép không dễ vượt qua, đòi hỏi phải đề cao trách nhiệm xã hội và đạo đức báo chí.

Tác động tích cực của AI đối với báo chí

AI tác động tích cực nhiều mặt tới nghề báo, từ sáng tạo nội dung số đến sản xuất các dòng sản phẩm số trong hệ sinh thái báo chí.

Nhà báo tiết kiệm thời gian và công sức lao động nghề nghiệp nhờ sự hỗ trợ của Chat GPT và ứng dụng AI.

Nhà báo tiết kiệm thời gian và công sức lao động nghề nghiệp nhờ sự hỗ trợ của Chat GPT và ứng dụng AI.

Ứng dụng AI trong báo chí là tất yếu. Các chuyên gia đã bàn luận nhiều về chủ đề này. Có thể tóm tắt ở mấy điểm chính:

Chat GPT và ứng dụng AI hỗ trợ nhà báo tiết kiệm thời gian và công sức lao động nghề nghiệp trong tìm kiếm dữ liệu, viết bài, biên tập, quản trị nội dung và tương tác người dùng; tăng nhanh tốc độ sản xuất tin, bài.

Các tính năng cơ bản mà AI có thể hỗ trợ như: Nhập văn bản bằng giọng nói; chuyển văn bản thành giọng nói; phiên dịch nội dung; hỗ trợ kiểm chứng thông tin độc lập (fact - checking); tự động xác định các yêu cầu từ độc giả; hỗ trợ tổ chức các thông tin và gợi ý liên kết giữa các chủ đề; trực quan hóa dữ liệu; phân tích hình ảnh và nhận dạng; tự động viết các nội dung, tạo tin, bài từ dữ liệu có sẵn.

AI còn hỗ trợ tóm tắt nội dung văn bản và tài liệu lớn; trả lời theo yêu cầu và chủ đề của người dùng; sáng tạo các nội dung, các tác phẩm theo góc nhìn mới; đặt tiêu đề cho các bài báo; dịch thuật đa ngôn ngữ; tìm kiếm câu trích dẫn và cả gợi ý kịch bản, nhân vật, chủ đề phỏng vấn; giúp nhà báo và các cơ quan báo chí phát hiện đề tài, các chủ đề và xu hướng đang được quan tâm; tự động quét website và tải dữ liệu về thiết bị cá nhân; khai thác thông tin từ các trang mạng xã hội; tạo dựng kho dữ liệu từ báo giấy đã xuất bản bằng phần mềm chuyển từ hình ảnh sang văn bản; tìm kiếm, khai thác nội dung sẵn có trong kho dữ liệu; tìm và kiểm tra nội dung, xác định trùng lặp; nhận dạng từ hình ảnh; số hóa dữ liệu trong tòa soạn.

AI có thể là trợ lí ảo trong tổ chức thông tin, tiếp cận công chúng, kiểm soát thông tin phản hồi, hỗ trợ đẩy nhanh công tác nghiên cứu phân khúc thị trường và công chúng; phân tích website và gợi ý cách tối ưu hóa cấu trúc trang chủ của các tờ báo điện tử cũng như các nền tảng số khác của cơ quan báo chí.

AI cũng là công cụ marketing với những phần mềm ứng dụng giúp nâng thứ hạng của trang web, quảng bá nội dung qua email, và đặc biệt là thu phí - một vấn đề nan giải trong kinh tế báo chí hiện nay.

Và những tác động tiêu cực

Thứ nhất, việc dùng dữ liệu và tin giả để sản xuất tác phẩm báo chí là vấn đề khó kiểm soát.

AI vừa có thể sản xuất tin tức báo chí thay việc của phóng viên, vừa có thể viết những bài báo hoàn chỉnh. Dữ liệu trong các bài báo đó là khó kiểm soát và có nhiều vấn đề về quyền sở hữu trí tuệ, đạo đức báo chí.

Tin từ mạng xã hội vốn đã thiếu tin cậy, nay lại được AI tổng hợp và nhà báo đưa vào sử dụng trên báo chí một cách dễ dàng, không kiểm chứng, đang là mối bận tâm sâu sắc của các lãnh đạo báo chí.

Thách thức đặt ra là nhà báo, cơ quan báo chí làm thế nào để vừa khai thác, sử dụng được kho dữ liệu khổng lồ, không giới hạn trên môi trường mạng Internet và những tính năng ưu việt của AI, ChatGPT, vừa không bị hệ lụy từ những mặt trái của AI.

