Đạo hiếu làm con
Cuộc sống thời hiện đại vốn dĩ tất bật. Lớp trẻ ngày nay lại càng có nhiều vấn đề quan tâm về cuộc sống, công việc, thú vui giải trí bản thân… nên đôi lúc, trong cách cư xử, lối sống thường nhật, họ vô tình xem nhẹ hay quên đi một tình yêu lớn dành cho cha mẹ.
1. Hai hôm trước, chị Mỹ Linh (quận 11, TPHCM) thấy chị Phương Nghi hàng xóm ngồi khóc trước cửa nhà, qua hỏi thăm, mới hay Bảo Tính, con trai chị Nghi, vừa làm trận làm thượng với cha mình, đập phá đồ đạc trong nhà rồi bỏ đi đâu không biết. Nguyên do cũng vì Tính mê chơi game ở tiệm net, chồng chị (anh Thông) kêu về.
Sau khi bị la rầy, hỏi vụ mất tiền trong nhà, Tính sửng cồ cãi lại. Anh Thông không nhịn được nên cho con trai một bạt tai, vậy là Tính quơ cây chổi đập đồ đạc rồi bỏ chạy.
Lời sụt sùi kể lể của chị Nghi chưa dứt, anh Thông từ trong nhà giận dữ nói với ra: “Cứ để cho nó đi, xem được bao lâu. Đây là lần thứ mấy rồi, nó trộm tiền để nạp vô mấy trò game online. Dịch dã quá, chuyện buôn bán làm ăn toàn lỗ, tiền dành dụm cứ lấy ra bù tiền thuê mặt bằng, mướn nhân công... Nó đã không chia sẻ thì thôi, chỉ biết ham chơi, phá của”.
Thường ngày, cách cư xử của Tính với mọi người trong gia đình cũng không ổn. Dù đã 26 tuổi nhưng Tính chỉ thích đi chơi, không chịu đi làm và không phụ giúp cha mẹ. Có lúc chị Nghi bệnh, nằm bẹp trên giường cả ngày, vậy mà Tính chớ hề hỏi han chăm sóc. Năm trước, lúc anh Thông bị tai nạn giao thông, nằm viện mấy ngày, Tính cũng hời hợt chẳng trông nom cha mình.
Chuyện hàng xóm làm chị Linh nhớ đến con gái chị Út Thân, bà con với chị, ở quận Bình Tân (TPHCM) cũng vậy. Có lần Kim Phúc, con gái chị Út, đi chơi đến gần 12 giờ khuya mới về. Trước đó, Phúc đã bị rầy vì yêu đương quá sớm. Khi bị la, Phúc quay sang hằn học, to tiếng quát mẹ và bảo lớn rồi, có quyền tự do cá nhân, không phải lúc nào cũng bị quản thúc.
Sau trận đấu khẩu đó, mẹ con chị Út còn “khẩu chiến” nhiều cuộc kéo dài cả tháng trời. Chuyện nhà người chị bà con khiến chị Linh chạnh lòng. Nhưng có lẽ, nguyên nhân sâu xa khiến con bé 14 tuổi hình thành tính cách nổi loạn và hỗn hào cũng một phần do ảnh hưởng từ cách cư xử của chị Út với ba mẹ chị. Con bé thường xuyên thấy cảnh mẹ lớn tiếng với ông bà ngoại về chuyện tiền bạc, phân chia gia sản, phân chia việc chăm sóc ông bà lúc tuổi về chiều với các cậu, dì…
2. Sau những cám cảnh chuyện xóm làng, chị Linh quay về với thực tại cuộc sống gia đình mình. Chị nhớ, 20 năm trước, mẹ chị mất trong một vụ tai nạn giao thông, chị đau đớn hụt hẫng vì cú sốc tâm lý mất người thân.
Qua nhiều năm, nỗi đau dần vơi, chị cảm thấy mình may mắn khi còn cha già để chăm sóc, yêu thương. Ông Tư, ba chị, nay đã hơn 90 tuổi, yếu nhiều, mắt kém, tai lãng, đầu óc lúc nhớ lúc quên, thường không nhớ những chuyện của ngày hôm nay, nhưng nhiều lúc lại nhớ rõ chuyện cũ như in.
Vậy là đôi lúc, chị Linh lại chịu khó ngồi nghe ông tâm sự chuyện ngày xưa, thời còn tuổi trẻ, lúc ông trưởng thành với những nhân vật, con người, sự việc gắn liền với cuộc đời nhiều thăng trầm của ông.
Ông bà xưa có câu “người già như trẻ nhỏ”, thích nói ngọt, chịu cách cư xử mềm mỏng, ưa được quan tâm chăm sóc. Đôi lúc người già cũng hay nhõng nhẽo, tâm tính tréo ngoe, khi đòi cái này, muốn cái kia, lúc thích làm cái nọ, theo ý riêng.
Chị Linh cứ nghe và chiều theo ông hết. Trước là để ông vui, tinh thần ông không căng thẳng; sau là để ông tự mình vận động, tự quyết và làm những gì ông nghĩ, ông thích, dưới sự quan sát của chị. Bình thường, khi ông khỏe, chị để ông tự múc ăn, chậm rãi tới lui, tập thể dục nhẹ nhàng.
Lúc ông bệnh, chị lại tỉ mỉ chăm sóc, bón từng miếng cháo, ngụm nước, lau mình, thay tã. Cũng có những khi ông mệt, cáu bẳn, gọi chị đến cự nự, chị chỉ im lặng mỉm cười, ngồi nghe bằng hết những gì ba mình bực tức, không vui. Sau đó, chị kiếm đủ chuyện nói để phân tán tâm tư khó chịu của ông, kể chuyện vui, chuyện lạ cho ông nghe, giải thích những gút mắc, câu hỏi ông đặt ra bằng thái độ nhẫn nhịn pha lẫn cách dẫn giải câu chuyện dí dỏm.
Có lẽ vì được chăm sóc tỉ mỉ nên từ sức khỏe đến tinh thần ông Tư luôn ổn định, ít bệnh vặt, ít phiền não, cuộc sống thường nhật nhờ vậy mà nhẹ nhàng trôi qua, giúp ông sống thọ đến nay.
Từ cách cư xử của chị Linh với ông Tư, 2 đứa con của chị được tiếp nhận sự việc hàng ngày nên cũng bày tỏ quan điểm ứng xử khá tốt giữa những người trong gia đình, với ông bà, cha mẹ. Hai cháu chăm ngoan, biết vâng lời, biết quan tâm đến người thân, thích phụ giúp chị những việc nho nhỏ trong gia đình.
Trong cuộc sống, nếu cha mẹ chịu khó rèn giũa tính cách cho con ngay từ bé, trẻ con lúc nhỏ được chăm sóc và giáo dục kỹ lưỡng thì khi lớn lên, các bé sẽ đi theo chiều hướng tích cực hơn so với những trẻ có cha mẹ ít quan tâm, để con tự do phát triển tâm sinh lý mà không định hướng.
Ở tâm thế làm con, với bất cứ ai, lẽ hiếu đạo vẫn luôn là điều con cái cần phải học và gìn giữ trước tiên, bởi đó chính là cốt lõi của tình yêu, tính nhân ái, đạo đức sống giúp hình thành nhân cách, giúp những tâm hồn con trẻ ngày một hoàn thiện hơn trong hành trình phát triển, trưởng thành…
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/dao-hieu-lam-con-735334.html