Đảo Jeju (Hàn Quốc) tìm lại 'hào quang du lịch' với chiến lược tiếp thị hiệu quả
Theo trang SCMP, ngày càng nhiều người dân Hàn Quốc lựa chọn du lịch nước ngoài thay vì nghỉ dưỡng đảo Jeju như một thói quen trước đây.
Thúc đẩy du lịch từ người ảnh hưởng
Trong những năm gần đây, đảo Jeju (Hàn Quốc) đang dần mất đi hào quang du lịch như xưa. Những du khách Hàn Quốc đang thay đổi thói quen du lịch khi thường tìm đến các chuyến nghỉ dưỡng quốc tế, thay vì trong nước. Vì vậy, đảo Jeju giờ đây thiếu bóng dáng của những du khách nội địa.
Trong nỗ lực tìm lại danh tiếng như xưa, chính quyền tỉnh Jeju đang dùng mọi biện pháp, trong đó phải kể đến việc bổ nhiệm một nghệ sĩ nổi tiếng người Indonesia Anang Hermansyah làm đại sứ du lịch cho hòn đảo.
Với hơn 6 triệu người theo dõi trên mạng xã hội, nghệ sĩ Anang Hermansyah vừa được bổ nhiệm làm đại sứ du lịch của đảo Jeju vào tháng 6/2024 và được giao nhiệm vụ thu hút thêm nhiều du khách Đông Nam Á đến với hòn đảo này.
Trong một bài đăng gần đây trên Instagram, Thống đốc tỉnh Jeju Oh Young-hun tự hào công bố mối quan hệ hợp tác với nghệ sĩ Anang Hermansyah, ca ngợi tiềm năng của mối quan hệ này trong việc vực dậy ngành du lịch của tỉnh.
Anang Hermansyah lần đầu tiên được biết đến là một nhạc sĩ, trước khi được bầu vào Hạ viện Indonesia vào năm 2014 trong nhiệm kỳ 5 năm. Hiện tại, ông đảm nhận nhiều vai trò, trong đó phải kể đến là thành viên ban giám khảo trong cuộc thi ca hát thực tế ăn khách là "Thần tượng Indonesia". Anang Hermansyah cũng là nhà sáng tạo nội dung trực tuyến, cùng với vợ là ca sĩ nổi tiếng Ashanty, người tự hào có hơn 30 triệu người theo dõi trên mạng xã hội.
Giờ đây, nghệ sĩ Anang Hermansyah đang sử dụng tầm ảnh hưởng của mình để mang lại hy vọng về du lịch cho tỉnh Jeju. Anang Hermansyah đăng các video quảng bá nhà hàng và khu chợ trên đảo Jeju với sự theo dõi của hơn 5 triệu người trên Instagram.
Ở bối cảnh hiện tại, Jeju đang nỗ lực thu hút du khách trong nước đến nghỉ dưỡng tại hòn đảo từng rất được yêu thích. Tuy nhiên, người dân Hàn Quốc giờ đây thích trải nghiệm các chuyến du lịch nước ngoài hơn, thay vì du lịch trong nước.
Số lượng khách du lịch Hàn Quốc đến đảo Jeju đã giảm 8,3% vào năm 2023, từ 13,8 triệu vào năm 2022 xuống chỉ còn 12,66 triệu trong năm nay. Trong khi đó, theo Hiệp hội Du lịch Jeju, du khách nước ngoài đến Jeju đã tăng từ khoảng 90.000 lên 710.000 trong cùng thời kỳ. Xu hướng này cho thấy sự thay đổi lớn trong thói quen du lịch của người dân Hàn Quốc.
Trong một báo cáo của công ty phân tích dữ liệu GlobalData, người dân Hàn Quốc thường lựa chọn các chuyến du lịch nước ngoài nhiều hơn vào cuối năm nay, trong đó các nước Nhật Bản, Việt Nam và Thái Lan nổi lên là những điểm đến hàng đầu.
Khi số lượng khách du lịch nội địa chiếm hơn 90% ngành du lịch ở đảo Jeju, thói quen này đã và đang gây áp lực mạnh mẽ đến chuỗi các nhà hàng, khách sạn và sân gôn trên đảo. Thực tế, hơn 200 cơ sở kinh doanh lưu trú quy mô nhỏ ở đây đã đóng cửa vào nửa đầu năm nay.
Theo ông Jaemun Byun, Phó Giáo sư khoa Đại học Sejong, chi phí cho các chuyến du lịch nội địa ở Hàn Quốc là quá cao, đặc biệt là so với các chuyến du lịch nước ngoài đến các quốc gia Đông Nam Á khác.
Nhìn chung, khách du lịch đã thực hiện các đánh giá về giá trị chi phí trong mỗi chuyến đi. Và chính quyền tỉnh Jeju cũng đang cân nhắc lại giá cả chi tiêu cho hoạt động du lịch tại đảo để cạnh tranh với sự hấp dẫn của du lịch quốc tế.
Tuy nhiên, theo dữ liệu từ Viện Văn hóa và Du lịch Hàn Quốc, hòn đảo này chủ yếu thu hút số lượng khách du lịch đến từ các nước Đông Nam Á. Số lượng khách quốc tế đến từ khu vực này đã tăng lên 277.600 lượt trong quý đầu tiên của năm 2023.
Chiến thuật tiếp thị hiệu quả
Jeju cũng là một điểm đến rất nổi tiếng đối với người Indonesia trước đại dịch. Hiện tại, chính quyền địa phương đang "tìm cách phục hồi" số lượng du khách nước ngoài đến hòn đảo này. Năm 2019, khoảng 22.000 người Indonesia đã đến thăm Jeju. Tuy nhiên, vào năm ngoái, thống kê ghi nhận chỉ 4.348 lượt.
"Chúng ta cần tăng cường số lượng khách du lịch nội địa và thiết lập các biện pháp mới cũng như thúc đẩy sáng tạo để cải thiện hình ảnh du lịch của đảo. Trên hết, ngành du lịch phải cải thiện cấu trúc để mang lại giá cả hợp lý và chất lượng dịch vụ tốt hơn", ông Moon Sung-jong, Giáo sư quản lý du lịch tại Đại học Cheju Halla cho biết.
Ông Byun từ Đại học Sejong cũng tin rằng nỗ lực quảng bá hình ảnh hòn đảo từ người có ảnh hưởng như nghệ sĩ Anang là một giải pháp tiềm năng. Sự góp mặt của người nổi tiếng có thể là một "chiến thuật tiếp thị hiệu quả" cho du lịch Jeju. Tuy nhiên, một chiến lược bền vững hơn còn yêu cầu sự hợp tác liên tục giữa doanh nghiệp du lịch địa phương và cơ quan chính phủ.
Bộ trưởng Du lịch Indonesia Sandiaga Uno coi vai trò Đại sứ đảo Jeju của nghệ sĩ Anang là cơ hội gián tiếp để quảng bá hình ảnh đất nước.
"Đó là một chiến lược khôn ngoan có thể mang lại lợi ích cho cả Hàn Quốc và Indonesia trong bối cảnh du lịch đang phát triển. Đảo Jeju cần tất cả sự trợ giúp có thể để hồi sinh sức hấp dẫn của hòn đảo và tiềm năng quảng bá của nghệ sĩ Anang có thể lấy mang lại hào quang cho hòn Jeju", ông Sandiaga Uno nhấn mạnh./.