Thứ hai, AI có thể tạo ra những sản phẩm giả mạo và được những nhà báo không trung thực sử dụng vào hoạt động báo chí. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới bạn đọc mà trên thực tế còn ảnh hưởng trực tiếp tới các các lĩnh vực đời sống như sản xuất, kinh doanh, an ninh, quốc phòng.

Thách thức đặt ra là vừa cần thiết khai thác và sử dụng những sản phẩm hoàn hảo về công nghệ của AI, vừa phải đủ công nghệ để kiểm soát tác động tiêu cực của nó.

Thứ ba, AI cung cấp thông tin và dữ liệu dễ dàng, miễn phí, tạo nên tâm lý ỷ lại, lười biếng, thiếu trách nhiệm của nhà báo.

Kho dữ liệu trên môi trường mạng, môi trường số là khổng lồ, gần như vô tận. Lại có AI hỗ trợ (như đã nêu ở trên), nhà báo dễ dựa dẫm, ăn sẵn, thay vì thâm nhập thực tế, tìm hiểu, điều tra, xác minh, kiểm chứng thông tin để sử dụng.

Thách thức ở đây là người lãnh đạo cơ quan báo chí vừa phải khuyến khích phóng viên sử dụng có hiệu quả kho tài nguyên số của nhân loại, vừa phải đủ khả năng, trình độ kiểm soát được những phóng viên “đạo văn” từ mạng nhờ AI.

Thứ tư, vấn đề vi phạm bản quyền tác giả. Nhiều người, trong đó có nhà báo, sử dụng tài liệu lấy từ Chat GPT và AI để viết báo một cách thoải mái mà quên mất quyền tác giả. Số lượng bài báo điện tử được viết từ AI, do AI là rất khó thống kê và vượt quá khả năng kiểm soát của các tòa soạn.

Thách thức ở đây là làm sao để vừa khai thác được tối đa nguồn tin đa dạng, phong phú vừa tránh được những vướng mắc về pháp lý trong việc thực hiện các quy định pháp luật trong nước và quốc tế về vấn đề bản quyền, sở hữu trí tuệ.

Ứng xử đạo đức của nhà báo trong sử dụng AI

Đạo đức là vấn đề cốt lõi, sống còn của người làm báo, bởi báo chí có tác động xã hội sâu sắc, mạnh mẽ, tức thời. Nhất là khi báo chí chuyển đổi số và ứng dụng rộng rãi AI.

Có rất nhiều tình huống vi phạm đạo đức người làm báo: Cố tình hoặc vô tình vi phạm pháp luật; thông tin sai sự thật; vi phạm bí mật quốc gia; đưa tin làm phương hại đến lợi ích chung; xâm phạm đời tư; thông tin phản văn hóa hay thiếu tôn trọng công chúng... Việc ứng dụng AI có thể dẫn đến những sai sót, vi phạm ngoài ý muốn.

Trong bối cảnh ứng dụng AI như một xu thế, báo chí số là bắt buộc, các cơ quan báo chí và mỗi nhà báo cần khai thác một cách trung thực, nhân văn, trách nhiệm những tiện ích từ mạng xã hội, đẩy mạnh ứng dụng AI trong sản xuất nội dung, phân phối, phát hành, tương tác và quản trị tòa soạn. Đồng thời, vừa quán triệt các quy định đạo đức nghề báo trong hoạt động tác nghiệp, đặc biệt từ khâu kiểm chứng, xác minh độ tin cậy của thông tin khi sử dụng AI cũng như thông tin từ mạng xã hội, vừa cần có quy trình của tòa soạn thẩm định, sàng lọc, phát hiện bài báo do AI viết hoặc sử dụng dữ liệu của AI.

AI và các công nghệ mới (như Bockchain, Chat GPT…) là trợ thủ đắc lực của ngành công nghiệp nội dung số. Điều này cũng đặt ra nhiều thách thức lớn đối với nghề báo, từ quản trị sản xuất nội dung đến đạo đức báo chí và các yếu tố pháp lí.

Writer Buddy - công cụ AI được thiết kế để viết các bài đăng trên mạng xã hội và blog, được ra mắt vào tháng 11/2022, là một thách thức mới đối với báo chí.

Tiến sĩ - Nhà báo Trần Bá Dung

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/dao-duc-bao-chi-trong-ky-nguyen-ai-2293454.html